(QNO) - Sau chương trình Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Trác (4/11/1904 - 4/11/2024) vào sáng nay 4/11, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Trác”.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Xuân Ca - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu; đại diện gia đình, gia tộc đồng chí Nguyễn Trác.
Phát biểu đề dẫn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Xuân Ca cho biết, thông qua hội thảo nhằm tôn vinh và khẳng định công lao của đồng chí Nguyễn Trác với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng; đồng thời sưu tầm và bổ sung tư liệu về sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Trác làm cơ sở bổ sung, làm sáng tỏ thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
“Người có công đầu thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam”
Tại hội thảo, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, nhà nghiên cứu lịch sử đã trình bày tham luận, tập trung làm rõ quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Trác với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là việc thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam và khôi phục phong trào cách mạng tỉnh nhà những năm 1936 - 1939.
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, trong những tháng năm đen tối dưới ách kìm kẹp của chế độ thuộc địa giai đoạn 1930 - 1945, TP.Đà Nẵng nói riêng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung đã trở thành chiếc nôi của cách mạng miền Trung, nơi Xứ ủy Trung kỳ làm căn cứ, bàn đạp, đứng chân gieo hạt giống đỏ đầu tiên giải phóng dân tộc.
Trong tiến trình ấy, đồng chí Nguyễn Trác (bí danh Thiều) có những dấu ấn quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn 1936 - 1939 (với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thời kỳ các chi bộ ở Đà Nẵng thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam) và khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 (với vai trò Bí thư Thành ủy Đà Nẵng).
Nhà nghiên cứu Bùi Xuân - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nêu những cứ liệu lịch sử nhấn mạnh vai trò của đồng chí Nguyễn Trác trong phong trào đấu tranh dân sinh - dân chủ 1936 - 1939.
Theo đó, cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Trác mời mỗi phủ, huyện một đồng chí về họp tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Kinh ở làng Tân Hạnh, nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Hội nghị chủ trương phát triển thực lực Đảng, thực lực quần chúng cả bí mật và công khai một cách đều khắp.
Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trác làm Bí thư. Sau hội nghị, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam đã tiến hành thành lập các phủ ủy, huyện ủy; phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách các phủ, huyện, để cùng các phủ ủy, huyện ủy lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.
Như vậy, đối với Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (bao gồm cả Đà Nẵng) trong giai đoạn đầu thực hiện sự chuyển hướng chiến lược sang đấu tranh dân sinh - dân chủ, đồng chí Nguyễn Trác là người có công đầu trong việc thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam, khôi phục lại các phủ ủy, huyện ủy và tổ chức lại các hoạt động của Đảng bộ tỉnh.
Nhà nghiên cứu Bùi Xuân
Trình bày tham luận về hoạt động và cống hiến của đồng chí Nguyễn Trác tại Ban Pháp chế Trung ương giai đoạn 1966 - 1979, PGS-TS. Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Ban Nội chính Trung ương cho biết: "Với lối sống giản dị và trí tuệ phi thường, đồng chí Nguyễn Trác luôn hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân nhưng luôn phân biệt rạch ròi giữa việc công và việc tư, giành hết thời gian, tâm huyết cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam và công tác nội chính Đảng".
Những kiến nghị, đề xuất...
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo TP.Đà Nẵng và gia đình đồng chí Nguyễn Trác đã nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan.
Cụ thể, ông Nguyễn Chính (con trai đồng chí Nguyễn Trác) kiến nghị các nhà nghiên cứu, các cơ quan liên quan làm rõ hơn vai trò của đồng chí Nguyễn Trác trong thời kỳ giành chính quyền ở Đà Nẵng (8/1945), cụ thể là chức vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; hiện trong lịch sử Đảng bộ tỉnh chưa đề cập đến chức vụ này.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Chính - con trai đồng chí Nguyễn Trác phát biểu tại hội thảo:
Ngoài ra, ông Nguyễn Chính cũng đề nghị làm rõ hơn thời kỳ đồng chí Nguyễn Trác phụ trách Giám đốc Trường Tư pháp Trung ương, Trung tâm Đào tạo cán bộ pháp lý đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Đề nghị các cơ quan liên của quê hương Quảng Nam, thị xã Điện Bàn quan tâm, tạo điều kiện giúp gia đình xây dựng nhà tưởng niệm về đồng chí Nguyễn Trác, hướng tới là di tích lịch sử cách mạng ở quê nhà.
[VIDEO] - Đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị lấy tên đồng chí Nguyễn Trác đặt tên trường, tên đường:
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nêu đề xuất tiếp tục mở rộng đặt tên đường đồng chí Nguyễn Trác tại Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh, thành. Đồng thời, đề nghị đặt tên trường học đồng chí Nguyễn Trác tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng).
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của 2 địa phương cần phối hợp để tiếp tục sưu tầm, lưu giữ và trưng bày, giới các tư liệu, hiện vật về đồng chí Nguyễn Trác nhằm giáo dục truyền thống cách mạng...
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, qua hội thảo đã bổ sung tư liệu làm sáng tỏ hơn về thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết và sôi nổi của đồng chí Nguyễn Trác qua các thời kỳ cách mạng với nhiều cương vị công tác, cũng như những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, những vấn đề mới, phát sinh liên quan đến quá trình hoạt động của đồng chí Nguyễn Trác, sau hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và các cơ quan liên quan, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, xác minh để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh quá trình hoạt động và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Trác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng trong các công trình lịch sử đảm bảo tính khách quan, khoa học.
[VIDEO] - Bí thư Tỉnh uỷ Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận hội thảo: