(QNO) - Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ngày 28/3 làm rung chuyển Myanmar và nhiều nơi ở khu vực châu Á khiến người ta không khỏi nhắc đến khả năng chống chịu đáng kinh ngạc của các công trình kiến trúc hiện đại, tiêu biểu là Taipei 101 – tòa nhà cao nhất Đài Loan (Trung Quốc).
Tòa tháp chọc trời này từng khiến cả thế giới trầm trồ khi đứng vững trước trận động đất 7,4 độ vào đầu tháng 4/2024, được xem là cơn địa chấn mạnh nhất tại Đài Loan trong 25 năm qua. Vậy điều gì đã giúp Taipei 101 trụ vững một cách kỳ diệu?
Với chiều cao 508 mét và 101 tầng, Taipei 101 từng giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới từ khi hoàn thành năm 2004 cho đến năm 2009 - trước khi bị Burj Khalifa ở Dubai vượt qua. Tuy nhiên, danh tiếng của nó không chỉ nằm ở độ cao mà còn ở khả năng chống chịu thiên tai vượt trội.
Bí mật nằm ở một quả cầu thép khổng lồ nặng 660 tấn, được đặt giữa tầng 87 và 92 của tòa nhà.
Quả cầu này có đường kính 5,5 mét, được chế tạo từ 41 lớp thép dày 12,5cm và treo bằng 92 sợi cáp dài 42 mét, hoạt động như một bộ giảm chấn khối lượng. Khi động đất hoặc bão lớn xảy ra – như trận động đất 7,4 độ năm 2024 hay những rung chấn từ xa từ trận động đất Myanmar vừa xảy ra – quả cầu sẽ đung đưa ngược chiều với chuyển động của tòa nhà. Cơ chế này giúp hấp thụ lực tác động, giảm tới 40% độ rung lắc, đồng thời chuyển đổi động năng thành nhiệt năng thông qua các xi lanh thủy lực, đảm bảo sự ổn định cho toàn bộ công trình.
Không chỉ có bộ giảm chấn độc đáo, Taipei 101 còn được xây dựng trên một hệ thống móng vững chắc với 380 cọc bê tông cắm sâu vào lòng đất, trong đó cọc sâu nhất dài 30 mét đâm vào lớp đá cứng. Thiết kế này giúp tòa nhà như một chiếc đinh khổng lồ, bám chặt vào nền địa chất, đủ sức chống chọi với các thảm họa tự nhiên trong thời gian dài.