Du lịch

Kể chuyện từ chuyến du xuân

QUỐC TUẤN - NGUYÊN ĐỨC - VĨNH LỘC - NGUYỄN AN ĐIỀN12/01/2025 08:26

Mùa cao điểm du lịch Tết Nguyên đán 2025 đang rục rịch. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng đang chào bán hàng loạt sản phẩm, tour tuyến đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lữ hành sẽ chọn gì để kể cho du khách nghe về xứ Quảng? Du khách sẽ nhặt được gì sau những chuyến rong ruổi miền này?

DSC02972_PHUONG THAO

Rộn ràng mùa tết, thích ứng cả năm

Thị trường du lịch mùa tết năm nay dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. Chưa kể, những thay đổi trong xu hướng du lịch năm 2025 hứa hẹn mang lại cơ hội cũng như đòi hỏi sự chuyển đổi của các chủ thể làm du lịch.

Sức hút của du lịch khu vực

Theo dữ liệu booking.com công bố, Hội An vừa lọt vào tốp 10 điểm đến được du khách tìm kiếm nhiều nhất dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025 (khoảng 24/1 - 9/2/2025). Theo ông Varun Grover - Giám đốc quốc gia của booking.com tại Việt Nam, mùa tết năm nay, du khách Việt đang “viết lại” cẩm nang du lịch của mình. Có thể thấy du khách Việt Nam ngày càng yêu thích và tìm kiếm những điểm đến cho phép họ kết nối với thiên nhiên và với chính bản thân họ.

Lọt vào danh sách điểm đến được tìm kiếm hàng đầu còn có Đà Nẵng. Điều này phản ánh sự kết nối chặt chẽ của Đà Nẵng và Hội An. Trong hành trình du lịch, hầu hết du khách nếu đã chọn đến 1 trong 2 địa điểm này thì đều sẽ khám phá luôn điểm còn lại.

Hội An vẫn là điểm đến thu hút khách hàng đầu của Quảnh Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Q.T
Hội An vẫn là điểm đến thu hút khách hàng đầu của Quảnh Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Q.T

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên hợp vận tải và du lịch VITRACO cho hay, hiện số lượng khách có nhu cầu tư vấn, tìm hiểu tour trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới rất lớn, nhưng lượng khách “chốt” tour chưa nhiều, có xu hướng đợi đến sát ngày khởi hành. Nhìn chung, nhiều khả năng dịp tết này thị trường du lịch sẽ sôi động và khởi sắc hơn cùng kỳ các năm gần đây.

“Tour phổ biến nhất ở miền Trung mà du khách lựa chọn trong dịp tết vẫn là hành trình khám phá di sản qua 5 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Thông thường, vào mùa du lịch tết khu vực miền Trung đón lượng khách từ phía Nam ra khá đông đảo, trong đó có rất nhiều Việt kiều về thăm quê. Năm nay cũng ghi nhận nhu cầu du lịch outbound (khách nội địa du lịch ra nước ngoài) của người dân miền Trung tăng cao, chủ yếu là đi các nước ở khu vực ASEAN và Đông Bắc Á”, ông Tùng chia sẻ.

Trẻ em trải nghiệm vẽ trên gốm tại Hội An. Ảnh: Q.T
Trẻ em trải nghiệm vẽ trên gốm tại Hội An. Ảnh: Q.T

Bà Phạm Thị Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Tập đoàn FVG Travel, đại diện khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cho hay, lượng khách đến Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang nhiều khả năng sẽ không có biến động lớn. Dự kiến địa điểm này sẽ đón khoảng 5 - 8 nghìn lượt khách, do điểm đến nằm ở khu vực miền núi, đường giao thông tiếp cận còn khá khó khăn.

Còn theo đại diện Công ty CP Du lịch Việt Đà - Viet Da Travel, đơn vị đã thiết kế đa dạng các gói chương trình du xuân trẩy hội xuyên Tết Nguyên đán ở các tỉnh miền Trung (trong đó điểm đến ở Quảng Nam chủ yếu là đi Hội An và Cù Lao Chàm) tương ứng nhiều mức giá phù hợp theo nhu cầu của du khách, đáng chú ý mức giá cho tour 3 ngày - 2 đêm Đà Nẵng - Hội An (lưu trú tại khách sạn 4 sao) chỉ khoảng 3 triệu đồng/khách.

Bắt nhịp xu hướng năm 2025

Nền tảng trực tuyến booking.com dự báo năm 2025, xu hướng du lịch sẽ “lên ngôi” gồm: du lịch về đêm, du lịch đa thế hệ, du lịch sức khỏe, du lịch phiêu lưu… Đây đều là các loại hình gắn với nhu cầu trải nghiệm sâu, mới lạ hoặc mang lại những ký ức đáng nhớ cùng gia đình, người thân.

dsc_0690.jpg
“Check-in” với các không gian hoa là xu hướng được khách nội địa yêu thích. Ảnh: Q.T

Ông Lê Tấn Thanh Tùng nhận định, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch tìm lại ký ức, du lịch tâm thức… sẽ là những loại hình tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Hiện nay trong khu vực, Huế đang xúc tiến khá tốt loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Và tour du lịch đường sắt “Kết nối di sản miền Trung” giữa Huế và Đà Nẵng là một gợi ý trong loại hình du lịch tìm lại ký ức tưởng như đã lãng quên. Ông Tùng cho rằng, Quảng Nam cần sớm có giải pháp để nối chuyến vào tour du lịch đường sắt này đến Tam Kỳ cũng như khai phá các khu vực có lợi thế về du lịch chăm sóc sức khỏe để nắm lấy cơ hội thu hút và giữ chân khách ở lại địa phương lâu hơn.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa thông tin, dựa trên nền tảng cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái làm cốt lõi, trong năm 2025, khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ chính thức khởi động trở lại các tour du lịch kết nối điểm đến với “gói combo” đa dạng như 3 ngày 2 đêm, 2 ngày 1 đêm dựa trên hệ sinh thái của tập đoàn FVG với các dịch vụ lữ hành, ăn uống mua sắm, nghỉ dưỡng…

“Cuối năm ngoái, công ty CP Tập đoàn FVG Travel cũng đã đề xuất tỉnh xem xét công bố tuyến đường du lịch kết nối 3 điểm Hội An – Mỹ Sơn – Cổng Trời Đông Giang sớm đi vào vận hành. Để khả thi, đơn vị đang xây dựng phương án tuyến xe bus với dịch vụ vận chuyển trong ngày, mục tiêu kết nối gần hơn hành trình 3 điểm đến, góp phần kích cầu du lịch, thúc đẩy nhu cầu du khách lên các huyện miền núi.

cong-troi-.jpeg
Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ thực hiện nhiều chương trình vui xuân đón tết với chương trình du xuân “Khai xuân Cổng Trời” (diễn ra từ mùng 3 đến 9 Tết Nguyên Đán). Ảnh: Q.T

Tháng 2 tới đây, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ đăng cai Hội thảo lữ hành quốc tế với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, các đơn vị famtrip, lữ hành trong và ngoài nước. Đây là dịp để các bên liên quan tiến hành khảo sát, thảo luận phương án nhằm khai thác tuyến du lịch Hội An – Mỹ Sơn đến Cổng Trời Đông Giang, mở rộng không gian phát triển du lịch Quảng Nam”, bà Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện du lịch Quảng Nam nói riêng cũng như Việt Nam nói chung đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt về mặt điểm đến. Do đó năm 2025, ngành du lịch Quảng Nam sẽ tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tối đa sản phẩm trùng lặp, chất lượng thấp, tăng sự liên kết trong tour tuyến, sản phẩm. Trong năm nay, ngành du lịch cũng sẽ thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể thị trường khách du lịch đến Quảng Nam cũng như xây dựng cơ chế thí điểm hỗ trợ thu hút khách du lịch MICE (khách hội nghị/hội thảo) và đoàn khách nước ngoài tổ chức đám cưới tại Quảng Nam.

Cũng theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, năm 2025 sở sẽ cùng các doanh nghiệp tham gia quảng bá, xúc tiến tại các hội chợ du lịch quốc tế hàng đầu như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP.Hồ Chí Minh, hội chợ ITB Asia (Singapore)… Cạnh đó cũng sẽ tích cực quảng bá để tiếp tục thu hút khách tại một số thị trường quan trọng như Hàn Quốc, Anh… và đồng hành với Năm du lịch quốc gia 2025 - Huế.

Du lịch miền Trung chuyển biến cùng 2025

Những con số tăng trưởng du khách đầy ấn tượng trong những ngày đầu năm 2025 đang dự báo một năm sôi động hơn với các tỉnh thành miền Trung. Dường như, địa phương nào cũng đặt chỉ tiêu tăng số lượng du khách, với những tính toán khá chi tiết.

Nhìn vào kế hoạch tổ chức đón khách, tăng trưởng du lịch của các địa phương trọng điểm miền Trung, từ TP.Huế đến Quảng Nam, có thể nhận ra những ưu thế vượt trội về văn hóa bản địa và diễn biến đầu tư kinh tế đang tạo nên ba hướng chuyển biến quan trọng.

Du lịch canh nông “lên ngôi”

Quảng Nam được dự báo sẽ có những thay đổi quan trọng về chiến lược đầu tư, đổi mới du lịch. Theo đó, xu thế du lịch canh nông đang từng bước được xác lập một cách rõ ràng.

Văn hóa di sản lưu giữ trong các làng nông nghiệp miền Trung chính là thế mạnh du lịch.

Về thực chất, các vùng nông thôn Quảng Nam, dọc sông Thu Bồn lên biên giới phía tây, từ lâu đã được đề cao bởi môi trường cảnh quan hấp dẫn. Dù trở ngại giao thông từng cản trở việc khai phá du lịch các vùng đông Hội An, vùng B Đại Lộc, hay Tây Giang, Đông Giang, song cảnh sắc, sản vật và nhất là những làng nông thôn hoang sơ, thuần hậu luôn là đề tài thu hút du khách.

Từ sự kiện Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn được tổ chức tại Hội An - điểm hẹn di sản văn hóa nông nghiệp miền Trung, có thể thấy, Quảng Nam đã sẵn sàng đẩy mạnh mảng du lịch canh nông. Cạnh đó, Quảng Nam công bố những tiêu chí bền vững về phát triển du lịch khám phá nông thôn, với những điểm đến điển hình, chất lượng, thật sự đã mở ra cánh cửa cơ hội cho mảng du lịch này ở địa phương.

Tại vùng nông nghiệp quanh di sản Mỹ Sơn, từ những năm 2010, tổ chức lao động quốc tế ILO đã tài trợ đầu tư du lịch làng quê, vận động người dân xây dựng các tour khám phá, đồng hành cuộc sống yên bình. Khu vực Hội An, từ làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, đến những cánh đồng Cẩm Châu, ruộng bắp Cẩm Kim, người dân đã tự hình thành những tour du lịch bản sắc.

Tất cả, đến nay đủ điều kiện, cả về nhận thức người dân lẫn những tiêu chí hạ tầng, quảng bá du lịch, tự tin khẳng định thế mạnh du lịch canh nông.

Hấp dẫn từ những làng nghề “di sản”

Một lợi thế trong công tác chỉ đạo, định hướng đầu tư vào du lịch canh nông của các địa phương, từ Quảng Nam ra Huế và vào Quảng Ngãi, là năm 2025 ghi nhận những thay đổi về quản lý kinh tế nông nghiệp quốc gia. Thế mạnh tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) giờ đây được các địa phương chú ý, đã luật hóa với các văn bản sửa đổi về đất đai, quy hoạch.

Các tỉnh miền Trung đang chú ý đầu tư các sản phẩm đặc hữu kết nối du lịch canh nông và văn hóa di sản.

Song, chuyển biến đầu tư du lịch canh nông, lại không chỉ liên quan canh tác sản xuất. Văn hóa di sản, lịch sử sinh hoạt của cộng đồng người dân, gắn với tam nông, mới là điều kiện quyết định sức hấp dẫn của du lịch canh nông. Đây lại chính là lợi thế chuyển biến thứ hai của du lịch miền Trung.

Đại diện đơn vị lữ hành VITRACO (Đà Nẵng) chia sẻ, thế mạnh lâu nay của du lịch các địa phương miền Trung, thực chất gắn liền môi trường làng xã và cộng đồng cư dân, những điểm đến có bề dày lịch sử và những nền tảng văn hóa di sản được bảo lưu gìn giữ.

Đơn cử ở Quảng Nam, từ câu ca dao cũ cho đến hoạt động xã hội hiện tại, bóng dáng truyền thống luôn có sẵn, là đề tài hấp dẫn cho du khách tìm hiểu, khám phá. Những Hòn Kẽm Đá Dừng, Cổng Trời Đông Giang, những lò mỳ Quảng Đại Lộc, đều là câu chuyện tò mò với đông đảo du khách.

Tại Huế, thực tế những năm qua, VITRACO cũng khai thác hiệu quả nguồn du khách đi lại, trải nghiệm những đình chùa miếu mạo, không chỉ nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế mà lan tỏa về tận phá Tam Giang, đầm Cầu Hai… Quần thể các ngôi làng hàng trăm năm tuổi, nằm dọc khu vực đầm phá Thừa Thiên luôn là đề tài cuốn hút du khách.

“Những làng nghề lịch sử trăm năm, đã định danh như làng nước mắm Nam Ô Đà Nẵng, hay làng rượu Hà Thanh Phú Vang Huế, rồi những làng chưa được biết nhiều, như ở Điện Phương Điện Bàn hay chợ Đo Đo Thăng Bình, gắn với nông nghiệp và cộng đồng cư dân, đều là những địa chỉ phát triển du lịch khám phá, lựa chọn của du khách hôm nay” - ông Dương Thanh Hữu, hướng dẫn viên du lịch khu vực Đà Nẵng - Hội An nhìn nhận.

Ngoài ra, có thông tin cho hay, một số nhà đầu tư lên kế hoạch tổ chức các tour khám phá sông Cổ Cò, khai thác khung cảnh đồng quê sông nước và văn hóa bản địa.

Cơ hội với sản phẩm đặc hữu?

Trong hoạch định phát triển du lịch các tỉnh trọng điểm miền Trung, câu chuyện du lịch canh nông, gắn cùng văn hóa di sản với những thuộc tính hấp dẫn từ cộng đồng cư dân, lịch sử những miền đất khai hoang lập địa, chính là nhóm chủ đề hấp dẫn.

Quảng Nam đang xác định rất rõ lợi thế về du lịch nông nghiệp với các làng nghề truyền thống.

Khi các địa phương xây dựng những kế hoạch phát triển, thu hút đầu tư tạo nên những sản phẩm đặc hữu, thể hiện rõ nét các lợi thế thông tin về câu chuyện bản địa, khả năng hình thành các “hệ sinh thái du lịch” theo mỗi địa bàn rất cao.

Nếu các địa phương cùng nhau liên kết, xây dựng hệ thống tour du lịch khám phá văn hóa, đồng bộ với du lịch canh nông, chắc chắn sẽ là cơ hội chuyển biến du lịch hấp dẫn.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT TP.Huế chia sẻ, địa phương và 4 tỉnh liền kề đang lên nhiều chương trình vận động đầu tư mạnh hơn vào du lịch di sản và văn hóa nông nghiệp. Bắt đầu từ năm 2025, hy vọng các mối liên kết này sẽ tạo đột phá thay đổi diện mạo du lịch văn hóa truyền thống. Và ngành du lịch ngày càng nắm bắt đúng hơn nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu “những câu chuyện miền Trung” của du khách!

Tất bật trang trí đón khách

Các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, sẵn sàng đón khách khi tết đến xuân về.

Hấp dẫn Hội An

Đêm giao thừa là thời điểm thiêng liêng và ấn tượng nhất của du khách khi đến Hội An. Từ thưởng thức chương trình nghệ thuật, âm nhạc do các nghệ sĩ chuyên và không chuyên biểu diễn cho đến điểm nhấn quan trọng nhất là hoạt động đếm ngược thời gian và màn trình diễn pháo hoa (tầm thấp) tại Công viên Hội An.

Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn sẽ diễn ra tại Hội An trong dịp tết năm nay. Ảnh: V.L
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn sẽ diễn ra tại Hội An trong dịp tết năm nay. Ảnh: V.L

Sau các chương trình đón năm mới, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc đồng loạt được tổ chức ở các khu vực xung quanh phố cổ. Ngoài ra, trong những ngày trước và sau tết, người dân, du khách còn có cơ hội tham gia trải nghiệm các hoạt động như thưởng ngoạn chợ hoa xuân; lễ hạ cây nêu; lễ hội cầu bông; lễ giỗ tổ nghề Mộc Kim Bồng...

Đặc biệt, từ ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 3 Tết (ngày 28/1 đến hết ngày 31/1/2025) Hội An sẽ tạm dừng hoạt động bán vé Khu phố cổ và các làng nghề trên địa bàn thành phố. Riêng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, tạm dừng hoạt động bán vé tham quan trong ngày 29 và mùng 1 Tết (ngày 28 và 29/1/2025) nhằm tạo điều kiện cho người dân, du khách có thể tự do tham quan các di tích, điểm đến trên địa bàn.

Các khách sạn nhà hàng tại Hội An đều có những hoạt động đón tết riêng dành cho du khách như viết thư pháp, cho chữ đầu năm, trình diễn và dạy gói bánh chưng bánh tét…

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Hội An không chỉ hướng đến mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách, mà còn mong muốn được giới thiệu các giá trị truyền thống của địa phương đến đông đảo người dân.

Tăng cường dịch vụ, khuyến mãi

Tết cũng là dịp để các khu, điểm du lịch tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu thu hút khách. Qua khảo sát một số khu, điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều có chương trình khuyến mãi như tăng cường sản phẩm, dịch vụ; miễn, giảm vé vào cổng...

Trải nghiệm tết truyền thống tại Vinwonders Nam Hội An. Ảnh: V.P

Tại Vinwonders Nam Hội An (Thăng Bình), nhiều chương trình hấp dẫn đã được tung ra dịp này như “Sắc màu phương Đông” với không gian Tết Nguyên đán thú vị, các hoạt động văn hóa cổ truyền; Hội chợ xuân 3 miền, trò chơi dân gian tết…

Ngoài ra, tham quan Vinwonders Nam Hội An dịp này, du khách còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống như ẩm thực gánh; mâm cơm gia đình hương vị tết 3 miền; ẩm thực buffet tết… Đặc biệt, chương trình giảm giá dành cho các gói dịch vụ tại Vinwonders Nam Hội An (vé vào cổng, ẩm thực…) cũng sẽ được triển khai đồng loạt trong những ngày này.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam dự đoán, Tết Nguyên đán năm nay, khách tham quan Quảng Nam sẽ có sự gia tăng đáng kể, nhất là những thị trường khách Đông Á và có nguồn gốc Trung Hoa (Đài Loan, Hồng Kông, Singapore…).

Vì vậy, các khu, điểm du lịch không chỉ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu điểm đến mà còn tăng cường các sản phẩm, dịch vụ mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương nhằm tạo sự khác biệt.

“Khách nước ngoài rất thích được trải nghiệm không gian tết truyền thống Việt Nam, Quảng Nam. Do đó, tết sẽ là cơ hội tốt để thu hút khách đến Quảng Nam. Riêng với doanh nghiệp tôi, tết năm nay đón khoảng 20 đoàn khách du xuân về miền Trung và Quảng Nam, chủ yếu đến từ Malaysia và Philipine; đây là những thị trường có đông đảo người dân gốc Hoa sinh sống” - ông Thủy chia sẻ.

Xu hướng du lịch “net zero”

Những gì các chuyến du lịch gây ra cho môi trường đang gióng lên một hồi chuông lớn, nếu chúng ta không thay đổi. Và “net zero tour” ra đời như một xu hướng du lịch có trách nhiệm...

“Sống chậm qua mỗi chuyến đi”

“Mình muốn hướng đến một sản phẩm du lịch mà ở đó, mọi người đều có trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên. Mình muốn tiên phong”, chị Nguyên Anh - CEO của Công ty CP Du lịch iVietnam mở đầu câu chuyện.

Hành trình với xe đạp luôn là những chuyến đi tham quan hòa mình với thiên nhiên.

Đầu năm 2024, Nguyên Anh - 34 tuổi, bắt đầu với dự án tour du lịch “net zero”. Trên trang TripAdvisor, nền tảng du lịch lớn nhất thế giới, rất nhiều nhận xét tích cực về “net zero tour”.

“Net zero tour” là một khái niệm mới liên quan đến việc tổ chức các chuyến du lịch, trong đó, mọi hoạt động từ vận chuyển, lưu trú, ăn uống và các hoạt động khác đều được thực hiện với mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon đưa ra môi trường.

“Chúng tôi mang đến cho khách hàng sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt với những trải nghiệm xanh, gắn liền với thông điệp bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa và có ý nghĩa quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu”, CEO iVietnam cho hay.

Du lịch phát triển bền vững, tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Đây được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Chị Nguyên Anh muốn khi tổ chức tour sẽ tính toán được chính xác lượng khí thải mà chuyến đi tạo ra. Cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách áp dụng các biện pháp chuyển đổi du lịch bền vững. Bù đắp lượng khí thải carbon bằng việc trồng thêm cây xanh, hỗ trợ các dự án lâm nghiệp. Trước mỗi hành trình tour, iVietnam sẽ tính toán, cắt giảm, bù đắp cho phù hợp với chương trình.

Tham gia một ngày du lịch net zero ở Huế của iVietnam, bạn sẽ bắt đầu hành trình bằng phương tiện chuyển đổi xanh, như xe ô tô điện tiết kiệm năng lượng và xe đạp thân thiện với môi trường, sử dụng chai thủy tinh thay cho chai nhựa, sử dụng túi vải thay cho túi ni lông.

Hoạt động cuối hành trình tour là chèo thuyền sup ngắm hoàng hôn, kết hợp với hoạt động vớt rác bảo vệ nguồn nước sông Hương. Trong bữa ăn thực dưỡng, du khách ưu tiên sử dụng thực phẩm địa phương và cân đối lượng vừa đủ.

IVietnam đang hướng đến những tour du lịch về với cộng đồng vùng cao, ở đó, những cư dân bản địa sẽ được hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế. Chị Nguyên Anh nhìn thấy vài thế mạnh ở các vùng Nam Đông, A Lưới về môi trường, nông sản, hay cảnh quan.

Tour du lịch xanh sẽ có giá cao hơn 10-15% so với tour truyền thống. Dù vậy, vẫn có những tệp khách hàng yêu thích và họ sẵn sàng thêm tiền để được đi.

“Mỗi chuyến đi chúng tôi sẽ tổ chức trồng cây cùng với người dân bản địa, với các loài cây hữu ích. Những cây đó lớn lên, và sau này du khách có dịp trở lại, họ sẽ thấy cây phát triển và họ cảm thấy ý nghĩa vì đã góp một phần cho môi trường” - người đứng đầu iVietnam nói.

Thay đổi để môi trường tốt hơn

Trung bình mỗi khách du lịch lưu trú thải ra lượng rác khoảng 1,2kg/ngày đêm; 0,5kg/ngày là với khách không lưu trú. Năm 2019, ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển, đảo lên tới hơn 230 nghìn tấn. Đó là thống kê từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR), một con số khủng khiếp để lại mỗi nơi có dấu chân du khách đi qua.

Du khách đến với Rú Chá, TP.Huế được khuyến nghị không xả rác thải.

Theo ước tính từ các nghiên cứu của Bộ TN&MT, ngành du lịch chiếm khoảng 8-10% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, đe dọa sự bền vững của ngành du lịch trong tương lai. Chuyển đổi xanh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, và di sản của Việt Nam. Các tài nguyên này không chỉ là nền tảng cho sự phát triển của du lịch mà còn là di sản quý báu cần được bảo vệ cho các thế hệ tương lai.

Xu hướng du lịch có trách nhiệm cũng rõ nét hơn trong giai đoạn tới. Theo đó, phát triển du lịch xanh gắn kết chặt chẽ với bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững. Ở mức độ cao hơn, du lịch net zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch.

Một số giải pháp nhằm hướng tới phương thức du lịch xanh, bền vững cũng được các chuyên gia đưa ra. Đa số đồng tình rằng cần xác định dấu chân carbon trong ngành du lịch để có chính sách, biện pháp phù hợp, giảm phát thải khí nhà kính. Có biện pháp bù trừ phát thải thông qua trồng rừng tại nơi phù hợp hoặc hỗ trợ cho các dự án trồng rừng. Sử dụng năng lượng tái tạo cho các hoạt động văn phòng, đi lại, cắm trại. Tăng phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch bền vững và nhấn mạnh vào văn hóa địa phương và lợi ích cộng đồng.

Đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đưa ra ví dụ, Hội An, Quảng Nam với mô hình “thành phố không rác thải nhựa”, các khách sạn và nhà hàng đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa dùng một lần và thay thế bằng các vật liệu có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học. Tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái ở Hội An và Cù Lao Chàm, nhiều cơ sở lưu trú đã đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện năng cho hoạt động của mình, giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Ngoài ra, những sáng kiến về quản lý tài nguyên nước, như hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa, cũng được triển khai, giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Những công nghệ được áp dụng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà sẽ thu hút thêm nhiều du khách có ý thức về bảo vệ môi trường đến với khu vực.

Nội dung: QUỐC TUẤN - NGUYÊN ĐỨC - VĨNH LỘC - NGUYỄN AN ĐIỀN

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kể chuyện từ chuyến du xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO