Hồ sơ - Tư liệu

Nguyễn Trác với phong trào cách mạng Trung kỳ - Kỳ cuối: Làm thất bại dự án tăng thuế của Pháp

LƯU HOÀNG GIANG

Tháng 9/1938, thực dân Pháp đưa ra dự án tăng thuế mới và buộc Viện Dân biểu Trung kỳ phải thông qua. Lúc này, Nguyễn Trác cùng các đồng chí của mình là Trịnh Quang Xuân, Trần Học Giới đang ở tại tòa soạn báo Sông Hương (Huế) nhận được ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng là: Trước ngày họp Viện Dân biểu Trung kỳ, ta cần phải tranh thủ ý kiến các nhà chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn... để đấu tranh với Pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Trác. Ảnh TÂM ĐAN
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng dâng hương tưởng niệm tại nhà riêng đồng chí Nguyễn Trác ở Hà Nội nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh. Ảnh: TÂM ĐAN

“Cãi” với cụ Phan

Ông Trần Học Giới nhớ lại: “Sau khi thảo luận, anh Nguyễn Trác dẫn đầu đi đến gặp cụ Phan Bội Châu nhà ở Bến Ngự (Huế). Khi chúng tôi vào nhà, cụ vồn vã đón tiếp, anh Trác tự giới thiệu: “Chúng tôi là những người buôn bán ở tỉnh Quảng Nam, nghe tiếng cụ đã lâu rất hâm mộ, hôm nay cùng tìm đến thăm cụ, nhân Viện Dân biểu Trung kỳ sắp họp nghị viện muốn thu thập nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để đưa lên trên xét, vậy đối với Tổ quốc Việt Nam, theo cụ nên lập chế độ gì cho hợp với phong trào thế giới hiện nay, mong cụ chỉ giáo cho”.

Cụ Phan nói: “Dân Việt Nam như con khỉ, thấy người ta làm gì cũng bắt chước hùa theo, bây chừ nghe người ta nói bình dân, cộng sản cũng nhắm mắt nói bình dân, cộng sản!”.

Anh Trác nghe vậy liền nổi nóng hỏi lại: “Cụ có biết communiste (cộng sản) là nghĩa thế nào không? Chứ không phải như mấy anh đồ gàn cắt nghĩa: cộng là chung, sản là của cải, rồi chụp mũ cho rằng người theo chủ nghĩa cộng sản là cọng tất thể, quá ngốc như vậy!”.

Sau một hồi lời qua tiếng lại, cụ Phan thiếu bình tĩnh, liền bảo chúng tôi lui ra: “Vì ở đây bốn phía đều có mật thám cả và có bố trí người theo dõi, không khéo lại vào khám ngồi tù cả đám!”. Anh Trác trả lời: “Chúng tôi thương dân, thấy những gì không đúng thì vẫn hiên ngang nói thẳng. Hôm nay nói ra lẽ phải, đến ngày mai lên đoạn đầu đài chúng tôi cũng không hề khiếp sợ đâu, thưa cụ!”.

Cuộc thăm dò ý kiến đi đến kết thúc, chúng tôi kéo nhau về. Sáng hôm sau, anh Phan Đăng Lưu đến gặp chúng tôi tại tòa soạn báo Sông Hương (anh đang làm thư ký cho cụ Phan Bội Châu, thường viết lại các bản chữ Hán Nôm thành ra chữ Quốc ngữ, vì cụ không quen viết Quốc ngữ), anh hỏi: “Hôm qua nhóm nào đến gặp ông già Bến Ngự làm cho ổng nổi giận la lối om sòm vậy các bạn?”. Anh Trác bèn kể rõ đầu đuôi câu chuyện, anh Lưu cười nói: “Ông cụ gàn này thật lắm chuyện!”.

Nguyễn Trác về lại Quảng Nam và phát động nhân dân các tỉnh phía Nam đấu tranh chống lại dự án tăng thuế của thực dân Pháp bằng việc thu thập nguyện vọng, lấy chữ ký phản đối dự án tăng thuế, rất rầm rộ.

Khắp các phủ, huyện Tam Kỳ, Quế Sơn, Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Đà Nẵng… đều tổ chức những cuộc họp kêu gọi nhân dân phản đối chính sách thuế khóa hà khắc của thực dân Pháp. Sôi nổi nhất là cuộc họp ở nhà Võ Đề (Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên), có hơn 30 đại biểu, trong đó có cả giới nhân sĩ tham gia, do Nguyễn Trác chủ trì. Từ Trà Kiệu, phong trào lan ra Chiêm Sơn, Phú Nham, Thi Lai, Mã Châu, Chợ Chùa...

Tại Đà Nẵng, từ ngày 4 đến ngày 6/9/1938, có 5 đoàn đại biểu nhân dân đến gặp nghị viên Quang Cự nhờ truyền đạt nguyện vọng của dân lên Viện Dân biểu. Ở Hòa Vang, lý trưởng làng Tân Hạnh được Đảng bố trí làm lý trưởng từ trước, đã đi vận động các hào lý tổng Thanh An ký vào đơn chống thuế. Ở Điện Bàn, dân kéo đến nhà cụ Hà Đằng - Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ yêu cầu ông ta cùng với dân chống dự án tăng thuế…

Đấu cùng Khâm sứ

Để cùng lúc có thể có nhiều đơn kiến nghị, Nguyễn Trác chỉ đạo các cơ sở Đảng khắp Quảng Nam, nhất là những người đang dạy học, nhờ các em học sinh chép kiến nghị.

Ông Khưu Thúc Cự nhớ lại: “Hồi chống thuế tôi dạy tư ở nhà cho học sinh đậu yếu lược thi vào lớp nhì, tôi đọc cho học sinh chép đơn tiếng Pháp (do trên tỉnh thảo sẵn) bác bỏ dự án thuế của Pháp, mỗi lần chép được 40 bản, đôi ba lần như thế rồi đi phân phối.

Đơn viết nội dung hơn 1 trang, còn trang sau ký dày chữ ký của lý hương, địa chủ, phú nông rồi đóng triện xã vào. Tôi đi thu hết, rồi giao anh Võ Chí Công (tức Võ Toàn) đem ra Huế gửi Viện Dân biểu Trung kỳ, đi hai ba lần gì đó. Nhiều hôm, tôi với ảnh đi cả đêm phát đơn và thu đơn, bị trợt té lấm lem”.

Tại Điện Bàn, theo lời kể của Nguyễn Trác thì: “Nguyễn Thúy (Điện Bàn) là Tỉnh ủy viên Quảng Nam mới chạy ra Đà Nẵng tìm tôi và nói: “Tôi nghe ngày mai thằng Khâm sứ lên Điện Bàn phủ dụ thuế, có tổng lý đông lắm, anh phải vô đấu với chúng!”.

Sáu giờ sáng, từ Đà Nẵng tôi đạp xe đạp vào thì vừa lúc tên Khâm sứ Trung kỳ lên. Thúy nhờ tôi nói đối đáp (vì không ai có khả năng bằng tôi) tôi mới chất vấn hắn, nên sau đó hắn hỏi tung tích và biết tôi là Nguyễn Trác vừa tù Côn Lôn về. Hôm sau, hắn đưa giấy mời tôi và nhốt luôn”.

Việc Nguyễn Trác trực tiếp đấu với tên Khâm sứ và đứng ra diễn thuyết tại ga Phong Thử (Điện Bàn) làm chấn động dư luận, sự kiện này được báo chí đương thời thuật như sau: “Tại phủ Điện Bàn, nhơn có cuộc biểu thị của các quan tổng đốc và công sứ về dự án thuế mới, dân chúng trong hạt ấy có tổ chức ra nhiều cuộc mít tinh để chống dự án ấy”.

Bị thất bại cay đắng về dự án tăng thuế, bọn thực dân Pháp ở Trung kỳ ra sức đàn áp phong trào cách mạng tại đây: Cụ Hà Đằng bị chúng gây sức ép phải thôi chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ; chúng xuống trát bắt bớ hàng loạt người trực tiếp chỉ đạo hoặc tham gia phong trào này.

Tờ Dân chúng, một tờ báo của Đảng cộng sản Việt Nam phát hành tại Nam Kỳ cho biết: “Hết dân Thừa Thiên, đến lượt dân chúng ở Quảng Nam bị khủng bố dữ dội. Ngày 15/12, trát tỉnh đòi lý trưởng các làng Hà Thanh, Bích Trâm, Quang Hiện, Đông Quang, La Thọ, Chu Bái, Lạc Thành ở phủ Điện Bàn và đến hôm 16/12 lại đòi lý trưởng hai làng Tân Hạnh và Quá Giáng ở huyện Hòa Vang. Mấy người này bị đòi đến là vì đã ký vào đơn phản đối dự án thuế thân thứ hai của Chính phủ.

Quan tỉnh hỏi ai chủ mưu trong việc phản đối này, thì họ đồng thanh nói rằng: Chính toàn thể dân chúng trong làng đã buộc họ phải đệ đơn phản đối. Tra hỏi xong, người ta thả họ ra về. Riêng các anh Nguyễn Biên, Nguyễn Thúy ở La Thọ và Nguyễn Trác (tức Thiều) ở Hà Thanh đều bị trát đòi và tống giam. Hiện nay các vụ bắt bớ còn lan rộng ra nữa”.

Ngày 15/11/1938, Nguyễn Trác bị thực dân Pháp bắt và kết án một năm tù, tại nhà lao Hội An, sau tăng lên 5 năm vì tội tham gia tổ chức đảng, âm mưu lật đổ chính quyền. Ông bị đày đi các nhà lao Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Đắk Tô (Kon Tum)… mãi đến trước khi giành chính quyền năm 1945 mới được thả.

Nguyễn Trác - người có công lớn tái lập Tỉnh ủy Quảng Nam và Xứ ủy Trung kỳ, ông đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tù đày để gầy dựng lại phong trào cách mạng xứ Quảng nói riêng và Trung kỳ nói chung.

Ông đã có công lớn để “hệ thống hóa” các tổ chức đảng, “đội ngũ hóa” quần chúng khắp Trung kỳ, góp phần quan trọng trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ do Đảng lãnh đạo lúc bấy giờ. Hơn hết, hậu thế cần vinh danh ông và học tập ở ông tinh thần vì dân, vì nước, dám dấn thân, dám nhận về mình tù đày, chết chóc để cho nước nhà được tự do, độc lập.
----------------------
(Những đoạn trong ngoặc kép được trích từ tài liệu gốc, hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Trác với phong trào cách mạng Trung kỳ - Kỳ cuối: Làm thất bại dự án tăng thuế của Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO