(QNO) - Hỏi: Ông Nguyễn Văn T. là người Việt Nam, có mẹ nuôi là người quốc tịch nước ngoài. Nay mẹ ông muốn về Việt Nam sinh sống và muốn mua bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Vậy ông mua BHYT hộ gia đình cho mẹ ông có được không? Nếu được thì cần có những thủ tục gì và mua ở đâu?
Trả lời: Căn cứ Điều 1 và Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, người nước ngoài được tham gia BHYT nếu: “Người nước ngoài có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú”.
Về thủ tục tham gia BHYT hộ gia đình: Ông lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT theo Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nộp tiền đóng và lựa chọn một trong những nơi đăng ký sau:
- Trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, huyện.
- Các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT.
- Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam.
Ông liên hệ với Bộ phận một cửa tại cơ quan BHXH tỉnh hoặc các tổ chức dịch vụ thu (bưu điện, Viettel...) để được hướng dẫn cụ thể.
Hỏi: Bà Trần Thu H. chấm dứt hợp đồng lao động khi đang có thai ở tháng thứ 5, đóng BHXH được 1 năm 2 tháng. Bà H. hỏi trường hợp của bà có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu được thì cần làm những thủ tục gì?
Trả lời: Tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Tại khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Về hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật BHXH như sau:
- Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con.
- Bản sao Giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao Giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết.
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh.
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai.
Tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định: Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH nơi cư trú.
Đối chiếu các quy định nêu trên, BHXH Việt Nam trả lời theo tình huống giả định bà đưa ra như sau: Trường hợp bà sinh con vào tháng 9/2023 thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con của bà được xác định là khoảng thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023. Nếu trong khoảng thời gian này, bà có từ đủ 6 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên hoặc có từ đủ 3 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên và trong thời gian mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì bà đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Vì thông tin của bà cung cấp chưa rõ ràng nên bà cần đến cơ quan BHXH gần nhất cung cấp hồ sơ để được giải quyết cụ thể.