Góc suy ngẫm

Kế sách cho… nước sạch

Nguyễn Điện Nam 01/12/2024 07:44

Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết có 14/17 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch. Trong 3 chỉ tiêu dự kiến không đạt thì có chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch. Vì sao việc sử dụng nước sạch - một nhu cầu thiết yếu lại chưa đáp ứng? Kế sách đầu tư cho nước sạch bị nghẽn ở đâu?...

Phân tích và giải thích chỉ tiêu sử dụng nước sạch mới đạt 84% dân số đô thị (kế hoạch là 85%), báo cáo vừa nêu đã chỉ ra nguyên do là một số đô thị mới được công nhận như Hương An, Tân Bình, 4 phường vùng Đông thị xã Điện Bàn nên dân số các khu vực đô thị tăng, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước tại các khu vực này chưa kịp thời.

Ngoài ra, khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư theo Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Như thế có thể nói vắn tắt là nhu cầu phát sinh mà công trình nước sạch chưa đáp ứng. Chuyện này ngẫm ra cũng hơi lạ vì khi chuẩn bị điều kiện để từ xã lên phường, được công nhận đô thị thì lẽ ra phải soát xét trước cả hạ tầng “điện đường trường trạm” và dĩ nhiên tiêu chuẩn sử dụng nước sạch phải tính đầu tư sớm.

Nếu phân tích về kế sách đầu tư, có lẽ cũng không chỉ vin vào việc thu hút nhà đầu tư khó khăn bây giờ từ Nghị quyết 30/2021/NQ-HĐND.

Bởi trước nghị quyết này, vấn đề đầu tư cho công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh đã đặt ra cả chục năm. Chẳng hạn, từ năm 2015, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 180/2015/NQ-HĐND về “cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung giai đoạn 2016-2020”.

Trong đó, có hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư dự án cung cấp nước sạch đối với khu vực đô thị (các phường, thị trấn) và khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đối với vùng cấp nước như Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An.

Trước đó nữa, một kế hoạch với nhiều tham vọng cũng đặt ra với tầm nhìn định hướng đến năm 2025, đảm bảo 100% số dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo QCVN số 02/2009, với lượng bình quân tối thiểu 120 lít/người/ngày đối với nông thôn và 150 lít/người/ngày đối với đô thị.

Nay chỉ còn hơn 1 tháng nữa bước qua năm 2025 rồi mà chỉ tiêu ở mức 84%, thì muốn được như tỷ lệ mong muốn đến 100%, ắt hẳn năm tới càng khó giải quyết xong cái nợ đầu tư nước sạch nếu không quyết tâm cao (!)

Để nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch với đô thị còn khó thì với dân nông thôn sẽ còn là vấn đề. Một khảo sát điều tra cho biết tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế vẫn còn khá thấp (khoảng 53,3%); trong khi đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư nước sạch về khu vực nông thôn còn rất nhiều khó khăn.

Ở chỗ này cũng cần phân tích là con số theo báo cáo đến hiện tại có 95,9% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Mà “hợp vệ sinh” nghĩa là chỉ mới sạch… sơ sơ chứ chưa phải là “nước sạch” theo quy chuẩn.

Thực tế Quảng Nam đã chú trọng đầu tư công trình nước sạch, nay đã có chừng 554 công trình cấp nước sạch tập trung và được giao cho các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… quản lý, vận hành.

Tuy nhiên hiện có tới 147 công trình hoạt động kém hiệu quả và 81 công trình không hoạt động. Vậy thì cùng với việc tính toán xây dựng mới, nên có giải pháp với số công trình kém hiệu quả và ngừng hoạt động.

Quảng Nam phấn đấu đẩy tốc độ đô thị hóa lên cao, thì việc lo nước sạch cho dân từ nông thôn lên phố càng bức bách. Nhưng không vì muốn nóng vội bỏ xã lên phường mà còn treo giữa đường câu hỏi “nước sạch em tìm mô ra” (!?)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kế sách cho… nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO