Là một trong 100 hợp tác xã (HTX) điển hình của toàn quốc năm 2008, đến nay HTX Duy Sơn II (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) vẫn khẳng định được vị thế của mình nhờ kinh doanh đa ngành nghề.
Đa dạng ngành nghề
Theo ông Phạm Văn Du – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Duy Sơn II, nếu chỉ chăm chăm vào các dịch vụ nông nghiệp, không thoát khỏi cái vỏ bọc cũ kỹ trước đây, sẽ đi vào ngõ cụt. Bởi sự cạnh tranh hiện nay là rất lớn, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi cả về tư duy và các ngành nghề kinh doanh, phải đa dạng hóa các dịch vụ mới có thể tồn tại và phát triển. Chính vì thế, HTX Duy Sơn II đã nỗ lực hết sức để mở rộng các ngành nghề kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của nông dân trên địa bàn.
Với những dịch vụ nông nghiệp, phi nông nghiệp đa dạng, HTX Duy Sơn II đang khẳng định vai trò “bà đỡ” cho nông dân. Ảnh: N.D |
Từ định hướng đó, trong những năm qua, HTX Duy Sơn II không ngừng đổi mới, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Ngoài những dịch vụ nông nghiệp như liên kết sản xuất giống và dịch vụ giống, nước tưới, trồng rừng, chăn nuôi, thú y…, HTX còn chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Mạnh nhất vẫn là ngành sản xuất điện được HTX chú trọng phát triển. Đây là HTX duy nhất trên toàn quốc nhận quản lý lưới điện trung và hạ thế, bên cạnh đó còn trực tiếp quản lý một nhà máy thủy điện nhỏ để kinh doanh. “HTX có đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao để kịp thời khắc phục những sự cố về lưới trung và hạ thế hay những sự cố như hư hỏng máy biến áp, tua bin… Sản lượng điện nhà máy phát hàng năm đạt khoảng 3,2 - 3,5 triệu kWh, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm. Đó là nguồn thu lớn cần được duy trì trong thời gian tới, vừa mang lại lợi nhuận cho HTX vừa đảm bảo cung cấp điện cho bà con nông dân” - ông Nguyễn Phước Ly, Phó Giám đốc HTX Duy Sơn II nói.
Bên cạnh đó, HTX Duy Sơn II còn mở rộng dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, xây dựng xí nghiệp nước đóng chai để cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 720 hộ dân trên địa bàn. Sản lượng nước mỗi năm khoảng 50 - 62 nghìn khối, đạt doanh thu bình quân 120 triệu đồng/năm. Định kỳ, HTX sẽ lấy mẫu nước đi xét nghiệm theo đúng quy định của Nhà nước để luôn đảm bảo chất lượng cũng như sự an toàn của người sử dụng. Ngành nghề mây tre đan cũng là một trong những thế mạnh được HTX Duy Sơn II chú trọng phát triển. Đây là một trong những ngành nghề lâu năm được HTX duy trì để có điều kiện giải quyết số lao động có tay nghề, nhàn rỗi và lao động lớn tuổi, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Với hoạt động nhiều ngành nghề, HTX Duy Sơn hiện là một trong những HTX có số xã viên, người lao động tham gia lớn nhất tỉnh. Hiện nay, HTX đã có trên 2.000 thành viên tham gia sản xuất, kinh doanh, góp vốn, tạo nên nền tảng vững chắc để củng cố và tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Phát triển toàn diện
Đánh giá về những thành tựu trong những năm qua của HTX Duy Sơn II, ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, trong số hơn 10 HTX còn tồn tại trên địa bàn huyện, HTX Duy Sơn II là một trong những đơn vị hoạt động có hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu hợp tác phát triển và thực hiện chức năng “bà đỡ” cho kinh tế hộ trong nền kinh tế thị trường. “Ban quản lý HTX đã xây dựng và tổ chức thực hiện tốt những phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình mới, xác định đúng các khâu quan trọng trong quy trình sản xuất để thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho xã viên. Những dịch vụ như làm đất, thủy lợi, điện, khuyến nông - chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi…và tiến hành liên doanh, liên kết mở rộng ngành nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Hiệu quả xã hội mà HTX Duy Sơn II mang lại cho bà con nông dân, cho sản xuất nông nghiệp và bộ mặt nông thôn của Duy Sơn trong những năm qua là vô cùng to lớn…” - ông Cảnh nói. |
Cũng theo ông Phạm Văn Du, trong nhiệm kỳ tới HTX sẽ cố gắng giữ ổn định diện tích lúa gieo trồng hàng năm từ 550 - 560ha với năng suất bình quân đạt 58 - 60 tạ/ha. Về chăn nuôi, ngoài những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, HTX sẽ trích một phần kinh phí từ quỹ phát triển sản xuất để hỗ trợ cho bà con xã viên tăng dần đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, HTX sẽ tìm hiểu những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để chọn hộ, xã viên, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm… Ông Du nói: “Do điều kiện thời tiết ở đây rất khắc nghiệt nên HTX sẽ còn rất nhiều điều phải làm. Đối với dịch vụ cung cấp điện, HTX cần phải tổ chức duy tu, nâng cấp nhà máy thủy điện bởi hiện nay nhà máy đã xuống cấp, muốn đảm bảo được năng suất thì cần phải đầu tư để sửa chữa. Đối với ngành nghề cung cấp nước sạch và nước uống đóng chai, cần mở rộng kinh doanh, tổ chức liên kết để đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn”.
Theo ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để có thể giữ vững và phát triển những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, HTX Duy Sơn II cần có nhiều giải pháp đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu ở một số nơi không thể chủ động nước tưới để đảm bảo năng suất cao mà chi phí thấp. “Đối với các ngành nghề dịch vụ ngoài nông nghiệp, cần chú ý đến phương thức quản lý mới, chuyên nghiệp hơn cho từng cơ sở của HTX. Phải tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của HTX hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ, có chiến lược kinh tế cụ thể, rõ ràng; tăng cường đầu tư, làm thế nào để mỗi sản phẩm của các đơn vị này đều có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, có năng lực cạnh tranh với thị trường thì mới có thể phát triển…” - ông Tài góp ý thêm.
NGUYỄN DƯƠNG