Hủ tục, bao giờ xóa bỏ?

TẤN SỸ 12/04/2023 08:14

Bên cạnh những phong tục tập quán tốt đẹp, đồng bào Giẻ Triêng ở huyện Phước Sơn vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục như ngãi nghệ, cúng bái khi đau ốm...

Vì kiêng cử khi trong làng có người chết nên những người phụ nữ này không ra khỏi làng. Ảnh: Tấn Sỹ
Vì kiêng cử khi trong làng có người chết nên những người phụ nữ này không ra khỏi làng. Ảnh: Tấn Sỹ

Đang trong vụ sản xuất đông xuân nhưng nhiều phụ nữ Giẻ Triêng ở thôn 2, xã Phước Đức (Phước Sơn) vẫn không lên nương, lên rẫy. Làng mới có người chết, nên theo phong tục kiêng cử, họ chỉ ở nhà và không bước chân ra khỏi làng.

Theo chị Hồ Thị Phương, từ ngày làng xảy ra cái chết của chị Hồ Thị T. do ngộ độc khi ăn cá chép ủ chua, theo phong tục kiêng cử của người Giẻ Triêng là các ngày mùng Một, mùng Bốn và mùng Chín không được ai ra khỏi làng hay lên nương rẫy. Nếu ai trái lời sẽ bị thần linh trách phạt và cây cối hoa màu gia súc, gia cầm sẽ theo đó mà chết, người dân trong làng cũng sẽ gặp chuyện không may.

Làng có người chết thì kiêng cử, còn người sống khi đau ốm thì đi xem thầy bói để cúng bái. Nhà sinh hoạt truyền thống của người dân thôn 2 không có gì đáng giá, ngoài những cặp sừng trâu chi chít. Bên cạnh những sừng trâu còn sót lại của các lễ hội tết mùa, mừng lúa mới, vẫn có không ít sừng trâu ghi dấu ấn của các hủ tục cúng bái, pà dâu, ngãi nghệ.

Như trường hợp của bà Hồ Thị Nhương, khi con trai đau ốm, dù nghèo không có đủ tiền, song bà vẫn vay mượn 15 triệu đồng của hai anh em Hồ Văn Hạ, Hồ Văn Hóa trong thôn để tổ chức cúng trâu, cầu mong thần linh phù hộ. Con chưa khỏi bệnh, người trong làng vì tham gia ăn trâu, ăn cá chua từ lễ cúng của nhà bà Nhương, dẫn đến 1 người chết, 4 người ngộ độc nặng phải đưa đi cấp cứu.

Bà Hồ Thị Nhương cho biết: “Nghe lời thầy cúng nói phải cúng trâu cho ông bà, nên mình đi mượn tiền, giờ không chỉ nợ 15 triệu đồng của lễ cúng trâu, mà gia đình tôi còn nợ 20 triệu đồng tiền mua máu để truyền cho thằng Hát. Giờ đây cũng không biết lấy chi để trả nợ”.

Ông Hồ Văn Điền - Chủ tịch UBND xã Phước Đức, cho biết: “Mỗi một gia đình khi tổ chức cúng trâu, ăn trâu thường rất tốn kém, không chỉ tiền mua trâu mà còn mua heo, gà, rồi nấu rượu cần, nấu cơm cho cả làng ăn... Ít nhất mỗi lễ cúng trâu phải từ 30 đến 50 triệu đồng.

Trước kia, hủ tục mê tín dị đoan cúng trâu dâng thần linh khá phổ biến, nhưng giờ do điều kiện kinh tế gia đình người dân khó khăn, nên việc cúng trâu, heo, gà ít diễn ra. Song, cá biệt vẫn có những trường hợp như câu chuyện đáng tiếc xảy ra ở thôn 2 vừa rồi.

Về vấn đề này, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động bà con bỏ dần phong tục cúng bái, pà dâu, ngãi nghệ hay kiêng cử không đáng có. Chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng cao điểm như hiện nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hủ tục, bao giờ xóa bỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO