Tòa soạn & bạn đọc

Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

D.L 05/06/2024 14:01

(QNO) - Hỏi: Tôi sinh ngày 26/8/1966, giới tính nam. Tôi đã đóng 18 năm 5 tháng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và đóng tiếp 19 tháng BHXH tự nguyện. Nay tôi giám định sức khỏe thì được xác định là suy giảm đến 80% sức lao động. Vậy cho tôi hỏi tôi nên làm gì để hưởng trợ cấp xã hội khi chưa đủ tuổi? Theo tôi được biết thì không có quy định nào về "bắt buộc" và "tự nguyện" khi đã đóng đủ 20 năm? Tôi phải làm gì để được hưởng trợ cấp xã hội khi đã suy giảm sức lao động đến 80%?

20240508_110119.jpg
Quyền lợi người lao động luôn được bảo vệ bởi các quy định của pháp luật lao động và BHXH. Ảnh: D.L

Trả lời: Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 134/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện: Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc: Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc theo Điều 71 của Luật BHXH được quy định như sau:

1. Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng BHXH một lần.

2. Điều kiện hưởng lương hưu:

Người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH.

Như vậy, trường hợp của ông thời gian tham gia BHXH bắt buộc mới 18 năm 5 tháng (chưa đủ 20 năm tham gia BHXH bắt buộc) nên không đủ điều kiện để được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của nhà nước. Vì vậy ông có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH (cả BHXH bắt buộc lẫn BHXH tự nguyện) hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đến khi đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí.

Hỏi: Tôi vừa rồi phẫu thuật ruột thừa. Sau khi ra viện thì bác sĩ cấp giấy chỉ định nghỉ 9 ngày sau phẫu thuật (bảo hiểm chi trả lương). Sau khi hết lịch nghỉ tôi đi làm lại được 16 ngày thì tôi xin nghỉ việc tại công ty. Tôi có đặt câu hỏi với công ty thì họ nói nếu giờ tôi nghỉ tôi sẽ không được hưởng khoản bảo hiểm đó. Vậy trong trường hợp này tôi có được chi trả khoản tiền đó hay không, và nếu công ty cũ của tôi không giải quyết cho tôi thì tôi phải làm thế nào?

Trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật BHXH 2014: Điều kiện hưởng chế độ ốm đau gồm bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Căn cứ khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014 và khoản 4 Điều 4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm quy định:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì thời gian ốm đau, tai nạn trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng trợ cấp ốm đau; thời gian nghỉ việc do bị ốm đau, tai nạn ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Trường hợp của bạn, sau khi ra viện thì bác sĩ cấp giấy chỉ định nghỉ 9 ngày sau phẫu thuật ruột thừa, nếu thời gian nghỉ việc do bị ốm đau ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương và số ngày nghỉ ốm trong năm chưa vượt quá quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật BHXH nêu trên thì bạn được tính hưởng chế độ ốm đau theo quy định. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm có:

- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

- Bản chính Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (mẫu 01B-HSB) do đơn vị sử dụng lao động lập.

* Trường hợp công ty cũ của bạn không lập hồ sơ thì bạn có thể kiến nghị lên giám đốc công ty, công đoàn công ty hoặc công đoàn cấp trên để đề nghị giải quyết quyền lợi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO