Trong tiểu thuyết “Thượng Đức” của nhà văn Nguyễn Bảo, có một chi tiết thú vị đó là nhân vật nhà văn Nguyễn Hiếu chính là nhà văn Nguyễn Chí Trung, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như “Bức thư làng Mực”, “Tiếng khóc của nàng Út”…
Từ nhà văn Nguyễn Chí Trung đến nhân vật Nguyễn Hiếu
Đọc tiểu thuyết Thượng Đức của nhà văn Nguyễn Bảo, độc giả sẽ bắt gặp nhân vật nhà văn Nguyễn Hiếu - phái viên của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đi đốc chiến ở chiến trường Thượng Đức.
Đang đêm, Nguyễn Hiếu xăm xăm băng rừng ra mặt trận; Nguyễn Hiếu tranh luận với Sư trưởng Sư 304 Lê Công Phê về việc lựa chọn đơn vị đảm nhiệm mũi chủ yếu của lần tiến công cuối cùng. Rồi hình ảnh Nguyễn Hiếu xuống tận trận địa, chỉ huy bộ đội vượt qua cửa mở xông vào đồn địch. Nhân vật Nguyễn Hiếu ấy chính là nhà văn Nguyễn Chí Trung.
Trong lần tháp tùng đoàn cán bộ kháng chiến khu 5 trở về thăm Trà My, tôi đã được nghe nhà văn Nguyễn Bảo kể ngọn nguồn của câu chuyện: “Khi chiến dịch Thượng Đức mở ra, tôi đi với Trung đoàn 3, Sư 324, chốt giữ vùng Bàn Tân đến Ba Khe, có nhiệm vụ đánh địch rút chạy và chặn viện.
Trên Thượng Đức, trận đánh đã bắt đầu, quân ta và quân ngụy giằng co nhiều ngày, ta tổn thất nhiều mà vẫn chưa giành được thắng lợi.
Phía Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 nơi tôi ở mặt trận hầu như vẫn yên ắng. Tôi đâm ra sốt ruột. Một đêm nằm mở radio, tình cờ tôi nghe được bài ký “Khi dòng sông ra gặp biển” của Nguyễn Chí Trung.
Đại thể bài ký nói khi cuộc kháng chiến càng gần đến ngày thắng lợi hoàn toàn thì càng nhiều khó khăn gian khổ, mỗi người phải vượt qua tư tưởng cầu an để giành thắng lợi cuối cùng.
Sáng ra, tôi nghe ban chỉ huy đơn vị truyền tai nhau chuyện mấy hôm nay có ông nhà văn nhưng làm phái viên của Quân khu 5 đi đốc chiến ở Thượng Đức.
Ông ấy đi sát đến tận cửa mở, lăn lộn cùng bộ đội. Tôi biết ngay đó là Nguyễn Chí Trung, liền xách ba lô đi một mạch lên mặt trận Thượng Đức. Sự khốc liệt của chiến trường Thượng Đức dội vào tâm trí tôi, là chất liệu để tôi hình thành tiểu thuyết Thượng Đức sau này”.
Nhà văn Nguyễn Bảo kể tiếp: “Khi viết tiểu thuyết Thượng Đức, ban đầu tôi lấy tên Nguyễn Chí đặt cho nguyên mẫu nhà văn Nguyễn Chí Trung. Nhưng ông ấy không đồng ý, bảo cậu phải đặt cái tên nó xa xa một tí, thế là tôi đặt tên Nguyễn Hiếu”.
Thực tế là trận tiến công Thượng Đức lần 2 vẫn không thành. Chỉ huy Sư đoàn 304 vẫn ỷ vào hỏa lực mạnh, dội pháo và đưa bộ đội công kiên ban ngày theo kiểu đánh vỗ mặt.
Địch ở Thượng Đức có nhiều hầm ngần, lô cốt rất kiên cố, có pháo, có không quân từ Đà Nẵng lên dội bom yểm trợ, bộ đội thương vong ngày càng nhiều, gây dao động tinh thần của một số bộ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.
Tại Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đã có ý kiến xầm xì nên đưa Sư đoàn 2 vừa thắng giòn giã ở Nông Sơn - Trung Phước vào thay Sư đoàn 304 đánh tiếp Thượng Đức, nhưng rồi lãnh đạo Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 không đồng ý, cử đoàn cán bộ xuống xem xét, giúp Sư đoàn 304 hoàn thành nhiệm vụ. Trong đoàn cán bộ ấy có Nguyễn Chí Trung.
Mưu trí, dũng cảm
Trong cuộc hội thảo về chiến thắng Thượng Đức do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Huyện ủy Đại Lộc phố hợp tổ chức năm 2014, nhà văn Nguyễn Chí Trung kể: “Tôi làm phái viên mặt trận Nông Sơn - Trung Phước vừa về, định báo cáo thì anh Hai Mạnh (Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 - NV) bảo: Thôi Nguyễn Chí Trung khoan kể về trận đánh. Có tình hình mới nảy sinh, cuộc tiến công Thượng Đức không đạt kết quả vì cách đánh chưa đúng, bây giờ phải có người đi Thượng Đức để xem xét. Thế là tôi xin đi tiếp cùng với anh Chánh - Phó Tư lệnh Quân khu và anh Trực bên tham mưu”.
Nguyễn Chí Trung đã gặp ban chỉ huy Sư đoàn 304, đã tranh luận và góp phần đưa ra quyết định hoãn trận đánh lần 3 theo lối cũ, xem xét lại nguyên nhân thất bại và tìm một cách đánh mới.
Đó là đưa pháo lên cao, bắn thẳng vào đồn địch; tổ chức lại đội hình tiến công, huấn luyện lại chiến thuật đánh bộc phá liên tục. Chính với khí chất người lính, Nguyễn Chí Trung đã xuống tận đơn vị cửa mở trước khi lần tiến công cuối cùng bắt đầu.
Ông kể: “Đêm ấy đơn vị mà tôi đến anh em cùng nhau xốc lại đội hình. Cối địch vẫn bắn vung vãi vào đầu cửa mở. Nơi ấy là chân sườn đồi trải dài giáp mép ruộng. Một số chiến sĩ bám theo cái gờ vô tình nhỏ tẹo ấy, bận rộn suốt đêm”. Rồi ông cũng theo mũi tiến công vào đến hầm chỉ huy của địch.
Chiến thắng Thượng Đức có ý nghĩa rất quan trọng, nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học quân sự cho rằng đó là đòn trinh sát chiến lược nhằm xác định thái độ, sức mạnh của đối phương để ta đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhưng đó cũng là chiến thắng phải trả với cái giá rất đắt - gần một nghìn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.
Tại hội thảo Chiến thắng Thượng Đức - ý nghĩa và bài học lịch sử được tổ chức năm 2014, ông đã có những ý kiến gây xúc động: “Sau Thượng Đức cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ mãi về câu chuyện con người và cách đánh. Cũng con người ấy mà cách đánh không giỏi thì con người lại yếu, lại thua.
Cũng con người ấy mà cách đánh giỏi, cách đánh hay, cách đánh phù hợp thì con người lại thắng, lại mạnh. Khi con người được kết lại thành tổ chức, có chỉ huy, có hợp đồng, có huấn luyện, qua thử thách trở nên dày dạn. Sức mạnh ấy thật lớn, thật hùng dũng”. Rồi ông đọc mấy câu thơ nói về những chiến sĩ đánh bộc phá cửa mở: “ Con đường đột phá dài thăm thẳm/ Có ai ngày ấy hôm nay trở về”.
Năm nay tròn 50 năm Chiến thắng Thượng Đức, nhiều hoạt động kỷ niệm được chuẩn bị, nhiều nhân chứng của trận đánh năm xưa sẽ hội ngộ trên vùng chiến địa cũ, nhưng nhà văn Nguyễn Chí Trung đã thành người thiên cổ.
Dẫu vậy với bản lĩnh cương trực, tinh thần trách nhiệm và tận hiến, ông đã để lại hình mẫu nhà văn “đứng ngang tầm chiến lũy” mà tại mặt trận Thượng Đức vóc dáng ấy đã lồng lộng soi bóng.