Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND tỉnh: Tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động

NGUYÊN ĐOAN 12/03/2021 08:54

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 22 sắp tới, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh trên cơ sở hợp nhất hai văn phòng hiện nay. 

Tháng 4.2016, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh được thành lập, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chất lượng tham mưu, phục vụ các Kỳ họp Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh được nâng lên. Ảnh: N.Đ
Tháng 4.2016, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh được thành lập, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chất lượng tham mưu, phục vụ các Kỳ họp Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh được nâng lên. Ảnh: N.Đ

Hợp nhất hai văn phòng

Thường trực HĐND tỉnh đánh giá, qua 5 năm thành lập, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh đã chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Trong tình hình mới, việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh là cần thiết nhằm tinh giản đầu mối, biên chế, nâng cao hiệu quả và chất lượng tham mưu, giúp việc cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh; đi đôi với kiện toàn thống nhất tổ chức đảng, đoàn thể trong cơ quan; tạo mối quan hệ công tác chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương và Trung ương, nhất là đối với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh sẽ kế thừa, phát huy những kết quả tích cực, mặt ưu điểm, tiến bộ; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm khi còn là 2 đơn vị độc lập; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đoàn kết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu tham mưu, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

“Sau khi được thành lập, số lượng biên chế phân bổ các phòng chuyên môn, số lượng trưởng phòng, phó trưởng phòng đảm bảo các quy định hiện hành, quỹ biên chế được giao và khối lượng công việc phải đảm nhận. Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức, người lao động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức trách, nhiệm vụ được giao; một người có thể đảm nhận nhiều việc, một việc chỉ giao một người hoặc một phòng chủ trì chịu trách nhiệm chính, cũng như không làm gián đoạn công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh...” – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho biết.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh và nhóm nhiệm vụ hành chính, tổ chức, quản trị.

Công khai, dân chủ, đúng luật

Về tổ chức bộ máy, theo dự thảo đề án, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có 1 Chánh Văn phòng, 3 Phó Chánh Văn phòng và 4 phòng chuyên môn; với 31 chỉ tiêu biên chế công chức và 13 hợp đồng lao động trước khi hợp nhất. Sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định về định mức hợp đồng lao động, trường hợp số hợp đồng lao động hiện có vượt định mức cho phép thì tiến hành sắp xếp, tinh giảm theo quy định.

Nhìn nhận về khó khăn, vướng mắc có khả năng phát sinh sau khi hợp nhất hai văn phòng, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, các hợp đồng theo Nghị định 68 của Văn phòng HĐND tỉnh đã được chuyển sang hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động. Trong khi số người lao động hợp đồng tại Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh (4 người) vẫn đang thực hiện hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ. Vậy nên cần tiếp tục thực hiện phương án chuyển hợp đồng, chuyển xếp lương để đảm bảo các quy định pháp luật và thống nhất trong cơ quan.

Ngoài ra, sau khi hợp nhất, bộ phận phục vụ chiếm tỷ lệ khá lớn, phải tiếp tục tổ chức sắp xếp lại để tinh gọn bộ máy. Một số chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh sau khi hợp nhất sẽ không còn được hưởng theo quy định của Văn phòng Quốc hội, điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống của công chức, người lao động. Chất lượng công chức, người lao động không đồng đều, một vài công chức, người lao động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên việc sắp xếp, bố trí theo vị trí việc làm gặp một số khó khăn nhất định.

Nhằm triển khai hiệu quả đề án sau khi được HĐND tỉnh thông qua, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho hay, trước hết tập trung lãnh đạo tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công chức, người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh trong việc chấp hành, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Đặc biệt, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, người lao động của hai văn phòng phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy trình, quy định, nhất là trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan.

“Cùng với đó quan tâm đào tạo, bồi dưỡng công chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và từng bước củng cố, tiếp nhận, tuyển dụng, bổ sung đội ngũ công chức có chất lượng về trình độ và năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong tình hình mới. Xây dựng lộ trình sắp xếp, tinh giản nhân viên hợp đồng lao động theo số lượng, định mức được giao gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện đề án theo nghị quyết của HĐND tỉnh” – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND tỉnh: Tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO