Văn hóa

Dấu ấn trong hàng lưu niệm

ĐẶNG TRƯƠNG 14/09/2024 12:44

(VHQN) - Tìm hướng mở cho sản phẩm làng nghề truyền thống là khát vọng cháy bỏng mà nghệ nhân xứ Quảng ấp ủ…

744_2725.mxf.05_27_15_04.still001(1).jpg

Chuyện của tre, trúc…

Xã Cẩm Thanh, TP.Hội An bây giờ trở thành không gian du lịch trải nghiệm nhộn nhịp và hấp dẫn du khách gần xa. Nhưng ít ai biết, cách đây mấy chục năm, nơi đây từng tồn tại một làng nghề tre đan truyền thống. Và người “chủ xị” thuở ấy là ông Võ Tấn Mười - cho đến giờ vẫn còn duyên nợ sâu sắc với tre.

Lớn lên cùng tre, hít thở không khí và bóng mát lũy tre làng, sử dụng các sản phẩm đan lát từ tre… ông Võ Tấn Mười gắn đời mình với tre, trúc và lá dừa nước Cẩm Thanh. Bắt đầu từ chiếc rổ, rá đơn giản cho đến thúng mủng, dần sàng rồi áo tơi lá dừa hay những vật thông dụng từ tre… Tre đã “cưu mang” gia đình ông Mười qua nhiều phen cơ cực của cuộc mưu sinh.

Đó là lý do khi người làng dần bỏ nghề tre đan, ông Mười vẫn cương quyết giữ lấy nghề. Điều đáng mừng, cuộc “xe duyên” của ông với tre giờ đây được tiếp nối bởi người con trai Võ Tấn Tân và những người trẻ trong làng.

Họ cũng có những năm tháng sống cùng tre trúc, được cha mẹ chỉ dạy cách ứng xử với tre và giờ đây lại mang khát vọng làm thăng hoa cây tre của xứ sở mình bằng những sản phẩm tinh xảo, thân thiện và hữu dụng.

Xưởng tre Taboo Bamboo của gia đình anh Võ Tấn Tân không chỉ được biết đến là xưởng sản xuất đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ và vật dụng gia đình bằng tre. Hiện nơi đây là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch.

Ở đây có rất nhiều sản phẩm thú vị được làm thủ công bằng tre: từ những con ốc sên, chim cánh cụt, chuồn chuồn, những chú rối xinh xắn đến các vật dụng dùng trong gia đình như bàn, ghế, điện thoại bàn, cốc uống nước, ống hút, đũa, bát bằng tre…

Sau khi tốt nghiệp đại học, Võ Tấn Tân từng có công việc theo sở học của mình, nhưng rồi, tiếng gọi của tre đã kéo anh về làng quê và bắt đầu hành trình tiếp nối truyền thống của cha ông với tre, trúc… Anh Tân bảo: “Chính ba đã truyền lửa và thôi thúc mình quay về với làng quê và tre trúc. Ngọn lửa ấy cũng dẫn dụ mình đi với tre bằng một cách riêng cho đến bây giờ…”.

Anh bắt đầu mày mò, nghiên cứu về sản phẩm, thị trường, sở thích để từng bước tìm hướng đi riêng, không lẫn lộn với bất cứ dòng sản phẩm nào trên thị trường từ công nghiệp.

Chính tre đã dạy anh cùng lớp người trẻ của xưởng mỹ nghệ Taboo Bomboo một lối đi bền vững, thân thiện với môi trường nhưng cũng rất thăng hoa. Bắt đầu từ những chiếc xe đạp bằng tre, Võ Tấn Tân tiếp tục gây ngạc nhiên với dòng sản phẩm lưu niệm từ tre tinh xảo, bắt mắt và mang chứa câu chuyện làng nghề sâu sắc.

Anh Tân nói: “Mình muốn khi ai đó cầm một sản phẩm của mình trên tay hay mang về làm quà lưu niệm đều phải hiểu được rằng, đằng sau sản phẩm ấy là cả câu chuyện về làng nghề truyền thống, về văn hóa xứ sở”…

Hành trình của mo cau…

Tiên Phước là xứ sở của cau, nhưng giá trị cây cau không cao khi chỉ cho trái. Trăn trở để tìm hướng mở mới cho sản phẩm từ cau, chị Võ Thị Thu Thôi - làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh đã cùng với nhiều chị em trong thôn đứng ra thành lập Hợp tác xã cau xanh Quảng Nam.

Hợp tác xã ra đời cùng lúc làng Lộc Yên trở thành địa chỉ du lịch trải nghiệm thú vị. Điều này như cú hích để Thôi có thêm niềm tin, động lực dấn thân trên hành trình làm thay đổi số phận cây cau.

Lấy cảm hứng từ cây cau, các chị trong hợp tác xã sử dụng sản phẩm từ chiếc mo cau rơi rụng ngoài vườn mà từ lâu người dân đã bỏ quên, làm ra những sản phẩm thời trang mo cau như túi xách, mũ, khay đựng, chậu hoa, hoa mo cau, mũ, trang sức mo cau... thu hút sự chú ý của khách hàng, nhất là giới nữ.

Quả đúng là: Thân em rơi rụng ven bờ/ Ngẩn ngơ mua nắng dật dờ tả tơi/ Nâng em thành quạt thảnh thơi bao người/ Bện em túi xách mo tươi/ Đem ra chợ bán mua mười đồng rau/ Nghĩ đời cũng lắm điều hay / Vứt đi thì rác, khéo tay giúp đời…

Trước kia, từ mo cau, người dân Tiên Phước cũng như những miền quê xứ Quảng sáng tạo nên nhiều vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày: từ gói cơm, cái gàu, cái rổ cho đến những món đồ chơi trẻ em... Sự xuất hiện của vật liệu nhựa có giá thành rẻ, làm cho những đồ dùng từ mo cau không đủ sức cạnh tranh.

Bây giờ, những con người mang khát vọng biến mo cau thành những mặt hàng đẹp, thân thiện môi trường, tận dụng nguyên liệu tại chỗ dồi dào như chị Thôi cùng các chị trong hợp tác xã của mình… đã viết nên câu chuyện đẹp giữa xanh ngát Lộc Yên, Tiên Phước.

Hai trong số rất nhiều nỗ lực mang dấu ấn làng nghề vào sản phẩm hàng lưu niệm của các nghệ nhân xứ Quảng đã và đang thuận buồm xuôi gió sau những khó khăn ban đầu.

Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, mỗi làng nghề truyền thống xứ Quảng, ngoài cách tồn tại như hàng mấy trăm năm qua… sẽ tìm được cho mình thêm một chiếc áo mới, lộng lẫy, kiêu sa và mang chứa một khát vọng xanh trên hành trình đi tới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn trong hàng lưu niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO