Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 04/10/2019 10:09

(QNO) - Hỏi: Hồ sơ khám giám định lần đầu cho người lao động bị tai nạn lao động (TNLĐ) gồm những gì?

Trả lời: Theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, hồ sơ khám giám định lần đầu do TNLĐ gồm:

1) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này đối với trường hợp người bị TNLĐ thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động;

2) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Quyết định số 4069/2001/QĐ-BYT ngày 28.9.2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ bệnh án;

3) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản điều tra TNLĐ theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 21.5.2012 của liên tịch Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo TNLĐ;

4) Giấy ra viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra TNLĐ và tổn thương đề nghị giám định.

Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 47 của Luật An toàn vệ sinh lao động: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do TNLĐ không có khả năng điều trị ổn định.

Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: chứng minh nhân dân; căn cước công dân; hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 3 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.

Hỏi: Theo quy định của pháp luật về BHXH, các tổ chức phi chính phủ có phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động không? Hiện tại pháp luật có quy định về việc đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng từ đủ 10 lao động trở lên mới phải đóng BHXH hay không?

Trả lời: Về quy định đối tượng đóng BHXH bắt buộc: Khoản 1, Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012 về tham gia BHXH, BHYT quy định: Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BH thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về BHYT.

Điểm a và Điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định về đối tượng người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Khoản 3, Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Khoản 1, Điều 124 Luật BHXH năm 2014 quy định về hiệu lực thi hành quy định: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, người sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc cho người lao động, cụ thể: Trước 1.1.2018 áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; từ ngày 1.1.2018 trở đi áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.

- Về điều kiện số lao động trong đơn vị làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

Khoản 36, Điều 1 và Điều 2 Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002 quy định: BHXH bắt buộc được áp dụng đối với những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có dử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Luật này có hiệu lực từ ngày 1.1.2003.

Như vậy, thời điểm trước ngày 1.1.2003, đơn vị, doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; từ ngày 1.1.2003 trở đi không đặt ra điều kiện số lượng lao động trong đơn vị để làm căn cứ tham gia BHXH bắt buộc (dưới 10 lao động cũng thuộc đối tượng tham gia) mà chỉ bảo đảm điều kiện có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên (từ ngày 1.1.2018 áp dụng điều kiện hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên như đã đề cập ở trên).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO