Du lịch

Khó khăn du lịch làng nghề

VĨNH LỘC 14/09/2024 14:01

(VHQN) - Sau hơn 20 năm phát triển du lịch, ngoài một số làng nghề ở Hội An khai thác tốt được du khách ưa chuộng thì phần LỚN làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hiện thực được khát vọng đón khách tham quan.

n6.jpg
Du lịch làng nghề phát triển sẽ giúp tạo sinh kế, bảo tồn hiệu quả làng nghề. Ảnh: V.L

Thiếu sản phẩm đặc trưng

Tháng 11/2009, Cụm làng nghề Đông Khương (phường Điện Phương, Điện Bàn) công bố quy hoạch. Theo đó, tất cả ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống địa phương như đúc đồng Phước Kiều, chạm khắc gỗ mỹ nghệ, bánh tráng, chiếu chẽ Chiêm Tây, gốm Lê Đức Hạ… sẽ được tập trung vào một không gian chung.

Sự ra đời của Cụm làng nghề Đông Khương ngoài mục đích bảo tồn, sản xuất tập trung còn mang đến kỳ vọng phát triển các làng nghề theo hướng du lịch. Kết quả sau gần 15 năm triển khai, dường như 2 mục tiêu trên chưa đạt, nhất là mục tiêu phát triển du lịch.

Tại Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (Cụm làng nghề Đông Khương), bên cạnh sản xuất hàng hóa, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp cũng tiến hành đầu tư cải tạo không gian, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, thiết kế mẫu mã sản phẩm tinh gọn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm làm quà lưu niệm của du khách...

Dù vậy, rất ít khách đến tham quan. Cách đó không xa, Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ cũng phát triển sản phẩm và mô hình sản xuất theo hướng du lịch nhưng lượng khách tham quan không đáng kể, phần lớn là học sinh các vùng lân cận, khách đoàn lữ hành hầu như vắng vẻ.

Quảng Nam có khoảng 30 làng nghề và làng nghề truyền thống cùng hơn 2.200 cơ sở sản xuất nghề. Không ít trong số này gắn với du lịch, nhưng phần lớn manh mún.

Tại một số làng nghề như dệt chiếu Trà Nhiêu, dệt lụa Mã Châu (Duy Xuyên), nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình) hay dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), kể cả mộc Kim Bồng (Hội An)… dù có lợi thế khi gần các trung tâm du lịch hoặc sở hữu nhiều giá trị văn hóa độc đáo nhưng việc phát triển du lịch vẫn khá chậm chạp.

Ông Lê Sỹ Quyền – Giám đốc Asia Pioneer Travel (Hà Nội) - chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững, cho rằng, để du lịch làng nghề hay bất kỳ loại hình du lịch nào phát triển không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình nguồn nhân lực làm du lịch địa phương thiếu và yếu như hiện nay.

“Do đó, ngành du lịch và các địa phương cần quyết tâm hơn với vấn đề này, phải quy hoạch, chuẩn bị và thiết kế một lộ trình trải nghiệm bài bản và chuyên nghiệp trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp chứ không thể manh mún tự phát như thời gian qua”, ông Quyền gợi ý.

n3.jpg
Du lịch làng nghề Quảng Nam vẫn manh mún mạnh ai nấy làm thiếu sự kết nối. Ảnh: V.L

Hoàn thiện kết nối

Du lịch làng nghề không hề mới mẻ mà đã được ngành du lịch triển khai từ hơn 20 năm trước. Trong đó, sự thành công của các làng nghề truyền thống tại Hội An như gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, làm đèn lồng… trở thành điển hình khuyến khích nhiều cơ sở, làng nghề trên địa bàn tỉnh quy hoạch, phát triển theo hướng này. Nhưng không phải tất cả đều thành công.

Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch - dịch vụ Hoa Hồng (Hội An) nhìn nhận, thiếu mới mẻ và trùng lặp sản phẩm đã khiến du lịch làng nghề Quảng Nam chưa thật sự hấp dẫn.

“Ở đâu chúng ta cũng thấy có tiềm năng nhưng quan trọng làm như thế nào, thiết kế sản phẩm ra sao để doanh nghiệp lữ hành và du khách đón nhận. Đặc biệt, phải có sự khác biệt, bởi một số sản phẩm của các địa phương hiện na ná nhau như gốm, gỗ, dệt chiếu…” – ông Dũng liệt kê.

Thực tế, đây cũng chỉ là một nguyên nhân. Rất nhiều yếu tố khiến du lịch làng nghề chưa phát triển. Từ nguồn nhân lực hạn chế, chưa kết nối hạ tầng giao thông cho đến phát triển manh mún, thiếu vai trò doanh nghiệp…

Ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam cho rằng, thiếu kết nối là nguyên nhân quan trọng nhất. “Phải làm sao kết nối được các điểm làng nghề gần Hội An như Điện Bàn, Duy Xuyên, kể cả Thăng Bình… để thuận tiện cho du khách.

Tiếp đến, các làng nghề phải có sản phẩm cụ thể, hạ tầng giao thông phải thuận tiện, bởi giao thông đang là vấn đề trở ngại. Ngoài ra, cần tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu bởi khách chưa biết nhiều, thậm chí lẫn lộn sản phẩm giữa các làng nghề với nhau” – ông Việt dẫn giải.

Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam khẳng định, các doanh nghiệp du lịch hiện mới chỉ khai thác những yếu tố sẵn có và ít quan tâm tới sản phẩm làng nghề, dẫn đến thiếu sự liên kết giữa các đơn vị lữ hành với các chủ thể làng nghề.

Vai trò của ngành du lịch cũng chỉ dừng lại ở những hỗ trợ như hướng dẫn, tập huấn kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng làng nghề, quảng bá điểm đến làng nghề…

“Phải có doanh nghiệp vào để giới thiệu khai thác sản phẩm làng nghề, nhưng bản thân làng nghề cũng phải có sự liên kết với nhau, tổ chức thường xuyên hơn các tour tuyến tham quạn, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, bảo tồn làng nghề, hướng đến sự phát triển bền vững” - ông Sơn phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn du lịch làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO