Đôi khi, có những thức món chỉ cần nhắc tên đã nghe tươm lên đầu lưỡi vị chua thanh - thứ vị riêng có của cây rừng. Trái rừng thơm hương bay cả ngàn dặm, nhắc nhớ những ngày cũ xưa...
Tách tách dâu búng
Nhìn cô bạn búng tách tách vỏ mấy trái dâu sặc rồi ngon lành đưa cả chùm vào miệng, tôi biết bạn mình không chỉ đang ăn trái cây quê nhà. Gọi trái cây bởi không biết xếp chùm dâu tí hin này vào loại thức món gia vị nào. Bạn nói, nhìn thấy nó đã thấy thèm và vị giác bị kích thích bởi cái vị quen thuộc của tuổi thơ.
Dâu sặc hay dâu búng, có tên khoa học hẳn hòi là quả ré. Ở Quảng Nam, loại quả này có nhiều ở vùng rừng núi Nam Trà My. Trong những cánh rừng, lần lỡ đường, người thợ rừng may mắn gặp dâu búng sẽ “cứu” họ một phen đỡ khát. Loại trái này gắn nhiều hơn với người dân miền núi có lẽ vì vậy.
Dâu búng có kích thước chỉ nhỉnh hơn đốt ngón tay út, vỏ có màu vàng cam, mọc thành từng chùm và thường phải những cây cao lớn mới có trái. Muốn hái chùm dâu búng không phải dễ dàng. Thế nên thi thoảng mới thấy người ta mang xuống phố vài bao để bán cho người... nhớ tuổi thơ.
Bạn tôi mang bày ra bàn cho mấy người bạn nhưng không ai ăn được. Họ nói chua quá! Vậy mà cô ấy thì cứ “tách tách” liên hồi. Có lẽ vừa ăn vừa nhớ nên vị giác cứ vậy vỗ về tâm trí. Cô ấy nói trái này là “quà vặt” của mấy đứa nhỏ khó nghèo miền núi. Cứ thấy chùm quả này lúc lỉu trong túi đồ rừng của anh trai và cha thì nỗi vui mừng trẻ nhỏ cứ vậy bừng lên.
Cùng họ dâu và cũng chua “õng ẹo” - thuật ngữ người miền núi dành cho mấy thứ trái rừng mang vị chua, tức chua nhưng có duyên, chua nhưng không gắt gỏng như bọn chanh bọn tắc, còn có trái dâu đất, hay còn gọi dâu da.
Thứ trái này ngược với dâu búng, từng chùm trĩu quả bám vào thân cây, không lúc lỉu “thướt tha” như dâu sặc. Dâu sặc trái màu vàng cam thì dâu đất màu đỏ ối khi chín, trái non thì xanh như màu trái sấu. Người dân miền núi dùng trái non để nấu canh chua, trái chín thì ăn như món quà vặt vậy.
Đặc sản trái rừng
Vị chua của trái rừng, hoàn toàn khác với vị của trái cây được trồng và chăm bón. Tôi nhớ trong cuốn sách dạy nấu ăn của nữ đầu bếp Sarmin Nosrat, người Nhật cho rằng vị chua là một trong sáu vị cơ bản của khoái cảm ăn uống gồm ngọt, mặn, chua, đắng, cay và umami - thứ vị đặc trưng của người Nhật, hiểu nôm na là vị ngon.
Vậy ăn chua có tốt không? Các chuyên gia dinh dưỡng nói rằng, vị chua không chỉ là một phần kích thích vị giác khiến ăn có cảm giác ngon miệng mà còn mang đến hàng loạt lợi ích cho sức khỏe.
"Chua là một thứ cứu sinh khẩu vị của con người sau khi đã dư thừa mặn và béo”. Đó là thứ vị kéo đầu lưỡi của mỗi người thanh tao trở lại, sau khi đã ứ hơi với ngọt mặn đắng cay. Vị chua còn góp phần giải độc mỡ, đường - những căn bệnh vốn dĩ thuộc về thời đang sống.
Đặc sản trái rừng của Quảng Nam không nhiều như các vùng núi phía Tây Bắc. Nhưng mỗi mùa lại có một thức đủ khiến người bản địa tự hào. Những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn cứ vài ba khoảnh đại thụ thì chen lẫn mấy cây ăn trái.
Trái gì chim ăn được thì người cứ việc dùng - triết lý sinh tồn được những người miền núi dạy nhau qua từng lớp thế thệ. Để mới có những trái rừng đi vào tuổi thơ, đến ngày tuổi già nghe tên lại nhớ, như dâu, như chà là trái trâm...
Lễ hội ớt A Riêu (Đông Giang) mới đây, như một thử nghiệm để từng bước đưa nông sản từ rừng xuống phố thông qua du lịch. Và nếu thử đặt vị thế của trái rừng trong câu chuyện bản sắc ẩm thực xứ Quảng, mới thấy một khoảng trống lớn. Nếu chuyên tâm ngẫm ngợi, những thứ quà quý giá của thiên nhiên này đủ sức kết nối và phát triển ngang tầm dược liệu địa phương.