Chính trị

KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRÁC - NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NAM (4/11/1904 - 4/11/2024)Nhớ một thời sôi động

ĐÔNG KHÔI 04/11/2024 08:26

Tháng 7/1936, sau khi được trao trả tự do, với nhiệt huyết và kinh nghiệm hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Trác nhanh chóng về Quảng Nam móc nối hoạt động với các đồng chí Trịnh Quang Xuân và Trần Học Giới.

anh-nguyen-trac-do-mat-tham-phap-chup-nam-1936-1938.jpg
Ảnh Nguyễn Trác do mật thám Pháp chụp năm 1936 - 1938.

Trong hồi ký của mình đồng chí Nguyễn Trác viết: “Tôi ra khỏi Côn Đảo trên chuyến tàu đầu tiên vào ngày 14/7/1936 với số anh em mà bọn thống trị cho là thuần túy can án về chính trị. Tàu đỗ, chúng tôi xuống Sài Gòn, tạm trú ở xóm Chiếu. Ở đây, chúng tôi nghe đang có phong trào tổ chức nhiều ủy ban hoạt động, thu thập nguyện vọng rộng rãi trong nhân dân.

Sau đó mấy hôm, chúng tôi về Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng, thì chỉ có tôi và anh Đồng (Phạm Văn Đồng) xuống. Sau khi vào Sở mật thám đưa căn cước, anh Đồng về trước vì có sẵn xe đi Quảng Ngãi.

Sau đó một ngày, tôi bị giải vào Hội An, đến Tòa sứ rồi lên tỉnh. Tại đây, tôi gặp nghè Đào, nó nhìn tôi là bà con và nhận tôi về ở nhà nó để nhắn tin về xã xuống nhận không phải đưa về phủ. Ở nhà Đào, tôi gặp Trần Học Giới đến chào nghè Đào để về.

Qua việc giới thiệu của Đào, tôi được biết Giới cũng là tù chính trị, tôi tranh thủ trao đổi tình hình và đặt liên lạc ngay với Giới. Về nhà, tôi hỏi chú em tôi cũng mới ở tù về cho biết có Nguyễn Thành Hãn ở Duy Xuyên, Nguyễn Ngọc Kinh ở Hòa Vang, Nguyễn Đức Thiệu ở Đại Lộc, Nguyễn Xuân Nhĩ, Nguyễn Thúy ở Bích Trâm - La Thọ, Trịnh Quang Xuân ở Nhị Giáp... cũng là tù chính trị trong tỉnh.

Tôi sốt ruột vì trong lúc phong trào ở Nam Kỳ đang lên, ở Bắc chớm lên mà ở Trung Kỳ vẫn còn im lìm, chưa có gì. Trong lúc tìm liên lạc gặp được người này, tôi lại biết thêm người khác. Để gây dựng phong trào, đầu tiên tôi mời Trần Học Giới, Trịnh Quang Xuân ra bãi cát trước Ga lớn Đà Nẵng để lập Ủy ban vận động, phân công nhau đi liên lạc các địa phương”.

Còn trong hồi ký của đồng chí Trần Học Giới cho biết, sau khi ra tù thì ông ra tỉnh để gặp tên nghè Đào: “Nghè Đào mời chúng tôi về nhà riêng ở Vĩnh Điện. Vào đến nhà, tôi thấy anh Nguyễn Trác (Thiều) đang ngồi ở đó. Tôi tưởng là khách của tên nghè Đào nên chỉ chào nhau chứ không nói gì với Nguyễn Trác cả.

Tên nghè Đào tiếp chúng tôi và giới thiệu: Các anh có biết anh này không? Đấy là anh Nguyễn Trác, con bà cô ruột của tôi, vừa bị tù cộng sản cũng như các anh, bị đày ra Côn Lôn vừa được chính phủ bình dân Pháp ân xá về ghé thăm tôi đấy.

Chúng tôi được giới thiệu cùng bắt tay nhau. Tên Đào châm nước trà mời chúng tôi cùng uống. Nó ngồi thuyết về tình hình chính trị đủ thứ, riêng tôi thấy khó lọt vào tai. Tôi nhìn anh Trác, thấy anh mỉm cười, tôi cũng cười đáp lại. Nhân lúc tôi ra ngoài tiểu tiện, anh Nguyễn Trác cũng theo ra nói nhỏ với tôi: Nó nói gì mặc kệ nó, lúc này không tiếp tục làm cách mạng thì chờ cơ hội nào nữa. Nhà mình ở làng Hà Thanh, hẹn sau này chúng ta lại gặp nhau cùng trao đổi để tiếp tục hoạt động cho cách mạng”.

Khi lý tưởng cách mạng đã gặp nhau, Nguyễn Trác, Trịnh Quang Xuân và Trần Học Giới đã bí mật gặp nhau ở bãi cát nhà ga Đà Nẵng.

Tại đây các đồng chí đã đã thành lập Ủy ban vận động Đại hội Đông Dương tỉnh Quảng Nam. Lúc bấy giờ Hiệu sách Việt Quảng - Trung tâm đại lý sách báo cách mạng ở Đà Nẵng, một trong 3 cơ sở ở Quảng Nam - Đà Nẵng hoạt động tài chính cho Đảng, cùng với lò chén Việt An (Tiên Phước) và chiếc xe chở khách của ông Ba Chung.

Tại Hiệu sách Việt Quảng, đồng chí Nguyễn Trác đã cùng với Trần Học Giới, Trịnh Quang Xuân thảo luận về việc thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam. Trong hồi ký của mình, đồng chí Trần Học Giới có ghi: “Mùa thu năm 1936, anh Nguyễn Trác, anh Trịnh Quang Xuân và tôi gặp mặt nhau tại tiệm sách Việt Quảng.

Chiều hôm ấy, ăn cơm xong, ba chúng tôi ra ngồi ở trên đường sắt gần ga chợ Hàn giả vờ là khách, ra ngồi hứng gió mát để thảo luận việc thành lập Nhóm vận động tổ chức tỉnh Đảng bộ để tiến tới thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam.

Chúng tôi phân công cụ thể như sau: Anh Nguyễn Trác tạm thời làm Bí thư phụ trách Đà Nẵng và 2 huyện Hòa Vang, Đại Lộc; anh Trịnh Quang Xuân phụ trách thị xã Hội An và các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên; tôi phụ trách thị xã Tam Kỳ và 2 huyện Thăng Bình, Tiên Phước, kể cả mỏ vàng Bồng Miêu và đồn điền chè Đức Phú”.

Đúng như tinh thần cuộc họp trù bị nêu trên, cuối năm 1936, tại làng Tân Hạnh, Hòa Vang, diễn ra hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Nguyễn Trác được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRÁC - NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NAM (4/11/1904 - 4/11/2024) Nhớ một thời sôi động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO