(QNO) – Hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ; bảo tồn không gian làng nghề; tăng cường quảng bá giới thiệu tại các sự kiện trong nước, quốc tế… là những giải pháp mang tính đột phá góp phần đưa làng gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP.Hội An) trở thành điểm đến thu hút khách trên bản đồ du lịch Quảng Nam.
Đầu tư hạ tầng, cảnh quan
Gần 1 tháng nay đoạn đường 50m dẫn vào trung tâm làng gốm Thanh Hà đang được gấp rút thi công. Theo thiết kế, hai bên đường sẽ trang trí các phù điêu, hoa văn, họa tiết bằng gốm nhằm tạo cảnh quan và điểm check-in cho khách du lịch, tổng kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhật – Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết, vài năm trở lại đây, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước đầu tư trên dưới 1 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ làng gốm Thanh Hà. Trong đó, chủ yếu tập trung cải tạo cảnh quan, môi trường như lót gạch lối đi, trang trí tường rào, tạo điểm check-in… Như xây dựng bãi đổ xe bên ngoài làng gốm (diện tích 2.500m2, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6/2023) tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí xe điện trung chuyển khách vào làng.
“Thời gian tới, bên cạnh triển khai dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo không gian sinh thái, phường cũng tăng cường đầu tư, chỉnh trang làng gốm; vận động các cơ sở sắp xếp lại cảnh quan, tăng thêm điểm check-in; mở các lớp đào tạo nghề, thuê họa sĩ thiết kế mẫu mã sản phẩm mới” – ông Nhật thông tin. Đặc biệt, năm 2025 khi Trường Tiểu học Bùi Chát trong làng gốm di dời đến cơ sở mới, dự kiến nơi đây sẽ được quy hoạch xây dựng thành khu đón tiếp, trưng bày các sản phẩm, dụng cụ làm nghề gốm Thanh Hà giới thiệu cho khách trước khi vào tham quan.
Năm 2001, TP.Hội An phê duyệt phương án tổ chức khai thác tuyến tham quan du lịch làng gốm Thanh Hà. Thời điểm đó, cả làng chỉ còn 8 cơ sở với 24 lao động hoạt động nghề. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống Thanh Hà gắn với hoạt động du lịch.
Từ khi UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án khôi phục và phát triển vào năm 2004, gốm Thanh Hà đã trở thành điểm du lịch làng nghề điển hình của Hội An và Quảng Nam. Lượng khách không ngừng gia tăng qua từng năm. Nếu năm 2001 làng gốm Thanh Hà chỉ đón 674 lượt khách tham quan, doanh thu hơn 8 triệu đồng thì đến năm 2023 đã tăng lên hơn 550 nghìn lượt khách (khoảng 90% là khách quốc tế), doanh thu hơn 19,2 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2024 làng gốm Thanh Hà đón khoảng 394 nghìn lượt khách mua vé tham quan, doanh thu gần 14 tỷ đồng.
Tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh
Làng gốm Thanh Hà hiện có 110 hộ dân, 212 lao động, tập trung chủ yếu ở 3 tổ 22, 24 và 25 khối phố Nam Diêu, trong đó 37 hộ với 68 lao động trực tiếp tham gia sản xuất gốm và hoạt động phục vụ du lịch, mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng (tùy thời điểm).
Du khách tới làng, ngoài được giới thiệu lịch sử làng gốm, xem quy trình ra đời một sản phẩm thủ công truyền thống, còn được người dân hướng dẫn chế tác để làm ra sản phẩm cho riêng mình. Niềm vui còn được nhân lên khi kết thúc hành trình mỗi du khách sẽ được tặng một con tò he bằng gốm mang về kỷ niệm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Cơ sở trải nghiệm gốm Nguyễn Sáu chia sẻ, thông qua hoạt động du lịch đã giúp nhiều hộ gia đình trong làng thêm thu nhập. Hiện tại, cả 2 vợ chồng bà Dung đều tham gia đón khách. Vợ nặn tò he, chồng phục vụ khách chuốt gốm. Sau khi trải nghiệm nếu du khách muốn mang sản phẩm về làm kỷ niệm thì bà Dung lấy 30 nghìn đồng.
Ngoài khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan làng nghề thì việc tổ chức chương trình tham quan, quảng bá, xúc tiến đầu tư, vận chuyển, kết nối doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm, hình ảnh điểm đến, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ… đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động du lịch làng gốm Thanh Hà phát triển chuyên nghiệp và bền vững.
Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố Hội An (đơn vị quản lý hoạt động du lịch làng gốm Thanh Hà), những năm qua trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ngoài quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh làng gốm Thanh Hà cũng xuất hiện thường xuyên trong các sự kiện, lễ hội tổ chức tại TP.Hội An, kể cả mang sản phẩm làng gốm đi giới thiệu tại những sự kiện trong nước, quốc tế.
Hiện, thành phố đang xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng, cảnh quan, điểm check-in, nâng cấp hoạt động hướng dẫn tham quan, cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá sản phẩm làng nghề kết nối với các thị trường khách. Tăng cường đào tạo nghệ nhân, thợ nghề để có tính kế tục và giữ được lửa nghề không bị gián đoạn.
Hội An đã gia nhập mạng lưới sáng tạo của UNESCO, trong đó có nghề thủ công và nghệ thuật dân gian cho nên làng gốm cũng là một trong những làng nghề cần tập trung phát huy tôn vinh giá trị. Dù vậy, một vấn đề khó khăn của làng gốm Thanh Hà hiện nay chính là nguồn vật liệu đất sét ngày càng đắt đỏ và khan hiếm, ảnh hưởng đến hoạt động nghề của người dân nên các cấp, ngành liên quan của tỉnh cần có hướng tháo gỡ, giải quyết bài toán này”
Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố Hội An Trương Thị Ngọc Cẩm
“