Khám chữa bệnh với thẻ bảo hiểm số

DIỄM LỆ 10/06/2021 06:43

Chỉ cần điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội số (VssID), người dân có thể đi khám chữa bệnh (KCB) mà không cần thẻ BHYT giấy như trước kia. Tiện ích này ngày càng được người dân đón nhận.

Khám chữa bệnh không cần dùng thẻ BHYT giấy được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Ảnh: D.L
Khám chữa bệnh không cần dùng thẻ BHYT giấy được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Ảnh: D.L

Phù hợp cho mọi người

Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, bà Trần Thị Bích (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) lần đầu tiên cầm điện thoại thông minh, quẹt mã QR code của cá nhân trên ứng dụng VssID để KCB. Thủ tục quẹt mã QR code diễn ra trong vài giây, bà Bích cầm số thứ tự đến khu vực khám bệnh được chỉ định.

Bà nói: “Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng ứng dụng VssID. Lúc ở nhà, con cài cho tôi và chỉ cách sử dụng. Điện thoại thông minh giờ ai cũng sử dụng, có cái phần mềm khám bệnh thế này rất hữu ích. Mọi khi dùng thẻ BHYT giấy thì còn kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh, giờ phần mềm có đầy đủ hết, chỉ cần điện thoại là KCB được rồi. Mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng nên tôi rất hài lòng”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện, nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh đến quẹt mã QR code cá nhân trên ứng dụng VssID để KCB. Những người trẻ, tiếp cận với ứng dụng mới nhanh hơn nên sử dụng nhiều hơn.

 

Anh Trần Tiến Sĩ (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết dùng ứng dụng VssID để KCB thực hiện rất tiện lợi. Có thể vì quên thẻ BHYT hay thẻ BHYT bị mờ, rách, mất thì ứng dụng VssID là giải pháp nhanh nhất.

Có VssID, việc KCB trở nên đơn giản hơn, với cả người đi KCB và cơ sở y tế. Điện thoại thông minh ngày càng được người dân sử dụng phổ biến. Thế nên việc KCB bằng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VssID phù hợp với mọi lứa tuổi. Kể cả trẻ nhỏ chưa sử dụng điện thoại cũng có thể được cha mẹ cài đặt phần mềm trên điện thoại của cha mẹ để được KCB.

Cần được ứng dụng phổ biến

Tại các cơ sở KCB BHYT, người dân mới bắt đầu sử dụng ứng dụng VssID, dù ứng dụng này đã được sử dụng thí điểm tại Quảng Nam từ cuối năm 2020. Những người sử dụng điện thoại thông minh để KCB, chủ yếu là những người làm việc trong các cơ quan, trường học đã có tiếp cận và cài đặt ứng dụng. Phần lớn người dân vẫn chưa sử dụng ứng dụng VssID để KCB.

Bà Trương Thị Cẩm Huyên - Điều dưỡng trưởng (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết: “Những người có sử dụng ứng dụng VssID để KCB chủ yếu là cán bộ, công chức, giáo viên được tuyên truyền nên đã cài đặt và sử dụng. Còn người dân khi được hướng dẫn thì họ rất muốn được hỗ trợ cài đặt để sử dụng.

Ngành BHXH cần hướng dẫn người dân cài đặt rộng rãi hơn. Bởi dùng ứng dụng VssID KCB rất thuận lợi cho cả người dân và cơ sở KCB, nhanh chóng, tiện lợi, hạn chế tiếp xúc lâu trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay”.

Người dân sử dụng điện thoại có cài đặt phần mềm VssID đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: D.L
Người dân sử dụng điện thoại có cài đặt phần mềm VssID đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: D.L

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương Tam Kỳ, chưa có trường hợp nào dùng ứng dụng VssID để KCB kể từ ngày 1.6 đến nay. Vì thế đại diện bệnh viện kiến nghị BHXH tỉnh nên có hình thức tuyên truyền phù hợp tại bệnh viện, như dán các áp phích thông báo, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID tại các bệnh viện. Cán bộ y tế của bệnh viện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân để họ sử dụng ứng dụng ngày càng rộng rãi hơn.

Ông Hồ Hữu Đại - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện cho rằng việc sử dụng rộng rãi ứng dụng VssID trong nhân dân sẽ rất thuận tiện, vì người dân nhiều lúc đi KCB quên mang thẻ BHYT hay quên mang giấy tờ tùy thân có ảnh thì có ứng dụng sẽ xử lý được.

Tuy nhiên, ông Đại kiến nghị: “Dùng ứng dụng VssID thì rất tốt cho cả người dân và cơ sở KCB, nhưng giả dụ một trường hợp bệnh nhân A đang điều trị nội trú ở một cơ sở y tế khác, nhưng lại đến bệnh viện chúng tôi để khám bệnh thì không kiểm soát được do họ sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại đi khám, chứ không dùng thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để khám nên khó kiểm soát.

Đến khi quyết toán chi phí KCB BHYT mới phát hiện được người bệnh đi khám trùng, lúc đó sẽ có một cơ sở y tế bị xuất toán. Như thế rất khó cho các cơ sở y tế, lỗi không phải của cơ sở y tế mà của bệnh nhân nhưng bệnh viện lại bị xuất toán. Nên tôi kiến nghị cần thiết kế phần mềm này có thể hiển thị được quá trình KCB của người dân để các cơ sở y tế biết và kiểm soát được”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khám chữa bệnh với thẻ bảo hiểm số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO