Sau 5 năm triển khai, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại huyện Nam Trà My đã triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông và các mô hình chăn nuôi trang trại, trồng cây dược liệu dưới tán rừng... bước đầu đem lại hiệu quả.
Người dân hưởng lợi
Sau 5 năm (2014 - 2019) triển khai thực hiện, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, tại huyện Nam Trà My cơ bản đã đạt được các mục tiêu phát triển về cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình sinh kế sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào Ca Dong, Xê Đăng trên địa bàn. Hệ thống đường giao thông nông thôn được hình thành từ dự án không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân vùng cao, mà còn góp phần phát triển kinh tế, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của vùng.
Hơn 9.000 hộ đồng bào hưởng lợi
Đánh giá sau 5 năm cho thấy, hơn 9.000 hộ được hưởng lợi trực tiếp ở các lĩnh vực phát triển đa dạng sinh kế, an sinh xã hội, văn hóa cộng đồng… Chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất trong hỗ trợ sinh kế là các tiểu dự án về chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi heo cỏ địa phương, với 21 nhóm chăn nuôi theo quy mô tập trung, giúp hàng nghìn hộ dân địa phương có sinh kế mới, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, dự án cũng phân bổ đầu tư vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình về chế độ dinh dưỡng, an ninh lương thực, liên kết thị trường, giáo dục, hạ tầng cơ sở, nước sinh hoạt... với tổng kinh phí đầu tư gần 79 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết, bên cạnh hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng trong phát triển kinh tế, những năm qua, dự án đã mở rộng nâng cấp và bê tông hóa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi.
“Trước đây, do địa hình phức tạp của miền núi nên nhiều khu dân cư luôn bị cô lập vào mùa mưa lũ. Trẻ em không thể đến trường, bà con có nông sản cũng không thể bán ra ngoài thị trường. Kể từ khi dự án được triển khai, đường sá được mở rộng, vừa thuận tiện cho việc đi lại, vừa tạo cầu nối trong việc giao thương. Đây cũng là hướng mở để chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu hình thành các loại sản phẩm kinh tế phù hợp, giúp giải quyết dần những rào cản trong công tác giảm nghèo cho đồng bào Xê Đăng” - ông Phương nói.
Từ khi giao thông thuận tiện, người dân mạnh dạn đầu tư tăng gia sản xuất, trồng cây dược liệu, hoa màu để phát triển kinh tế. Để mở hướng giảm nghèo, nhiều năm qua, chính quyền Nam Trà My đã khuyến khích mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh, di thực thành công sâm giống tại một số xã khó khăn, xem đó như “của để dành” cho hành trình làm giàu của đồng bào trong tương lai gần.
Trợ lực giảm nghèo
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, ở địa phương, dự án được triển khai tại 5 xã, gồm: Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don và Trà Nam. Qua 5 năm, đã đầu tư xây mới, sửa chữa và nâng cấp nhiều công trình dân sinh và hạ tầng giáo dục; hệ thống nước sạch sinh hoạt; kênh mương thủy lợi; nhà sinh hoạt cộng đồng... Trong đó, nhiều dự án hỗ trợ sinh kế được đầu tư, giúp hàng nghìn người dân địa phương được trực tiếp hưởng lợi, tạo động lực phát triển kinh tế gia đình.
Thông qua dự án đã huy động được nguồn vốn lớn, triển khai có hiệu quả theo các mục tiêu phát triển, đồng thời khơi dậy tinh thần tự lực, đổi mới tư duy làm ăn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hương (nóc Long Riêu 2, thôn 5, xã Trà Nam); Hồ Thị Nghĩ (thôn 2, xã Trà Don)… thành công bước đầu từ mô hình chăn nuôi heo cỏ, dê, gà, vịt.
Theo ông Phước, sau 5 năm triển khai thực hiện, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Nam Trà My cơ bản đạt được các mục tiêu phát triển. Trong đó, nổi bật là việc đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối giữa các làng, nóc và liên xã, đảm bảo đi lại thuận lợi, thông thương buôn bán của người dân.
Dự án cũng góp phần cùng chính quyền địa phương giải quyết dần bài toán về công tác giảm nghèo, đem lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, giúp đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, dự án vẫn bộc lộ một vài điểm hạn chế, cần được khắc phục như: việc định hướng cho bà con chọn lựa một số loại hình sinh kế chưa thực sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương; một số công trình hạ tầng chưa đảm bảo theo tiến độ…