Hồ sơ - Tư liệu

Nguyễn Trác với phong trào cách mạng Trung kỳ - Kỳ 1: Vực dậy phong trào cách mạng

LƯU HOÀNG GIANG 30/10/2024 08:20

Nguyễn Trác (bí danh Thiều) sinh ngày 4/11/1904, tại làng Hà Thanh, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn, nay là làng Hà Tây, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là người có công lớn trong việc tái lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam - Đà Nẵng và trong vận động thành lập lại Xứ ủy Trung Kỳ. Qua một số hồi ký cách mạng, báo chí và tư liệu mật thám Pháp, xin giới thiệu đến bạn đọc nhiều thông tin thú vị về những hoạt động của ông trong giai đoạn lịch sử này.

Ảnh Nguyễn Trác do mật thám Pháp chụp năm 1936 - 1938
Ảnh Nguyễn Trác do mật thám Pháp chụp năm 1936 - 1938.

KỲ 1: VỰC DẬY PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

Giữa năm 1936, Nguyễn Trác từ nhà tù Côn Đảo về lại quê hương và tiếp tục hoạt động cách mạng, đúng với tinh thần dấn thân của một đảng viên Đảng Cộng sản được kết nạp năm 1930.

Vận động thành lập Xứ ủy Trung kỳ

Sau này, Nguyễn Trác nhớ lại: “Tôi sốt ruột vì trong lúc phong trào ở Nam kỳ đang lên, ở Bắc chớm lên mà ở Trung kỳ vẫn còn im lìm, chưa có gì. Trong lúc tìm liên lạc gặp được người này, tôi lại biết thêm người khác. Để gây dựng phong trào, đầu tiên tôi mời Trần Học Giới, Trịnh Quang Xuân ra bãi cát trước Ga lớn Đà Nẵng để lập Ủy ban vận động, phân công nhau đi liên lạc các địa phương”. Từ cơ sở đó, ông đã vận động thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam - Đà Nẵng và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Hoạt động của Nguyễn Trác và những người đồng chí của ông xuất hiện trong báo cáo mật thám Pháp, rằng: “Những tháng mới đây, tù chính trị cũ đã kiếm mọi cớ để tụ tập với nhau và họp bí mật. Dưới danh nghĩa làm ăn bằng những nghề nghiệp yên ổn như cắt tóc, bán hàng rong... họ duy trì với nhau những mối quan hệ và chú ý rất tích cực đến những cơ hội thuận lợi cho việc tổ chức và lãnh đạo những cuộc biểu tình của dân chúng”.

Ngày 12/9/1936, Nguyễn Trác ra Huế để kết nối với cách mạng Trung kỳ, sau này ông nhớ lại: “Tôi và Trịnh Quang Xuân ra Huế ở nhà Nguyễn Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn), chúng tôi biết nhau hồi còn ở ngục Kon Tum, tôi ở nhà Hải Triều đến cả tuần. Tôi tìm tài liệu nói về Nam bộ, Bắc bộ trong việc thu thập nguyện vọng của nhân dân làm bản yêu sách để chuẩn bị tham gia cuộc họp Viện Dân biểu Trung kỳ. Tôi tranh thủ ý kiến số anh em tù chính trị phạm như các anh Bùi San, Phan Đăng Lưu, Xuân Hiển, Trần Tống, Tố Hữu… Tôi và Phan Đăng Lưu, Nguyễn Khoa Văn cũng đã tìm gặp Phạm Văn Quảng, Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Quốc Túy là tay sai của Pháp để thăm dò chủ trương của những người này”.

Bọn mật thám Pháp cũng đã đánh hơi điều này: “Những người cầm đầu này duy trì những quan hệ với những người vận động tập trung ở Huế xung quanh Nguyễn Khoa Văn (Nguyễn Hải Triều) và báo Nhành Lúa; ở Hà Nội thì xung quanh Trần Huy Liệu và báo Le Travail”.

Nhà ông Nguyễn Ngọc Kinh (làng Tân Hạnh, nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), nơi ông Nguyễn tái thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nhà ông Nguyễn Ngọc Kinh (làng Tân Hạnh, nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nơi ông Nguyễn Trác tái thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày 20/9/1936, Nguyễn Trác cùng với những người đồng chí của mình đã tìm cách phá kế hoạch “hợp thức hóa bản dân nguyện” tại một phiên họp do tên Khâm sứ Trung kỳ là Graffeuil tổ chức, làm y vô cùng tức giận.

Cũng hôm ấy, Nguyễn Trác, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Khoa Văn mời đảng viên ở các tỉnh tập trung về họp tại hồ Tịnh Tâm để bàn cách liên lạc với nhau và thành lập Xứ ủy Trung kỳ.

Ông nhớ lại: “Xứ ủy Trung kỳ đã chỉ định 3 người (căn cứ vào hoàn cảnh thuận lợi để đi lại hoạt động mà không nhằm theo khả năng), gồm: Bùi San làm Bí thư và Phó Bí thư là Phan Đăng Lưu và Trịnh Quang Xuân. Đồng chí Bùi San ở Huế thì tiện cho anh em về Huế tiếp xúc, đồng chí Trịnh Quang Xuân là nhân viên xe lửa Hàn - Huế nên đi lại không mất tiền đi xe. Sau cuộc họp trên, Xứ ủy phân công Nguyễn Trác về hoạt động ở Quảng Nam.

Cuối năm 1936, theo ý kiến của Trung ương Đảng thì Xứ ủy Trung kỳ cần cơ cấu lại nên đã cử anh Nguyễn Chí Diễu vào tổ chức lại, theo đó: Anh Lê Đình Vỹ làm Bí thư, Nguyễn Trác - Phó Bí thư phụ trách từ Quảng Nam vào các tỉnh phía trong, Lê Duẩn phụ trách công tác tuyên truyền”.

Xứ ủy Trung kỳ thành lập lần này tại Đà Nẵng, đứng chân hoạt động tại đây và tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng để chỉ đạo phong trào cách mạng trong xứ từ năm 1936 - 1939.

Chỉ đạo phong trào “đón Gô Đa”

Trong năm 1937, với tư cách Phó Bí thư Xứ ủy phụ trách các tỉnh phía Nam và là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Nguyễn Trác có vai trò quan trọng trong chỉ đạo các phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, nhất là phong trào đón Gô Đa.

Báo Nhành Lúa, số ra ngày 5.2.1937, vận động mọi người đi “đón Gô Đa”
Báo Nhành Lúa, số ra ngày 5/2/1937, vận động mọi người đi “đón Gô Đa”.

Thời gian này, Nguyễn Trác thường có mặt tại Đà Nẵng và hiệu sách Việt Quảng để tiện chỉ đạo phong trào. Nói về vai trò của hiệu sách này, ông cho biết: “Ở đó ăn uống không phải trả tiền, vì thỉnh thoảng hàng về thì mình cũng tham gia bốc vác với anh em.

Không chỉ ở Đà Nẵng mà luôn cả ở Huế, Quảng Trị vào cũng đến đó và dựa vào đó mà làm tài chính cho Huế - Quảng Trị, sau khi thành lập Xứ ủy Trung kỳ thì Trịnh Quang Xuân cũng về ở đó.

Đối với Việt Quảng cái lợi cho cách mạng là chúng tôi lợi dụng nguồn sách báo tiến bộ ở Nam kỳ, Bắc kỳ đưa đến đây mà tụi quan lại Nam triều tại Trung kỳ không dám rờ đến. Đây là nơi mà liên lạc Sài Gòn - Huế - Hà Nội đều tập trung tại đó, mấy ông Trung ương hay Xứ ủy Bắc, Nam kỳ đều đến đó. Năm 1937, 1938 anh Lê Duẩn cũng có vào ở đó”.

Mùa xuân năm 1937, phái bộ điều tra tình hình Đông Dương của Chính phủ Pháp do Justin Godart cầm đầu đến Việt Nam. Đảng ta phát động quần chúng xuống đường đón phái bộ với những khẩu hiệu “Bãi bỏ thuế thân”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Tự do ngôn luận”, “Ân xá tù chính trị”...

Xứ ủy Trung kỳ và ông Nguyễn Trác đã chỉ đạo quần chúng “xuống đường đón Gô Đa” rất rầm rộ, theo mật thám Pháp thì: “Chuyến đi của ông Tổng trưởng Justin Godart đã tạo nên tình trạng náo động đến cao độ ở những nơi mà ông ấy dừng chân. Những biểu hiện của tình trạng đó cho thấy ảnh hưởng lớn của những nhà cách mạng trong dân chúng nông thôn và thành thị và hiệu quả của sự tổ chức Mặt trận phản đế”.

Và, “Vào cuối tháng hai, Nguyễn Khoa Văn có thể tin cậy vào sự ủng hộ của nhiều người cảm tình tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Hới, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên. Chính khi thúc đẩy những thợ thuyền đi đệ những yêu sách lên ông Tổng trưởng Justin Godart mà những thành viên của nhóm này đã gây ra, thì ngày 22 tháng 2, một cuộc bãi thị của những người buôn bán ở An Cựu và một cuộc bãi công của những công nhân Hãng vận tải STACA ở Đà Nẵng vào ngày 24”.

Tại Đà Nẵng, theo ông Hà Văn Tính - người được Nguyễn Trác công nhận chi bộ Quảng Hòa Mỹ do ông lập ra, nhớ lại: “Số người đi đón Gô Đa gồm thợ xe lửa, khuân vác, thợ giày, xe kéo, hớt tóc, tiểu thương, tiểu chủ, đông hàng ngàn người đứng 2 bên lề đường kéo dài từ Sở Dây thép, nhà hàng Morins đến tòa đốc lý Đà Nẵng, tổ chức có trật tự theo nghề nghiệp, theo giới. Mỗi đoàn có mang huy hiệu làm bằng giấy theo nghề nghiệp của mình (cái kéo tượng trưng thợ hớt tóc, chiếc giày là thợ giày da...).

Đáng chú ý chỉ có đoàn khuân vác là có tấm băng bằng vải đỏ cắt dán khẩu hiệu nói trên. Cuộc đón tiếp kéo dài từ 2 giờ đến 5 giờ chiều mới giải tán. Gô Đa phải để dân lên lầu tòa Đốc lý trình bày nguyện vọng, đưa yêu sách. Bọn thống trị, cảnh sát, cò sứ ngăn cản xô đẩy không cho vào, uy hiếp bắt quần chúng giải tán, nhưng họ vẫn chen chúc đến gặp cho được Gô Đa”.

----------------------
(Những đoạn trong ngoặc kép được trích từ tài liệu gốc, hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)

Kỳ cuối: Làm thất bại dự án tăng thuế của Pháp

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Trác với phong trào cách mạng Trung kỳ - Kỳ 1: Vực dậy phong trào cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO