Tòa soạn & bạn đọc

Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

D.L 11/05/2024 10:43

(QNO) - Hỏi: Thân nhân của người được tặng huân, huy chương kháng chiến có được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hay không?

z5053640337360_bd35197f51fd35e96753805cbfb28522.jpg
Người dân được tặng thẻ BHYT (ảnh minh họa). Ảnh: D.L

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, thân nhân của các đối tượng người có công với cách mạng sau đây được ngân sách nhà nước đóng BHYT:

- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

- Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại khoản 11 Điều này, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Vì vậy, nếu ông thuộc một trong những đối tượng nêu trên thì liên hệ với đơn vị có trách nhiệm lập danh sách cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn (theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì: UBND xã có trách nhiệm lập danh sách đối với đối tượng quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).

Trường hợp ông chỉ là thân nhân của người được tặng huân, huy chương kháng chiến theo quy định tại Điều 35, 38 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 mà không đồng thời thuộc các đối tượng trên thì ông không được ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Hỏi: Tôi muốn hỏi, trường hợp công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), trường hợp giám đốc công ty đang bị cơ quan công an bắt giữ, giám đốc bỏ trốn, thì lao động phải làm thế nào để lấy được sổ BHXH và tự đóng BHYT?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 46 Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam về việc ban hành văn bản hợp nhất quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thì:

"Đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH".

Trường hợp công ty của ông/bà không có người đại diện theo pháp luật (giám đốc bị bắt hoặc bỏ trốn) thì theo quy định tại mục II Công văn số 1880/BHXH-CSXH ngày 21/6/2023 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH, ông/bà liên hệ với cơ quan BHXH nơi đóng để được hướng dẫn làm thủ tục xác nhận sổ BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO