Đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Từ đầu tuyến lửa Quảng Bình, chúng tôi rẽ theo các ngả đường khác nhau về các mặt trận. Đoàn đi Nam Bộ, đoàn đến Bình Trị Thiên, đoàn vào Khu 6...
1. Đoàn chúng tôi sau hơn một tháng trèo đèo lội suối, “hứng” khá nhiều trận bom pháo dọc đường Trường Sơn đã có mặt gần đầy đủ ở Ban Tuyên huấn khu ủy Khu 5.
Lúc này đại bản doanh của khu ủy đóng trên đất Quảng Nam. Ở đây chưa đầy tháng, tôi, Nguyễn Hồng và Vũ Thị Hồng lại tình nguyện chuyển qua quân đội.
Từ Nước Oa, đội quân văn học nghệ thuật tỏa về các miền đất khác nhau, bám dân, bám các đơn vị. Trước tiên là làm quen với việc đi gùi gạo trên các bản dân tộc miền núi Quảng Nam, cả đi lẫn về có khi hai, ba ngày liền.
Chuyến đi thực tế đầu tiên của ba chúng tôi là về các mặt trận nóng bỏng nhất, tự lo liệu đường đi nước bước, tự xoay xở các tình huống gay cấn vẫn thường xảy ra nơi bom đạn ác liệt.
Tôi vẫn nhớ lần được tham dự trận đánh ở Thượng Đức. Đây là một chi khu quận lỵ của đối phương được Mỹ đổ tiền của xây dựng thành một chốt điểm ngăn chặn lực lượng của ta di chuyển từ miền Bắc vào.
Sở dĩ ta phải mở đường Trường Sơn qua đất Lào vì chốt chặn này đây. Mãi sau này tôi mới hiểu hết tầm quan trọng của Thượng Đức. Ấy là sự thắng bại của trận đánh liên quan đến quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Có giải phóng miền Nam năm 1975 hay không?
Lúc đó vùng rừng núi này khá thâm sâu, đói khát, và nguy hiểm. Tôi bị lạc ở Hiên, trong mênh mông cây rừng lác đác có những ngôi nhà lá của đồng bào dân tộc. Tôi dạt vào một nhà dân, được dân cho trú ngụ ăn ngủ hai ngày hai đêm.
Bộ đội đông như cây rừng, nhưng ai cũng quán triệt tinh thần bí mật nên hỏi về các đơn vị rất khó. Tôi đang ngu ngơ ở bìa rừng, dọc sông Vu Gia thì gặp nhà văn Cao Tiến Lê.
Tưởng anh cũng đang tìm về Trung đoàn, mừng húm. Té ra không phải vậy, anh bảo: “Cậu cứ sồn sồn lên làm gì thế. Mình vừa ở đó ra đây. Tốt nhất cứ lang thang với mình. Đánh xong rồi cùng về hỏi chuyện, rồi tha hồ mà viết, thế thôi”.
Có lẽ nhìn thấy nét mặt ỉu xìu của tôi, anh nói thêm: “Cách đánh của quân “triều đình” không giống cách đánh của quân địa phương của cậu đâu. Pháo binh sẽ “làm cỏ” sạch banh trận địa. Bộ đội chỉ lên thu vũ khí bắt tù binh”.
Anh Cao Tiến Lê lúc đó là nhà báo tầm cỡ của Báo Quân đội nhân dân, lại cũng là nhà văn đã có những sáng tác xuất sắc. Tôi tin anh và muốn được như anh lắm nhưng lại sợ ngày về sẽ nói “ngọng” khi báo cáo cơ quan về chuyến đi của mình. Đành phải chia tay anh.
2. Ấy thế rồi lại lạc, suýt nữa thì rúc vào ổ phục kích của thám báo Thượng Đức. Thượng Đức vừa thất thủ, tôi lao theo chỉ huy trung đoàn vào trong đồn ngay.
Sợ rằng không vào luôn chẳng mấy chốc địch sẽ dội pháo, thả bom, tái chiếm như các chi khu quận lỵ trước đây, mất cơ hội thâm nhập. Khổ thân, vừa dứt điểm, bộ đội đã vào hết hầm hào trú ẩn. Tôi bơ vơ một mình. Thi thoảng gặp những con chó đói đang cào bới, nó nhe răng như muốn xông tới đớp.
Pháo các nơi của địch bắt đầu dội tới. Tôi thành gã khờ, ngu ngơ để bộ đội hét cho: “Cái anh kia điên à? Không muốn sống nữa à? Pháo địch bắn thế kia”. Tôi không còn biết xoay xở cách sao. Muốn ra khỏi đây cũng không biết đi hướng nào.
Bỗng nhìn thấy một đoàn người đang gồng gánh dìu níu nhau qua chiếc cầu nhỏ sang sông. Đoàn có người già, trẻ con và cả heo gà mang theo. Dân chạy nạn. Chắc họ đi về phía đơn vị tự quản.
Nắng gắt, bụi tung mờ mịt. Thỉnh thoảng một quả pháo giáng đến sát rạt khiến mọi người díu cả vào nhau, trẻ con khóc, kêu oai oái.
Lúc đó, có một chị tuổi chắc cũng trên 30 tuổi, ẵm con nhỏ trên tay, nhìn tôi chăm chắm. Hình như muốn cầu cứu gì đó. Quả nhiên, chị mếu máo nhờ tôi bế cháu nhỏ. Không biết chị thương con hay đau mà mặt co lại, xót xa, nước mắt nhòe nhoẹt.
Tôi liền bế cháu nhỏ mới vài tháng tuổi giúp chị và cùng “hành quân” với đoàn người. Dọc đường đi, dù mỏi mệt tôi cũng hỏi được khối chuyện, thu thập được nhiều thứ, sau này thành thêm tư liệu cho hai cuốn tiểu thuyết “Thượng Đức” và “Đỉnh máu”.
Một số sáng tác tôi viết ra chủ yếu là trên đất Quảng Nam. Con người và xứ sở này là quê hương thứ hai của tôi. Chiến tranh đã qua đi nhưng những năm tháng sống chết cùng đồng đội và nhân dân nơi đất Quảng vẫn mãi mãi còn trong ký ức của tôi.
“Thượng Đức” là tác phẩm ghi dấu rõ nhất tên tuổi Nguyễn Bảo. Đây là tác phẩm văn học được trao giải thưởng danh giá của Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021.
Nguyễn Bảo tham gia chiến dịch Thượng Đức năm 1974 nhưng tới gần 40 năm sau, ông mới bắt tay viết “Thượng Đức”... Với cách kể chuyện chương hồi, ông đã cuốn người đọc vào ngồn ngộn chi tiết, nhân vật...
Nguyễn Bảo nói, từng chi tiết trong chiến dịch rúng động năm ấy, ông đã viết lại bằng ký ức của mình và ký ức của từng người lính sau này ông tìm gặp lại. Máu xương của nhân dân cùng bao đồng đội tham gia đánh trận Thượng Đức, “đỉnh 1062 chìm trong máu”, “máu nhuộm đỏ sông Vu Gia” tan hòa vào dòng sông và thấm vào lòng đất Quảng.
“Thượng Đức là cánh cửa mở cho ta đánh vào Đà Nẵng, đánh thắng Thượng Đức là đánh đúng vào yết hầu của địch. Cả 3 lần tấn công của bộ đội ta tại chiến dịch Thượng Đức, gặp không ít khó khăn. Để tới đích cuối cùng, máu xương còn đổ, khó khăn còn chồng chất nhưng làm sao cuộc chiến ở đây chịu thất bại” - Nguyễn Bảo nói.
X.H