Văn hóa

Định cư bền vững, tiếp nối làng nghề

QUỐC TUẤN 12/09/2024 14:06

(VHQN) - Để thế hệ kế cận định cư bền vững ngay tại không gian làng nghề truyền thống không phải là câu chuyện đơn giản, dù đây là điều kiện tiên quyết để làng nghề tồn tại.

zara.jpg
Cộng đồng làng nghề dệt Zara (Nam Giang) duy trì sản xuất ổn định trong thời gian qua nhờ việc được hỗ trợ cho sản phẩm tiếp cận với thị trường du lịch. Ảnh: Q.T

“Sức đề kháng” của làng nghề

Định cư bền vững, hiểu nôm na là câu chuyện đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của những giá trị gốc trên cơ sở giữ giá trị truyền thống nhưng vẫn không cản trở nhu cầu nâng cao chất lượng sống của con người.

Yếu tố sống còn, thách thức sự tồn tại của các làng nghề là việc người trẻ không mặn mà tiếp nối nghề. Lý do quan trọng nhất là thu nhập từ nghề truyền không bằng hoặc chí ít là ở ngưỡng tương đối so với mức thu nhập của các ngành nghề lao động phổ biến hiện nay.

Theo các chuyên gia, làng nghề truyền thống có lịch sử tồn tại phát triển đặc thù nhưng tựu trung lại, có thể đánh giá tiềm năng bảo tồn và phát triển của nó qua các tiêu chí: cơ sở vật chất, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, nguyên liệu, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, chính sách quản lý, kết nối hợp tác và sự tham gia của cộng đồng.

Những cộng đồng làng nghề nào càng hội tụ được nhiều tiêu chí thì “sức đề kháng” của làng nghề đó càng cao để thích ứng với yêu cầu phát triển của thời đại.

Tất nhiên là những làng nghề gần trung tâm du lịch lớn như Hội An sẽ có nhiều lợi thế nếu đối chiếu các tiêu chí trên. Nhưng nhận định từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, không chỉ làng nghề ở Hội An, lợi thế của nhiều làng nghề Quảng Nam là hội tụ được một số tiêu chí quan trọng có thể thúc đẩy phát triển du lịch.

Phổ biến nhất là việc sở hữu di tích lịch sử gắn với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, để phát huy điều này rất cần quy hoạch bài bản cũng như chính sách quản lý phù hợp, thúc đẩy kết nối với các đối tác, thị trường khách nhằm gia tăng sức sống cho làng nghề.

img_0923.jpeg
Cần phải có giải pháp hợp lý để giới trẻ tiếp cận, tiếp tục nâng cao giá trị làng nghề. Ảnh: Q.T

Tìm cách gắn liền với thúc đẩy kinh tế

KTS. Nguyễn Văn Nguyên - người sáng lập công trình Công viên đất nung Thanh Hà cho rằng, để làng nghề phát triển bền vững, ngoài 3 trụ cột như quan điểm phổ biến hiện nay là: bền vững về xã hội, bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường cần bổ sung trụ cột thứ tư là bền vững về tài nguyên nhân văn.

Cụ thể trong trường hợp ở Hội An, phát triển bền vững cần tổ chức và bổ sung các không gian chức năng; tổ chức các điểm theo cụm dân cư, khu trung tâm dịch vụ; cải tạo liên kết các công trình văn hóa, cộng đồng, tín ngưỡng, điểm tham quan và cải thiện hệ thống cảnh quan, duy trì cấu trúc truyền thống của làng cũng như kết nối với các tuyến du lịch của thành phố.

Cùng với quy hoạch không gian kiến trúc, việc số hóa dữ liệu về làng nghề truyền thống cũng được ông Nguyên đặt ra. Từ dữ liệu số này có thể khai thác, sử dụng nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng nghề truyền thống.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, muốn giữ bền vững được các quần thể làng nghề cũng như giá trị bản sắc văn hóa của nó thì phải gắn liền với thúc đẩy kinh tế.

“Mỗi vùng đất luôn có những cộng đồng khác nhau gây dựng nên các làng nghề khác nhau. Ngày xưa ông cha ta phát triển làng nghề để mưu sinh ở thời điểm đó nhưng trong bối cảnh hiện nay cần có giải pháp hợp lý để giới trẻ tiếp cận, tiếp tục nâng cao giá trị các làng nghề này.

Giá trị làng nghề không còn đơn thuần là sản phẩm phục vụ sinh hoạt như trước kia nữa, cần làm gia tăng giá trị làng nghề qua hình thức du lịch hoặc xa hơn phải nghĩ đến chiến lược phát triển để sản phẩm làng nghề hướng đến sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với tiêu chuẩn cao có thể xuất khẩu mang lại nguồn thu nhập bền vững thì mới có thể thu hút thế hệ kế cận tiếp nối sự nghiệp của tiền nhân”, ông Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Thực tế, từ chính sách quản lý tốt, kết nối bên ngoài hiệu quả cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng, đã có không ít làng nghề truyền thống từng đứng trước nguy cơ mai một xoay chuyển cục diện để tạo ra sinh khí mới ngay tại quê nhà.

Làng nghề phở sắn (Quế Sơn) hay làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), thông qua con đường thương mại hóa, sản xuất công nghiệp đối với phở sắn hoặc trở thành hàng lưu niệm phục vụ du khách gần xa với thổ cẩm Zara… là những điển hình của cuộc xoay chuyển trên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định cư bền vững, tiếp nối làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO