Quảng Nam đã bước đầu định vị được thương hiệu du lịch xanh nhưng để tạo ra hiệu quả lớn và lan tỏa sâu rộng vẫn còn chặng đường dài phía trước. Đây là nhận định chung của đại biểu tham dự hội thảo chuyên gia mô hình điểm du lịch xanh Quảng Nam diễn ra tại TP.Hội An hôm qua 15/8.
Nhiều thách thức
Là trung tâm du lịch của Quảng Nam, vài năm qua TP.Hội An tiên phong trong việc thúc đẩy du lịch xanh theo định hướng của tỉnh.
Thực tế cũng có đến 21/25 đơn vị, doanh nghiệp, điểm đến trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận du lịch theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam nằm trên địa bàn TP.Hội An. Tuy nhiên, hành trình phát triển du lịch xanh ở Hội An vẫn gặp rất nhiều thách thức.
Theo lãnh đạo UBND TP.Hội An, trên thực tế, chưa có hiệu ứng quảng bá đối với các đơn vị được Quảng Nam công nhận là đơn vị xanh để từ đó thúc đẩy, tạo động lực cho các đơn vị du lịch khác tham gia thực hành du lịch xanh.
Trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực làm việc và mong muốn tối ưu hóa lợi nhuận của một số cơ sở kinh doanh, đặc biệt ngành kinh doanh ăn uống giải khát cũng là nguyên nhân khiến các cơ sở này sử dụng và xả thải ra môi trường rất nhiều đồ nhựa dùng một lần.
So với giai đoạn đầu của phát triển du lịch, thị trường khách đến Hội An có nhiều thay đổi; đã xuất hiện rất nhiều du khách đến từ thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hành du lịch xanh của Hội An.
Qua đánh giá sơ bộ việc triển khai bộ tiêu chí du lịch xanh, sự tham gia của các doanh nghiệp và các khu/điểm du lịch tại địa phương còn khiêm tốn do lợi ích tham gia chưa rõ ràng, hiểu biết về phát triển bền vững còn hạn chế. Đồng thời cũng thiếu cơ chế, chính sách và nguồn lực để xây dựng đội ngũ cũng như đãi ngộ cho các nhóm hỗ trợ triển khai và nhóm đánh giá viên.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, kết quả phát triển du lịch xanh vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tiêu chí xanh quốc tế và mong muốn của doanh nghiệp, người dân, du khách.
Chặng đường phát triển du lịch xanh vẫn còn lắm gian nan trong bối cảnh chung về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, sự đồng bộ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về tiêu chuẩn tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế, chính sách.
Cần tiếp sức
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cùng chung nhận định, du lịch xanh lan tỏa sâu rộng cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi đối với các dự án/cơ sở đầu tư mới hoặc chuyển đổi, thực hành du lịch xanh, có sản phẩm du lịch xanh được lan tỏa, khả năng nhân rộng cao trong các lĩnh vực: thuế, đất đai, vốn vay…
Bên cạnh đó cần phải kết nối, liên kết, hình thành chuỗi cung ứng du lịch xanh và có cơ chế hỗ trợ du khách khi sử dụng các dịch vụ của chuỗi cung ứng này.
Nhanh chóng kết nối với các tổ chức quốc tế độc lập, có uy tín về thẩm định, cấp chứng chỉ xanh để thừa nhận, công nhận Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Từ đó nâng cao hiệu quả quảng bá cho các đơn vị được công nhận, thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở chưa được công nhận. Đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực thẩm định đánh giá, cơ sở kinh doanh doanh theo chuẩn quốc tế để chủ động, chất lượng trong việc thẩm định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP), Quảng Nam cần có động thái mạnh mẽ hơn nữa trong việc tiếp cận với du lịch xanh.
Theo đó, có thể thể hiện trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ sắp tới. Từ đó du lịch xanh sẽ có cơ hội định vị cho du lịch Quảng Nam một chỗ đứng tốt hơn nữa trên bản đồ du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Công ty TNHH Clickable Việt Nam, chuyên gia tư vấn chứng nhận du lịch bền vững cho rằng, Quảng Nam cần tập trung xây dựng điểm đến bền vững dựa trên các tiêu chuẩn du lịch bền vững được quốc tế công nhận.
Đồng thời làm việc với các tổ chức chứng nhận bền vững uy tín để đánh giá quy trình quản lý cũng như các tác động của du lịch, giúp điểm đến có thể lên kế hoạch phát triển du lịch bền vững một cách hệ thống.
“Bản chất của chứng nhận là chứng thực của bên thứ ba, thường qua kiểm toán/đánh giá độc lập đối với hệ thống, dịch vụ hoặc sản phẩm theo các tiêu chuẩn hoặc chương trình được quốc gia và quốc tế công nhận. Cần xác định được các cơ quan hoặc đối tác độc lập, có năng lực và minh bạch để triển khai thực hiện quy trình đánh giá” - bà Trang nhận định.