Những mối lương duyên đặc biệt giữa hai đất nước Lào - Việt. Từ vùng đất Hội An, đã có những người bén duyên và thích nghi, gắn bó chặt chẽ với đất nước Lào anh em.
Cô gái phố Hội là Viêng Khăm
Trong lịch sử, đã từng có hoa hậu xứ Trung kỳ bén duyên với Hoàng thân Souphanouvong - Chủ tịch nước đầu tiên của Lào.
Tháng 6/1937, Hoàng thân Souphanouvong - con trai út của Phó vương Bounkhoong và bà phi Mom Kham Ouane từ đất nước triệu Voi nhận bằng tốt nghiệp trường Quốc gia Cầu đường Paris và được bổ nhiệm về Sở Công chính Trung kỳ (Travaux publics).
Hoàng thân Souphanouvong đáp tàu hỏa từ Sài Gòn ra tới Nha Trang sáng 13/7/1937, đúng sinh nhật lần thứ 28 của ông. Ông ở tại khách sạn Bon Air Hotel của ông Nguyễn Văn Sung - Chủ sự Bưu điện Khánh Hòa. Ông Nguyễn Văn Sung quê gốc Hội An. Cha mẹ ông tham gia chống ách đô hộ của thực dân Pháp, bị truy lùng nên phải vào Nha Trang lánh nạn.
Nguyễn Thị Kỳ Nam là con gái đầu lòng xinh đẹp của ông Nguyễn Văn Sung. Hoàng thân xứ Triệu Voi và hoa khôi xứ trầm hương đã yêu nhau tại đây. Năm 1938, tiệc cưới giữa Hoàng thân Souphanouvong và cô Kỳ Nam tổ chức tại Nha Trang. Khi lấy chồng người Lào, bà Kỳ Nam mang tên Lào là Viêng Khăm (Viengkham, theo tiếng Lào có nghĩa là Thành Vàng).
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Souphanouvong ra Hà Nội bàn việc bảo vệ nền độc lập non trẻ của Việt Nam và Lào. Năm 1945, Hoàng thân trở về Lào tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Ông được cả thế giới biết đến với danh hiệu “Ông Hoàng Đỏ”.
Năm 1995, ông qua đời. Bà Viêng Khăm đã gắn bó, sát cánh cùng ông gần 60 năm, trong đó có 30 năm kháng chiến gian khổ. Bà mất ngày 1/9/2006. Hiện nay, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào có bảo tàng Souphanouvong tọa lạc trên tuyến phố chính nối thẳng Khải hoàn môn với Phủ Chủ tịch Lào. Bảo tàng lưu giữ đầy đủ cuộc đời và hoạt động cách mạng của Hoàng thân Souphanouvong cũng như Viêng Khăm - người vợ quê gốc Hội An, Quảng Nam.
Vun đắp tình bang giao
Bắt đầu từ năm 1999 đến nay, Hội An được “làm mai” để bén duyên với một số địa phương của Lào như: thành phố Pắc sế, tỉnh Chămpasak; thành phố Sa vẳn, tỉnh Savannakhet. Năm 2016, Hội An đã cử đoàn sang tìm hiểu thành phố LuangPrabang – cố đô của Lào; tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở sự tìm hiểu.
Mới đây, vào đầu tháng 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sổm-mạt Phôn-sê-na và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác đến thăm Hội An. Một cuộc “làm mai” kết nối giữa Hội An và Luang Prabang lại được đặt ra.
Các thủ tục nhanh chóng được tiến hành. Ngày 17/10/2024, tại thủ đô Viêng Chăn, Hội An và TP.Luang Prabang, tỉnh Luang Prabang ký kết Biên bản thiết lập quan hệ hữu nghị chính thức giữa hai địa phương. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hai thành phố.
Ông Viêng-thong Thếp-sạ-chăn, Bí thư – Thị trưởng thành phố Luang Prabang cho biết: “TP.Luang Prabang được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995, sớm hơn TP.Hội An 4 năm. Hiện Luang Prabang trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực. Việc kết nghĩa với Hội An, tỉnh Quảng Nam có ý nghĩa sâu sắc, nhằm góp phần tăng cường hợp tác về văn hóa, du lịch giữa hai bên”.
Luang Prabang và Hội An có nhiều điểm tương đồng khi cùng là di sản văn hóa thế giới và đều rất nổi tiếng, là điểm đến hàng đầu của du khách. Vì vậy, ông Viêng-thong Thếp-sạ-chăn cho rằng, việc kết nghĩa giữa Luang Prabang và Hội An sẽ là sợi dây góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.
Câu chuyện về chàng trai quê Cẩm Nam, Hội An sang Lào giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng để kháng chiến cứu quốc khi mới 16 tuổi – Bô Nhơn Lê Viết Muồng được nhiều người dân Lào ghi nhớ. Ông Bô Nhơn - Lê Viết Muồng từng giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đến năm 1991 thì nghỉ hưu về sống tại Sê Kông. Cùng với đó, thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, quê Cẩm Phô, Hội An cũng là vị tướng gắn bó máu thịt và nặng lòng với đất nước Triệu Voi.