(QNO) - Hỏi: Khi tôi đi làm ở 2 nơi khác nhau tại 2 công ty, một công ty làm buổi sáng và một công ty tôi làm bảo vệ buổi tối, đều đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Vậy tôi có được hoàn tiền BHXH khi trùng thời gian đóng ở 2 sổ khác nhau?
Trả lời: Trường hợp bạn hỏi được quy định rõ trong Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tại nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017.
Theo quy trình trên, trường hợp một người có từ 2 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền mà đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Số tiền phải trả này bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động nhưng không bao gồm tiền lãi.
Căn cứ vào quy định trên, trường hợp của bạn ký hợp đồng lao động cùng lúc với 2 đơn vị nên việc đóng BHXH bị trùng thời gian. Do đó, không thể gộp 2 sổ BHXH mà phải làm thủ tục thoái thu thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và hủy sổ BHXH đã cấp tại đơn vị ký hợp đồng lao động thứ 2. Cơ quan BHXH sẽ thực hiện hoàn trả tiền đã đóng đối với thời gian đóng trùng nhau và thực hiện gộp sổ BHXH cho bạn.
Để được gộp sổ và hoàn tiền đóng trùng, cơ quan BHXH đề nghị bạn chuẩn bị hồ sơ gồm Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS) và các sổ BHXH hiện có.
Bạn có thể nộp hồ sơ cho đơn vị đang quản lý mình nếu bạn đang đi làm và đóng BHXH; hoặc nộp cho cơ quan BHXH địa phương nơi cư trú nếu đang bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Hỏi: Nếu tôi làm việc đến năm 2026, tôi sẽ đóng BHXH đủ 20 năm. Tuy nhiên, lúc này tôi mới 44 tuổi thì có thể nghỉ hưu sớm hay không?
Trả lời: Bộ luật Lao động năm 2019 đã điều chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu và sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu.
Theo các quy định nêu trên, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Về việc nghỉ hưu sớm, người lao động tham gia BHXH bắt buộc từ 20 năm trở lên có thể nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi trước tuổi nghỉ hưu quy định trong 4 trường hợp, nghỉ hưu sớm tối đa 10 tuổi trước tuổi nghỉ hưu quy định trong 2 trường hợp và nghỉ hưu bất cứ khi nào có yêu cầu trong 2 trường hợp.
Theo BHXH tỉnh, trường hợp của ông/bà đến năm 2026 nếu có 20 năm đóng BHXH, mới chỉ 44 tuổi và không thể hiện có các điều kiện nghỉ hưu trước tuổi thì chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí. Bởi căn cứ vào lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong năm 2026 là 57 tuổi. Năm 2026, ông/bà mới 44 tuổi, thấp hơn tuổi nghỉ hưu quy định 13 tuổi.
Còn về mức hưởng lương hưu, BHXH tỉnh không thể tính vì không có đủ thông tin tại thời điểm nghỉ hưu ông/bà có mức lương bao nhiêu, chỉ số trượt giá thế nào… Khi ông/bà đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào diễn biến quá trình tham gia BHXH của ông/bà với các mức tiền lương cụ thể mới có thể tính lương hưu cho ông/bà.
BHXH tỉnh hướng dẫn, nếu ông/bà lo lắng mức lương hưu thấp vì nghỉ hưu sớm, có thể nghỉ việc khi đóng BHXH đủ 20 năm và bảo lưu thời gian đã tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí. Ông/bà cũng có thể chọn phương án nghỉ việc và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định để được hưởng quyền lợi về tiền lương hưu cao hơn do có thời gian đóng BHXH nhiều hơn.