Tòa soạn & bạn đọc

Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

DIỄM LỆ 15/04/2024 09:42

(QNO) - Hỏi: Công ty tôi có trụ sở chính tại TP.Đà Nẵng, nhưng nhiều lao động của công ty làm việc ở vùng 3, vùng 4. Vậy, công ty có được áp dụng mức lương tối thiểu vùng 3, vùng 4 để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho các lao động này không?

bhxh.jpg
Người lao động làm thủ tục tại cơ quan BHXH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: D..L

Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Do đó, trường hợp công ty của ông/bà có trụ sở chính tại TP.Đà Nẵng và các chi nhánh tại địa bàn vùng 3, vùng 4 thì người lao động làm việc tại trụ sở chính áp dụng mức lương tối thiểu tại vùng 2, người lao động làm việc tại các chi nhánh thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn chi nhánh.

Hỏi: Theo Luật Phá sản, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Vậy, khi doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tháng thì cơ quan BHXH tỉnh có quyền nộp đơn yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản doanh nghiệp đó không?

Trả lời: Tại khoản 1, Điều 5 Luật Phá sản quy định, người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Tại khoản 3, Điều 4 Luật Phá sản quy định: “Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba”.

Tại điểm b, khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản quy định: “Trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau: Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết”.

Tại khoản 3 và khoản 9 Điều 23 Luật BHXH quy định về trách nhiệm của cơ quan BHXH: “Tổ chức thực hiện thu, chi BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật”. “Quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ những quy định của pháp luật nêu trên, thì cơ quan BHXH tỉnh có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO