Giá trị du lịch xanh mà ngành du lịch Quảng Nam xây dựng được nhận định bước đầu đã tạo được nền tảng, vì vậy cần có cơ chế tiếp sức để tạo động lực cho các cơ sở dịch vu du lịch và cộng đồng.
Vượt qua mức độ thí điểm
Với 7 đơn vị được trao chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam vào cuối năm 2024, tổng số điểm đến, doanh nghiệp được trao chứng nhận này trên địa bàn tỉnh đã nâng lên con số 32 kể từ đợt trao đầu tiên vào năm 2022.
Sau 3 năm vận hành, thẩm định, đánh giá, có thể thấy đây vẫn là con số rất khiêm tốn so với con số hơn 1.000 doanh nghiệp, điểm đến ở Quảng Nam.
Đáng chú ý, đến nay vẫn chưa có điểm du lịch dựa vào cộng đồng nào trên địa bàn tỉnh được trao chứng nhận xanh trong lĩnh vực này. Các đơn vị, doanh nghiệp được trao chứng nhận chủ yếu tập trung tại Hội An, còn lại chỉ có một vài resort cao cấp ở Điện Bàn, Thăng Bình… đạt được chứng nhận.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở việc các đơn vị du lịch ngoài TP.Hội An chưa có nguồn khách thường xuyên, chưa có động lực và thiếu nguồn lực để hướng đến sự chuyển đổi. Theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam đến năm 2030, phấn đấu “xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch xanh, bền vững” với thời gian thực hiện vào năm 2025.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói: “Bộ chứng nhận xanh Quảng Nam ra đời bước đầu tạo được tiếng vang nhưng vẫn ở mức độ thí điểm. Do đó tỉnh cần đánh giá lại bộ chứng nhận xanh này và HĐND tỉnh nên nghiên cứu có đề án tạo nguồn lực để lan tỏa chứ hiện nay không có chính sách, nguồn lực thì rất khó để Sở VH-TT&DL triển khai”.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương nhận định, du lịch Quảng Nam đã gây dựng được một số dòng sản phẩm xanh rõ nét và bán được với giá thành cao, được công nhận với một số giải thưởng quốc tế uy tín, điều mà rất ít địa phương khác có được. Định hướng du lịch xanh mà tỉnh đang theo đuổi rất bền vững, đã bước đầu có nền tảng vững để tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Tạo thị trường cho sản phẩm xanh
Ông Phan Xuân Thanh cho rằng ngành du lịch Quảng Nam đã phát triển đủ lâu và thiết lập được nền tảng ở một mức độ nhất định nên cần có định hướng phát triển cụ thể về chiều sâu chứ không nên chỉ định hướng chung chung.
Du lịch xanh cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành. Nếu các ngành khác không xanh thì du lịch sẽ không thể xanh được. Du lịch chỉ nương tựa vào các giá trị của ngành khác như nông nghiệp, văn hóa… để phát triển.
“Thực ra một bộ phận doanh nghiệp “sốt ruột” vì chuyển đổi theo xu hướng xanh chưa mang lại lợi ích tức thì là bình thường bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Điều cần lúc này là sự đầu tư thích đáng cho các giá trị mà du lịch Quảng Nam đã gây dựng.
Chúng ta phải tìm cách bán sản phẩm này rộng rãi ở phạm vi quốc tế bằng cách xây dựng thị trường cho du lịch xanh. Cần sớm tiên phong tổ chức định kỳ hội chợ du lịch xanh tại Quảng Nam, từ đó gắn liền thương hiệu hội chợ này với Quảng Nam. Để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước muốn tìm sản phẩm du lịch xanh thì phải hội tụ về Quảng Nam” - ông Nguyễn Sơn Thủy đề xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cho biết, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh trong một số loại hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc cập nhật, sửa đổi một số tiêu chí để sát với thực tiễn vận hành của du lịch địa phương thì bộ tiêu chí lần này có thêm Bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho cơ sở dịch vụ ăn uống, đây là lĩnh vực có phạm vi rộng, rất quan trọng trong định hướng phát triển xanh của du lịch Quảng Nam.
“Những thành tựu vừa qua cho thấy, du lịch đang đi đúng hướng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Nam. Cơ quan chức năng cần sớm tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, tham mưu chính sách cụ thể để tỉnh ban hành các đề án, chính sách nhằm đồng hành, tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch và ngành du lịch địa phương” - ông Phan Thái Bình nói.