Hồ sơ - Tư liệu

Chuyện ít biết về Lê Văn Hiến với cách mạng xứ Quảng

LƯU HOÀNG GIANG 09/09/2024 08:54

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Văn Hiến, bằng các tài liệu lưu trữ và hồi ký đồng chí hoạt động cùng thời với ông hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, xin giới thiệu một số câu chuyện ít biết về ông trong phong trào cách mạng Quảng Nam, Đà Nẵng.

Le Van Hien va Thai thi Boi nhung nguoicó vai tro lon trong tuyen truyen bao chi tai Da Nang
Lê Văn Hiến và vợ Thái Thị Bôi là những người có vai trò lớn trong tuyên truyền báo chí tại Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu

Lê Văn Hiến (15/9/1904 - 15/11/1997) là nhà trí thức cách mạng tiêu biểu của Đảng. Cuộc đời ông là tiêu biểu cho những người trí thức dấn thân của xứ Quảng kể từ khi Nguyễn Ái Quốc gieo những hạt giống đỏ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Ông được Cụ Hồ yêu mến, giao giữ những trọng trách lớn kể từ buổi đầu lập quốc như Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính…

BÀI 1: THÀNH VIÊN SÁNG LẬP TỔ CHỨC VIỆT NAM THANH NIÊN CÁCH MẠNG ĐỒNG CHÍ HỘI

Với vai trò nhân viên Sở Dây thép Tourane (tức Bưu điện Đà Nẵng), Lê Văn Hiến được đi lại nhiều nơi, kết nối nhiều người nên ông là một trong những thành viên sáng lập của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội của Quảng Nam, là tổ chức tiền thân của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng sau này.

Hạt nhân tổ chức thanh niên cách mạng

Hồi ký cụ Đỗ Quỳ ghi lại vai trò của Lê Văn Hiến trong hoạt động buổi đầu của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (TNCMĐCH) như sau: “Lúc này, anh Đỗ Quang từ Trung Quốc về Đà Nẵng, gặp đồng chí Lê Văn Hiến và có ý định mở trường để dạy nên mượn trường của ông Hội đồng Tùng (tức Nguyễn văn Tùng, còn gọi là Cự Tùng) và đã ra Huế tìm tôi về cùng dạy.

Sau đó, tôi và anh Lê Quang Sung được kết nạp vào TNCMĐCH, hoạt động tại Đà Nẵng, còn anh Sung thì vào xây dựng tổ chức TNCMĐCH ở Hội An.

Anh Đỗ Quang đưa về thêm anh Nguyễn Long và chị Thái Thị Bôi thành lập một chi hội TNCMĐCH. Ở Đà Nẵng, chúng tôi thành lập ban vận động tổ chức thanh niên hội, sau đó trở thành Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư Tỉnh bộ.

Đảng bộ Quảng Nam lúc này, ngoài chi bộ tôi ra, còn có Chi bộ Công đoàn gồm Lê Văn Hiến, Tường (anh rể ông Thừa), Nguyễn Trợ, Lê Xuân Trữ; Chi bộ Hòa Vang gồm đồng chí Lương Thúc Kỳ, Võ Thế Sáng, đồng chí Lợi (người ở Duy Xuyên dạy học ở Hòa Vang); Chi bộ Hội An do đồng chí Lê Quang Sung thành lập, gồm các đồng chí: Thái, Phan Văn Định, sau có thêm Phan Thêm; chi bộ Điện Bàn có đồng chí Thân, Thành, Lê Tuất... với số lượng hơn 60 đảng viên”.

Hoạt động tại Đà Nẵng của các đảng viên Việt Nam TNCMĐCH và sau này là Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và Thị ủy Tourane đều có vai trò rất lớn của Lê Văn Hiến. Bởi với tư cách là nhân viên Sở Dây thép Tourane (tức Bưu điện Đà Nẵng), ông quan hệ rất rộng với các tầng lớp trên của xã hội, nhất là các “quan Pháp” để giúp các đồng chí của mình tạo vỏ bọc, hỗ trợ họ về giấy tờ đi lại, địa điểm hoạt động hợp pháp và bí mật, tìm cách xây dựng tài chính cho Đảng…

Ghi nhận điều này, đồng chí Đỗ Quỳ kể: “Vào Đà Nẵng, anh Đỗ Quang đã tiếp xúc ngay với anh Lê Văn Hiến - Hiến sinh trưởng tại Đà Nẵng, tính hoạt bát, hăng hái nên anh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tạo ra những cơ sở vật chất cho hoạt động của Kỳ bộ Trung kỳ. Chúng tôi phân công in tác phẩm “Đường Kách Mệnh” và nhiều sách báo tiến bộ như Chủ nghĩa Tôn Văn, Chủ nghĩa giản dị, Đệ tam Quốc tế... để phát hành đi các tỉnh”.

P_0079_Các đc Lê Văn Hiến, Huỳnh Lắm, Trịnh Quang Xuân, Lê Tuấn, Nguyễn Sơn Trà và Võ Kiêm tại Cảng sâu ĐN 26-3-1980
Các đồng chí Lê Văn Hiến, Huỳnh Lắm, Trịnh Quang Xuân, Lê Tuấn, Nguyễn Sơn Trà và Võ Kiêm tại Cảng sâu Đà Nẵng ngày 26/3/1980.

Từ cơ sở đó, tháng 9/1927, Ban Chấp hành Tỉnh bộ TNCMĐCH Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập. Bao gồm: Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Phạm Quang Long, Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Thị Thuyền, Tôn Gia Huồng; đồng chí Đỗ Quang được bầu làm Bí thư. Cuộc họp này có đồng chí Vương Thúc Oánh (con rể cụ Phan Bội Châu) thay mặt Tổng bộ đến dự.

Lê Văn Hiến bí mật phát triển lực lượng cách mạng ra khắp Quảng Nam và trên địa bàn Hội An, đồng chí Huỳnh Lắm nhớ lại: “Đồng chí Lê Văn Hiến ở Đà Nẵng vào, tổ chức một cuộc họp ở chùa Thanh Minh, phổ biến tỉ mỉ hơn tôn chỉ mục đích của Hội thanh niên (theo chỉ thị của Kỳ bộ).

Đồng chí Hiến nói: “TNCMĐCH không những phải làm cách mạng quốc gia mà còn phải làm cách mạng thế giới. Muốn được như thế, phải kết hợp với phong trào cách mạng chung của thế giới, phải noi gương cách mạng tháng Mười Nga”. Chỉ thị của Kỳ bộ và những lời phân tích của đồng chí Hiến như một niềm vinh dự lớn cổ vũ, thôi thúc chúng tôi trong hoạt động cách mạng”.

“Thành phần nguy hiểm” của mật thám Pháp

Theo dõi hoạt động của Lê Văn Hiến, mật thám Pháp cho rằng: “Sau 7 năm tìm kiếm và mò mẫm để cố gắng nắm được các tên tuyên truyền mà người ta cảm thấy “lúc nhúc” chung quanh chúng ta… nhiều huyện bộ, chi bộ ra đời, liên quan đặc biệt đến thành phố Đà Nẵng”.

Một báo cáo khác cho biết Lê Văn Hiến là người bị “kết án theo nghị án của Tòa Thượng thẩm Sài Gòn 5 năm tù giam và 5 năm cấm lưu trú vì âm mưu cộng sản - một phần tử cực kỳ nguy hiểm”.

Đóng góp phát triển kinh tài

Lê Văn Hiến có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tài cho Đảng, ông chủ trương mở lò chén Việt An và lập đại lý buôn bán nông sản, phát hành báo chí cách mạng tại Việt Quảng.

Ông vào Điện Bàn gặp đồng chí Lê Tuất, người biết kỹ thuật làm đồ sành và biết nguồn nguyên liệu đất làm chén ở vùng núi Việt An (huyện Quế Sơn), để bàn sản xuất chén đem bán.

Ông lấy mẫu đất đưa ra Hà Nội, cùng với Phan Thanh nhờ Bùi Tường Chiểu ở trường đại học kỹ thuật thí nghiệm phân tích loại đất này và nhận được kết luận là “hơn cả đất Giang Tây ở Trung Quốc”.

N_0038_Đc Lê Văn Hiến cùng con trước mộ Thái Thị Bôi
Đồng chí Lê Văn Hiến cùng con trước mộ Thái Thị Bôi.

Ông đã vay tiền của Cửu Cang tại Hội An 200 đồng và một số đồng chí đảng viên của Đảng bộ tỉnh bán ruộng để thêm vào, rồi giao cho đồng chí Tuất và Huỳnh Lắm mở lò chén Việt An thuê thợ làm.

Lê Văn Hiến còn đưa đất Kaolin vào bán cho các chủ lò chén ở Sài Gòn - Chợ Lớn để lấy tiền làm cho quỹ Đảng, vừa gây thêm vốn cho lò chén. Bọn mật thám Pháp đã chặn bắt và đuổi ông về, không cho hợp tác làm ăn với Sài Gòn.

Để tiêu thụ hàng lò chén làm ra, ông và các đồng chí Nguyễn Sơn Trà, Nguyễn Tấn Hà thuê một ngôi nhà ở đường Courbet (nay là đường Bạch Đằng) mở đại lý lấy tên Việt Quảng và dự định mở đại lý ở Vinh, Quảng Trị cùng các nơi khác.

Đồng chí Lê Tuất (tức Giáo Tuất) nhớ lại: “Cửa hàng Việt Quảng về danh nghĩa bề ngoài thì đó là một hiệu sách. Chúng tôi cố tạo ra hình thức như vậy để đánh lừa bọn mật thám. Nhưng thực chất đây là trụ sở hoạt động về chính trị và kinh tế của Đảng. Việt Quảng là tên hai công việc, hai địa danh của ta được ghép lại, đó là lò chén ở Việt An và hiệu sách ở Quảng Nam.

Ở hiệu sách chúng tôi tuyên truyền phổ biến sách báo, chủ trương của Đảng; ở xưởng chén chúng tôi tập hợp được đông đảo quần chúng lao động để hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho mọi người. Đến khi bọn Pháp bắt giam anh Lê Văn Hiến, xưởng chén của chúng tôi thiếu mất một người đỡ đầu”.

Lê Văn Hiến còn liên hệ với các hãng buôn L’Ucia, Denis Frères, Nguyễn Hữu Thí để lãnh tiền giao anh em đi mua nông sản để bán lại lấy lời. Ông nhờ anh em đảng viên các tỉnh có nhiều sắn như Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định đi mua giúp.

Các đồng chí Lê Duẩn, Trần Công Khanh ở Quảng Trị, đồng chí Hoàng Anh ở Thừa Thiên cũng vận động mua giúp. Việc buôn nông sản lúc đầu đạt kết quả tốt, về sau vì anh em nhận tiền mua nhưng bận chạy theo các cuộc vận động chính trị không kịp giao hàng, Lê Văn Hiến bị kiện và bị mật thám bắt.

-------------------
Bài cuối: Chủ hiệu sách Việt Quảng và phong trào “đón Gô Đa”

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ít biết về Lê Văn Hiến với cách mạng xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO