Kinh tế

Khai thác bền vững không gian biển

QUỐC TUẤN - HỒ QUÂN - QUANG VIỆT 09/06/2024 06:23

(QNO) - Chủ đề trọng tâm của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”. Kết hợp khai thác và bảo vệ không gian biển một cách cân nhắc và có trách nhiệm, đảm bảo rằng tài nguyên quý báu này được sử dụng hiệu quả và bền vững cho cả môi trường và con người được đặt ra.

b6.jpeg

Tại Quảng Nam, hơn 125km đường bờ biển đang được tính toán khai thác hợp lý để không gian biển trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhìn ra biển

Quy hoạch không gian biển không chỉ tập trung vào việc phát triển kinh tế mà còn quan tâm đến bảo vệ môi trường và các lợi ích xã hội. Quảng Nam đã thiết lập các hành lang bảo vệ bờ biển, tổ chức lại không gian biển theo quy hoạch được xác lập.

b1.jpeg
Lãng phí không gian biển với nhiều dự án "treo" là cảnh tượng thường thấy dọc dải bờ biển Quảng Nam. Ảnh: Q.T

Động lực kinh tế ven biển

Nhận thức tầm quan trọng của không gian biển, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định vùng Đông gồm các thành phố, thị xã, huyện đồng bằng ven biển là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.

Trong ba hành lang phát triển của tỉnh, có thể nói hành lang động lực kinh tế ven biển (từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển) đang ở vị trí then chốt. Việc tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai sẽ tạo đột phá cho sự phát triển nhanh, bền vững của Quảng Nam trong giai đoạn tới.

Dựa vào đặc trưng tự nhiên, có thể thấy không gian biển Quảng Nam chia thành 2 khu vực khá rõ nét với ranh giới tự nhiên là sông Thu Bồn. Trong đó, vùng bờ biển phía Bắc sông Thu Bồn (thị xã Điện Bàn và TP.Hội An) tiếp cận với tiến trình phát triển sớm hơn qua đó tạo ra giá trị gia tăng cao nhưng cũng để lại không ít hệ lụy.

BIEN 1
Du lịch biển Quảng Nam chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Ảnh: H.Q

Chưa tương xứng tiềm năng

Vệt 15km bờ biển của Điện Bàn và Hội An sớm lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư từ hơn 20 năm trước, do ở khu vực giáp ranh với vùng đô thị phát triển sôi động của miền Trung. Bên cạnh mặt tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, “làn sóng” đầu tư này cũng mang đến nhiều bất cập, tồn tại hệ lụy đến ngày nay.

Sau hàng chục năm, bên cạnh một vài dự án bị thu hồi ở dải bờ biển từ Điện Ngọc (Điện Bàn) đến Cửa Đại (Hội An) vẫn còn khá nhiều dự án dang dở hoặc “nằm trên giấy”. Việc các dự án du lịch triển khai ngay sát bờ biển được các chuyên gia nhận định là nguyên nhân đáng kể gây nên tình trạng xói lở bờ biển dai dẳng hàng chục năm nay ở Hội An. Chưa nói các dự án “treo” khiến đời sống dân cư vệt ven biển gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là hiện cả khu vực này chưa có một công viên ven biển đúng nghĩa dù được quy hoạch khá nhiều dự án ở cả khu vực công và tư.

Ở vùng bờ biển phía Nam sông Thu Bồn, nhờ đặc thù quỹ đất thuận lợi xây dựng lớn, hiện trạng còn nguyên sơ, mức độ ảnh hưởng đến người dân và đền bù, giải phóng mặt bằng ít, tương đối thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nên những năm qua đã thu hút được 2 dự án du lịch quy mô rất lớn là Hoiana và Vinpearl Nam Hội An cùng với đó tiếp tục mở rộng, nâng cấp hạ tầng quy mô sản xuất ở các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai.

BIEN 6
Việc phát triển không gian ven biển Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: H.Q

Nhận định từ Sở Xây dựng, thực trạng phát triển không gian ven biển Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Tất cả đô thị ven biển trong quá trình quy hoạch đều xác định tính chất và chức năng quan trọng là dịch vụ du lịch. Trong đó, có sự chuyên biệt tùy vào từng đặc trưng, thế mạnh của từng vùng. Đối với các khu vực phát triển mới, đảm bảo quỹ đất dành cho các không gian cộng đồng, bãi tắm công cộng; tổ chức các quảng trường biển là các trung tâm cộng đồng lớn tại các đô thị (Điện Bàn, Hội An, Duy Hải - Duy Nghĩa, Bình Minh, Tam Kỳ, Tam Tiến...). Tổ chức không gian xen kẽ các khu vực bảo tồn cảnh quan tự nhiên, mật độ xây dựng hợp lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

Tổ chức lại không gian kinh tế biển

b3.jpg
Cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng liên kết vùng ven biển với biển để thực sự tiến về phía biển. Ảnh: Q.T

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam nhận định, khi Quảng Nam xác định vùng ven biển là động lực cho sự phát triển của tỉnh thì không thể chỉ loanh quanh ở khu vực ven bờ.

Chúng ta cần hình thành và thay đổi tư duy về đô thị ven biển. Cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng liên kết vùng ven biển với biển để thực sự tiến về phía biển.

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bản quy hoạch này xác định tập trung phát triển các khu vực ven biển thuộc các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước.

Theo đó, các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực, quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô - phụ trợ ngành cơ khí; phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển; xây dựng trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Hội An cũng được hoạch định phát triển trở thành trung tâm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực, quốc tế, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với định hướng phát triển kinh tế đêm.

CHU LAI
Khu Kinh tế mở Chu Lai là “hạt nhân” quyết định thành bại trong việc tổ chức, sử dụng không gian biển Quảng Nam. Ảnh: H.Q

Khu Kinh tế mở Chu Lai với diện tích lên đến hơn 27 nghìn hecta trải dài trên địa bàn 3 huyện, thành phố được xem là “hạt nhân” quyết định thành bại trong việc tổ chức, sử dụng không gian biển Quảng Nam. Với “tổ hợp” khu phi thuế quan; các khu công nghiệp; khu cảng và logistics; khu du lịch - dịch vụ tập trung; trung tâm đào tạo, nghiên cứu; khu đô thị… cộng với các khu dân cư nông thôn được giữ lại, cải tạo nâng cấp gắn với phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một khi được cụ thể hóa sẽ giúp khoảng một nửa khu vực đường bờ biển của tỉnh tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, cùng với khu kinh tế này, là hình thành không gian phát triển du lịch ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình kết nối không gian du lịch Hội An trên cơ sở phát huy các giá trị tự nhiên sông - biển. Xây dựng các trung tâm hội thảo, hội nghị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp, các công trình thể thao tiêu chuẩn Olympic.

Để phát triển bền vững không gian biển, trong quá trình làm quy hoạch và thực thi quy hoạch cần cứ liệu đầy đủ, chuẩn xác về không gian vùng biển. Trong đó, yêu cầu quy hoạch biển phải đi trước, tăng cường sức chống chịu của hạ tầng và các dịch vụ công cộng ven biển trước thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Điều tiên quyết, các quyết định phát triển cần dựa trên nguyên lý “thuận thiên".

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

[VIDEO] - Tiềm năng từ biển của Quảng Nam:

Giữ bản sắc làng biển

Không gian làng biển với bao giá trị văn hóa bị thu hẹp, bào mòn nếu không hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.

b4.jpg
Không gian làng biển với cảnh bán mua hải sản nơi chân sóng ắp đầy bao giá trị văn hóa. Ảnh: Q.VIỆT
BIEN 5
Nguồn hải sản phong phú. Ảnh: H.Q
BIEN 2
Biển là sinh kế của hàng nghìn người dân. Ảnh: H.Q
BIEN 4
Miền biển vào mùa khai thác chính. Ảnh: H.Q

Thu hẹp không gian văn hóa

Phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Người dân Điện Dương cũng không còn mặn mà đánh bắt hải sản mà chủ yếu chuyển sang các nghề du lịch, dịch vụ, thương mại. Như lẽ tất yếu, các lệ hội cầu ngư với các loại hình hát múa bả trạo, đua thuyền không còn diễn ra thường xuyên.

Từ Điện Dương đến Cẩm An rồi Cửa Đại (TP.Hội An), đô thị biển với các nhà cao tầng, resort, khu dịch vụ mọc lên như nấm sau mưa. Ở đây có 2 mặt, hạ tầng khu vực ven biển được đầu tư đồng bộ hơn khiến diện mạo mới và phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại của vùng đất khởi sắc hơn. Mặt khác, các phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân ven biển cũng sẽ mai một.

Ông Trần Văn Siêm - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, do xâm thực biển, xói lở diễn ra ngày một gay gắt hơn nên người dân các thôn Tây Sơn Đông, Trung Phường bắt buộc phải đi tìm nơi ở mới. Không gian làng biển hẹp lại. Cộng đồng ngư dân trước đây vốn quen với sinh hoạt, phong tục, tập quán của nghề biển ở làng cũ khi chuyển đi nơi khác, làm nghề khác chắc hẳn văn hóa làng biển sẽ không còn.

Người dân ven biển bỏ nghề chài lưới để tìm những công việc mới khiến cho các giá trị văn hóa làng biển đứng trước nguy cơ bị đánh mất. Còn cộng đồng cư dân ven biển tức là còn di sản văn hóa biển. Cộng đồng cư dân ven biển dần xa rời giá trị truyền thống của cha ông là tiếc nuối rất lớn.

Ông Trần Văn Siêm - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên)

Thách thức bảo tồn

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho rằng, ngư dân còn sống trong không gian làng biển thì văn hóa biển sẽ tiếp tục được trao truyền qua từng thế hệ. Các đặc trưng về lối sống, tín ngưỡng, tập quán, phong tục riêng có của cộng đồng cư dân theo thời gian còn được đắp bồi, tiếp biến, cộng hưởng với các giá trị văn hóa khác, sẽ còn giàu đẹp hơn.

Ông Hùng cho rằng, trong quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ ven biển, các cơ quan Nhà nước cần tính toán giữ lại không gian làng biển để cộng đồng cư dân còn gắn bó bám giữ lấy nghề biển.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong quy hoạch, phát triển kinh tế biển, nhất thiết phải nhắc nhớ lấy việc gìn giữ, bảo lưu các giá trị nhân văn nơi làng biển. Nếu bỏ qua, tất yếu sẽ khiến cho các làng biển bị biến dạng về cảnh quan, không gian truyền thống, nhất là mất đi những giá trị hồn cốt văn hóa của cha ông.

Tại TP. Hội An, cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động để bảo tồn không gian văn hóa làng biển. Chợ phiên làng chài Tân Thành (phường Cẩm An) với nhiều trải nghiệm dành cho du khách, cũng là một trong những hình thức bảo tồn văn hóa biển trước nhiều thách thức.

Ở các xã Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình), cùng với triển khai xây dựng các dự án du lịch, dịch vụ lớn là hàng nghìn héc ta đất bị thu hồi. Các khoảnh chợ mua bán hải sản diễn ra nơi mép sóng của làng cũng không còn nữa. Văn hóa “bán rẻ một chút để người mua còn mang đi bán lại kiếm chút đỉnh lời” của cộng đồng cư dân ven biển rồi sẽ không còn nữa.

[VIDEO] - Hát bả trạo - nét văn hóa đặc trưng của làng biển xứ Quảng được ngư dân gìn giữ, phát huy:

Khai thác tài nguyên du lịch biển

b7.jpg
Du lịch biển Quảng Nam chưa có hệ thống sản phẩm phong phú, đa dạng. Ảnh: Q.T

Du lịch biển… trên bờ

Sau nhiều năm phát triển, dải bờ biển từ Điện Bàn vào đến Núi Thành đã hình thành được nhiều khu lưu trú - nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Four Season The Nam Hai, Hoiana, Vinpearl Resort & Golf Nam Hoi An, TUI Blue Nam Hoi An…

Dù vậy thương hiệu du lịch biển Quảng Nam mới chỉ dừng ở… trên bờ bởi hầu như vắng bóng các loại hình du lịch - giải trí nương vào không gian biển và ven bờ.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, du lịch biển Quảng Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung ở TP.Hội An. Các sản phẩm du lịch chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. Sự phối hợp giữa các ngành trong việc xây dựng chính sách phát triển du lịch biển cũng còn thiếu chặt chẽ, trong khi đó, hoạt động phát triển du lịch biển của cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát, thiếu liên kết, manh mún.

Không thể mãi thuần túy sản phẩm lưu trú cho du lịch biển mà cần kêu gọi xúc tiến đầu tư hệ thống sản phẩm dựa trên 3 trụ cột văn hóa - thiên nhiên - con người, vốn là một lợi thế của Quảng Nam. Hội An là một trong 12 điểm đến trọng điểm được Bộ VH-TT&DL quy hoạch thúc đẩy du lịch đêm với mục tiêu từ nay 2030, Hội An phải trở thành khu phức hợp về sản phẩm du lịch đêm. Chỉ có hướng nhìn về biển thì mới có thể cụ thể hóa được điều này.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An

Nhiều bài học đắt giá về quy hoạch đô thị biển, không gian biển đã diễn ra. Sau khi phân lô cho những khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ lụy là người dân mất đường ra biển, không sử dụng tài nguyên biển một cách thuận lợi và quan trọng hơn - du khách đã bị cắt rời khỏi cộng đồng dân cư.

PGS-TS. Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam

Phát triển du lịch cộng đồng

Tam Thanh (Tam Kỳ) là vùng đất thiên nhiên ưu ái với biển xanh, cát vàng cùng nhiều nét văn hóa làng biển được người dân gìn giữ hàng trăm năm qua. Song, Tam Thanh thực sự nổi lên khi những bức bích họa xuất hiện. Tránh dự án ồ ạt mọc lên để đón khách, chính quyền địa phương sớm có những định hướng về điểm du lịch cộng đồng. Do đó các dự án khách sạn, homestay, nhà hàng… đều xây dựng theo kiến trúc làng chài, hài hòa với tổng thể không gian làng biển Tam Thanh.

TAM THANH
Du lịch biển Tam Thanh. Ảnh: H.Q

Họa sĩ Trần Thị Thu (ở Hà Nội) – người đã có hơn 7 năm gắn bó với các dự án nghệ thuật cộng đồng ở Tam Thanh cho biết, diện mạo làng biển này đang thay đổi nhiều từ du lịch. Và đáng mừng là giá trị đặc trưng làng biển vẫn vẹn nguyên. Cộng đồng – những người trực tiếp hưởng lợi trực tiếp từ du lịch đã nâng cao ý thức gìn giữ môi trường, cảnh quan sinh thái. Minh chứng rõ nhất là việc hoạt động nghệ thuật cộng đồng qua nhiều năm vẫn có sức hút, vẫn luôn được quan tâm, bồi đắp, làm mới nhiều lần. Chính quyền địa phương cũng xem đây là dấu ấn cho định hướng tổng thể về phát triển du lịch biển.

Năm 2023, xã Tam Thanh là một trong 3 địa phương được chọn để thí điểm dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” do UN-Habitat triển khai dưới sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ trong giai đoạn 2021 - 2025.

DU LICH BIEN
Du lịch cộng đồng ở làng biển đang được khai thác hợp lý. Ảnh: H.Q

Trọng tâm của dự án sẽ cải tạo, mở rộng làng bích họa, đầu tư hạ tầng, hình thành các công trình nghệ thuật, không gian sinh hoạt đêm, các hoạt động trải nghiệm trên sông và trên biển. Sau Tam Thanh, các địa phương sở hữu bãi biển đẹp, có giá trị văn hóa làng biển lâu đời cũng chập chững trên hành trình phát triển du lịch cộng đồng, như làng Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình), biển Hà Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành), xã đảo Tam Hải (Núi Thành)....

Thu hút doanh nghiệp động lực đến đầu tư để thúc đẩy du lịch phát triển đang nằm trong kế hoạch tổng thể của các địa phương này. Yêu cầu công tác quy hoạch, quản lý đất đai và đầu tư xây dựng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để tránh phá vỡ cấu trúc làng biển là điều đặt ra.

Quảng Nam nên tính toán quy hoạch các khu nghỉ dưỡng, khách sạn với khu vui chơi, giải trí để cho du khách, đồng thời cũng phục vụ cả nhu cầu của người dân địa phương. Không nên ồ ạt xây dựng các khu biệt thự cao cấp ven biển hay lấy hết quỹ đất giá trị nhất để làm du lịch.

PGS-TS. Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam

Đa dạng hệ sinh thái biển

Với ngư trường rộng 40.000 km2, các nhà khoa học đánh giá, vùng biển Quảng Nam có nguồn tài nguyên sinh vật biển đa dạng với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Nổi bật nhất là khu vực Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) và mũi An Hòa (Núi Thành).

z5260282052305_157cf75c50978614291d087db64184ea.jpg
Độc đáo hệ sinh thái biển. Ảnh: H.Q

Khu vực Cù Lao Chàm có diện tích biển 21.888ha, với 165ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển, 47 loài rong biển, 4 loài cỏ biển, 66 loại thân mềm sống phụ thuộc vào các rạn san hô, 4 loại tôm hùm và khoảng 200 loài cá rạn san hô, 342 loài thực vật có ích…

Khu vực mũi An Hòa cũng có gần 1.000ha thảm cỏ biển, có 2 kiểu rạn san hô chính là kiểu rạn riềm ven các đảo và kiểu rạn nền trên các bãi cạn, đồi ngầm. Cỏ biển phân bố gần 200ha, tập trung khu vực vùng triều ven biển thuộc địa bàn các xã Tam Giang, Tam Hải, Tam Quang.

[VIDEO] - Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm:

Những tiềm năng, lợi thế này sớm được các cấp, ngành quan tâm và có cơ chế ưu tiên để bảo tồn, phát triển. Năm 2003, Quảng Nam trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ TN-MT chọn thí điểm áp dụng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ bằng nguồn ngân sách nhà nước, triển khai tập trung tại TP.Hội An và Núi Thành.

Hiện tại, cùng với khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang hoạt động hiệu quả, các khu vực rạn san hô Tam Hải, rừng dừa nước Tịch Tây (Tam Nghĩa), rạn Bà Đậu Tam Tiến (cùng thuộc Núi Thành); rạn Kỳ Trân Bình Hải (Thăng Bình); cồn rong Duy Hải, bãi giống thủy sản Hồng Triều Duy Nghĩa, rừng dừa nước Trà Nhiêu Duy Vinh (cùng thuộc Duy Xuyên); khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, bãi giống thủy sản Cẩm Kim (Hội An) đang được chính quyền địa phương quan tâm. Diện tích bảo tồn biển trên địa bàn Quảng Nam đã lên hơn 550 km2.

TAM HAI
Rạn san hô ở xã đảo Tam Hải. Ảnh: H.Q

Theo đánh giá của Bộ TN-MT, điểm mấu chốt trong bảo vệ tài nguyên và môi trường biển của Quảng Nam là huy động sự chung tay của cộng đồng. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, mô hình, dự án, nhận thức của người dân đã thay đổi tích cực. Họ đã bắt đầu hành động để bảo vệ “nguồn sống” của chính mình.

Ông Nguyễn Xuân Uy – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) cho biết, Tổ cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản rạn Bà Đậu xã Tam Tiến được UBND huyện Núi Thành giao quản lý 64ha vùng mặt biển. Mục tiêu là bảo vệ hệ sinh thái biển và rạn san hô, hướng tới tái tạo nguồn lợi thủy sản để khai thác bền vững.

“Thời gian qua, tổ cộng đồng này đã thả phao bao quanh khu vực quản lý, bảo vệ. Đồng thời thành lập các tổ nghiệp vụ, nổi bật là tổ tuần tra để kịp thời phát hiện tàu thuyền vi phạm, kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở. Ngoài ra, bảo vệ môi trường biển cũng được tổ cộng đồng ưu tiên, quan tâm thực hiện. Các thành viên viên thường xuyên vận động người dân dọn dẹp vệ sinh bãi biển, khu vực chợ cá Tam Tiến. Tàu thuyền ra khơi đánh bắt được trang bị thùng rác để thu gom rác thải trong sinh hoạt trên biển và mang vào bờ xử lý” – ông Uy cho biết.

MOI TRUOGN BIEN
Cù Lao Chàm bảo vệ sinh môi trường hệ sinh thái biển.Ảnh: H.Q

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, từ năm 2009, Cù Lao Chàm đã phát động phong trào nói không với túi ni lông. Tiếp đó, năm 2018, phong trào chống rác thải nhựa và nhựa sử dụng 1 lần tiếp tục triển khai. Tín hiệu đáng mừng là cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả du khách rất hưởng ứng, tham gia tích cực. Hoạt động dọn rác đáy biển được nhiều doanh nghiệp lồng ghép vào sản phẩm du lịch.

“Hằng tháng, khu bảo tồn cùng các công ty du lịch thu dọn rác thải, nhất là khu vực tổ chức tham quan, lặn biển. Qua hoạt động giám sát rác thải nhựa trên bãi biển và rạn san hô, môi trường biển đang phục hồi tích cực” – ông Vũ cho biết.

[VIDEO] - Người dân xã Tam Tiến (Núi Thành) thường xuyên dọn vệ sinh bờ biển:

Thêm một điểm sáng khác trong ý thức bảo tồn biển gắn với khai thác là người dân đã loại bỏ các các hành vi đánh bắt theo hình thức tận diệt và không đánh bắt các loại hải sản chưa đủ kích thước khai thác hoặc vào mùa sinh sản. Để tiếp tục bảo vệ, phát huy hiệu quả, sử dụng bền vững hệ sinh thái biển, Quảng Nam đang kiến nghị với Bộ TN-MT xin chủ trương về công tác bảo tồn biển ở một số bãi rạn thuộc các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định rõ về chiến lược bảo tồn biển. Theo đó, Quảng Nam sẽ thành lập mới Khu bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn và Khu bảo tồn biển Tam Hải. Đây là định hướng phù hợp, sát với thực tế khi tài nguyên biển 2 khu vực này đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trong đó, Khu bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn đóng vai trò quan trọng, là vùng đệm cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác bền vững không gian biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO