Văn hóa - Văn nghệ

Những thước phim xúc động về chiến trường Thượng Đức

ĐẶNG TRƯƠNG 07/07/2024 08:47

Bộ phim tài liệu “Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa xuân năm 1975” do Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam sản xuất khắc họa sinh động quá khứ hào hùng của quân và dân Quảng Đà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày trở về chiến trường xưa không chỉ có ký ức thời hoa lửa, mà cả tâm tình người lính...

Tượng Đài Thượng Đức nhìn trên cao
Tượng Đài Thượng Đức nhìn trên cao

Những năm tháng không quên

Trong quá trình khởi quay, ê kíp thực hiện phim may mắn gặp những người từng tham chiến ở chiến trường Thượng Đức tròn 50 trước. Cơ duyên này, như sợi dây dẫn chuyện xuyên suốt, làm thành mạch chảy của hồi tưởng.

Từ đó từng sự việc, câu chuyện, dấu ấn, trận đánh, những gian khổ hiểm nguy, đau thương mất mát và cả sự vỡ òa trong chiến thắng… cứ dần hiện lên qua từng thước phim.

Bám vào “đường dây” ký ức, sử dụng đồ họa vi tính kết hợp với hệ thống tư liệu hình ảnh về căn cứ quân sự Thượng Đức cùng với những thước phim tài liệu quý giá của điện ảnh quân đội quay được tại Thượng Đức 50 năm trước…, ê kíp làm phim tập trung khắc họa một Thượng Đức trong bối cảnh chung của cục diện chiến trường Quảng Đà sau Hiệp định Paris.

Những lý giải về quân sự, chính trị để Chi khu quân sự Thượng Đức ra đời và được xem là tiền đồn chiến lược của quân đội Việt Nam cộng hòa cùng với tuyên bố có cánh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, xem căn cứ Thượng Đức như “Mắt ngọc của đầu Rồng”… trong phần đầu của bộ phim đã làm bật lên tính chất quan trọng của vị trí chiến lược này.

Từ đây, chuyện phim đi sâu làm rõ chỉ thị của Quân khu và Tỉnh ủy Quảng Đà trong việc cần thiết phải tiêu diệt Chi khu quân sự Thượng Đức để mở toang cánh cửa phía tây Đà Nẵng.

Trong phim tài liệu này, những nhân chứng sống có thể kể đến như Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu I, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304; Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng; Đại tá Lương y Hồ Hữu Lạn - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324;

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo - nguyên phóng viên chiến trường Thượng Đức; nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha - nguyên chiến sĩ thông tin chiến trường Thượng Đức, y sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương - Bệnh viện Y 10 Quảng Đà...

Mỗi người một câu chuyện hồi ức, đã góp phần tạo dựng bức tranh toàn cảnh đầy khốc liệt về chiến trường Thượng Đức 50 năm trước.

Tìm hài cốt đống đội ở đỉnh 1062
Tìm hài cốt đồng đội ở đỉnh 1062.

Trở lại Thượng Đức sau gần 50 năm để làm cuộc tìm kiếm hài cốt đồng đội ở điểm cao 1062, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã bật khóc giữa núi đồi mênh mông.

Diễn ra quyết liệt từ giữa cuối tháng 8 - 11/1974, đây là cuộc đọ sức nảy lửa nhất, ác liệt nhất của hai bên kể từ sau khi ký Hiệp định Paris. Sau này, nhà văn Nguyễn Bảo, phóng viên chiến trường Thượng Đức đã mô tả sống động trong tiểu thuyết “Đỉnh máu”: “Đỉnh 1062 chìm trong máu”, “máu nhuộm đỏ sông Vu Gia” tan hòa vào dòng sông và thấm vào lòng đất Quảng”….

Những thước phim ở 1062 trong bộ phim tài liệu “Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa xuân 1975” - Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại câu chuyện Sư đoàn 304 đánh chiếm được đỉnh 1062 cực kỳ gian khổ.

Nhờ sáng kiến của đồng chí Hoàng Đang, bộ đội tháo rời khẩu pháo 85 nặng hơn 1 tấn thành ba bộ phận, xuyên rừng hơn một tuần mới vận chuyển được pháo lên cao điểm 1001, đào hầm, lắp pháo lại, từ đó bắn sang 1062, chi viện cho Trung đoàn 24 chiếm lấy đỉnh cao này...

Bài ca gởi lại chiến trường xưa

Trong bộ phim tài liệu “Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa xuân 1975”, các tác giả phim đã tìm được mắt xích rất quan trọng, góp phần làm dịu đi sự tàn khốc của bom đạn chiến tranh. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ của ê kíp làm phim với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nguyên chiến sĩ thông tin trên chiến trường Thượng Đức, khi ông trở lại chiến trường xưa…

Trung tướng Phạm văn Thệ trở lại Thượng Đức
Trung tướng Phạm văn Thệ trở lại Thượng Đức.

Hay như nhà văn Nguyễn Bảo khi rời Thượng Đức, ký ức đau thương và hào hùng đã thôi thúc ông nhiều lần trở lại để tìm kiếm, ghi chép, kiểm chứng tư liệu… viết nên các tiểu thuyết “Thượng Đức” và “Đình máu” đầy ấn tượng.

Nguyễn Thụy Kha cũng vậy, là một người lính thông tin, ông đã chứng kiến trận Thượng Đức một cách rõ nét với tư thế người trong cuộc. Chính vì thế, ông xem việc mình sống sót trở về là điều may mắn.

“Năm 2022, chúng tôi có dịp về thăm lại Thượng Đức. Nơi chinh chiến ngày xưa đầy mất mát giờ đã thành một tượng đài trong lòng biết bao thế hệ. Trong nỗi niềm thương nhớ đồng đội, tôi xúc động viết bài hát “Đại Lộc tôi về”. Đó như nén tâm nhang tưởng nhớ các anh, những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc”.

Những câu hát từ thẳm sâu tâm khảm vang lên khiến người nghe không khỏi rưng rưng: “Đại Lộc tôi về/ đường lên Thượng Đức bức tường núi cao/ Người xưa chinh chiến giờ trong tượng đài/ Đại Lộc tôi về đường qua thung lũng bên dòng Vu Gia/ Ai sang Hà Tân/ ai qua Đại Hồng/ Đại Lộc tôi về/ tuổi trẻ của tôi màu xanh áo lính/ vương khói đạn bom sốt rừng da xám/ Người em Ái Nghĩa năm nào quen nhau/ làm sao quên được thời gian phai màu…”.

Những hình ảnh cuối cùng của phim tài liệu là bối cảnh núi đồi Thượng Đức trập trùng ở góc nhìn trên cao, rồi hình ảnh các cựu binh trở về Thượng Đức, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đứng lặng người trong khói hương nghi ngút bên tượng đài. Âm nhạc của “Đại Lộc tôi về” với giai điệu thiết tha cùng giọng hát của nhạc sĩ Đình Thậm vút lên khiến người xem bồi hồi: “Người xưa chinh chiến giờ trong tượng đài”…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những thước phim xúc động về chiến trường Thượng Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO