Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

D.L 27/09/2023 14:01

(QNO) - Hỏi: Con tôi khai sinh ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Nay gia đình chuyển ra sinh sống ở TP.Đà Nẵng nên mỗi lần khám chữa bệnh rất mất thời gian về thủ tục giấy tờ. Tôi xin hỏi trình tự và thủ tục để thay đổi thông tin đăng ký khám chữa bệnh ban đầu?

Người tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến huyện và tương đương phù hợp điều kiện của gia đình. Ảnh: D.L
Người tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến huyện và tương đương phù hợp điều kiện không phân biệt địa giới hành chính. Ảnh: D.L

Trả lời: Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT: Đăng ký khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại cơ sở KCB BHYT ban đầu tuyến xã, tuyến huyện: Người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu (sau đây gọi tắt KCB ban đầu) tại một trong các cơ sở KCB quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 40/2015/TT-BYT không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 47 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký KCB ban đầu vào tháng đầu quý.

Như vậy, vào tháng đầu mỗi quý, anh/chị mang thẻ BHYT của con đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn thủ tục đổi nơi đăng ký KCB ban đầu.

Trường hợp chuyển thẻ BHYT về TP.Đà Nẵng cấp, anh/chị đến UBND nơi cư trú tại huyện Thăng Bình để thực hiện giảm thẻ BHYT mã TE đã được cấp trước đó, sau đó đề nghị UBND nơi đăng ký tạm trú tại TP.Đà Nẵng lập danh sách để cấp thẻ BHYT mã TE mới cho con.

Hỏi: Tôi là người lao động đang làm việc tại một khách sạn trên địa bàn tỉnh. Đặc trưng của đơn vị tôi là nghỉ thứ Ba hằng tuần. Tôi nghỉ thai sản từ 1/1/2023 đến 30/6/2023. Theo quy định thì trong vòng 30 ngày làm việc sau khi hết chế độ thai sản, nếu sức khỏe không tốt thì có thể xin nghỉ dưỡng sức. Tôi quay lại làm việc tại công ty, đến 3/8/2023 thấy sức khỏe không tốt nên tôi xin nghỉ dưỡng sức 7 ngày từ 3/8 - 9/8/2023 (sinh mổ). Nhưng bên nhân sự nói chỉ được 2 ngày vì chỉ tính trong 30 ngày làm việc. Vậy tôi được giải quyết chế độ dưỡng sức 2 ngày hay 7 ngày?

Trả lời: Căn cứ khoản 8 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7/7/2021, khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc theo quy định khoản 1 Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội là khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe người lao động chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.

b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.

c) Tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Đối với trường hợp của bạn nghỉ thai sản từ ngày 1/1/2023 - 30/6/2023, ngày nghỉ tuần thứ Ba. Vậy, bạn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời gian thai sản được xác định là từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 4/8/2023.

Theo câu hỏi của bạn, đến ngày 3/8/2023 thấy sức khỏe không tốt nên xin nghỉ dưỡng sức 7 ngày từ 3/8 - 9/8/2023 (sinh mổ). Căn cứ trên, bạn được giải quyết chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 2 ngày từ ngày 3/8/2023 - 4/8/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO