(QNO) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn tại cuộc họp về tiến độ phân bổ, giải ngân nguồn kinh phí còn lại thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo, điều phối nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỷ lệ giải ngân thấp
Tại cuộc họp, bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh thông tin, đến hết 12/8, toàn tỉnh giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh năm 2024 (bao gồm 2022 và 2023 kéo dài sang năm 2024) là 272,5 tỷ đồng/1.271 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21%. Trong đó, kết quả giải ngân vốn năm 2022 và 2023 kéo dài sang 2024 là 192 tỷ đồng/528 tỷ đồng, tỷ lệ 36%. Kết quả giải ngân vốn năm 2024 là 80 tỷ đồng/742 tỷ đồng.
Theo bà Lộc, việc sử dụng dự toán nhà nước nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gặp khó khăn, vướng mắc vì hiện nay vẫn còn một số đơn vị, địa phương tiếp tục trình đề nghị điều chỉnh, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn. Cụ thể: Duy Xuyên đề nghị nộp trả 8,2 tỷ đồng; Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đề nghị nộp trả 1,5 tỷ đồng; Hội LHPN tỉnh nộp trả 60 triệu đồng; Tiên Phước đề nghị bổ sung 70 triệu đồng.
Ông Võ Văn Tiến - Trưởng phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh - Đại diện Văn phòng điều phối chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh cho biết, tổng nguồn vốn đã giải ngân là 232,3/1.367 tỷ đồng, đạt 17%.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, do những tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung cho công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán và trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đến quý III và quý IV, các chủ đầu tư cam kết giải ngân đạt từ 85 - 90% nguồn vốn.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, tổng vốn năm 2024 là 784,6 tỷ đồng, trong đó có 439,3 tỷ đồng không thể giải ngân vì thuộc diện điều chỉnh dự toán theo Nghị quyết 111 của Quốc hội; đồng thời, vốn sự nghiệp 331,6 tỷ đồng không thể giải ngân được do không còn đối tượng hoặc không đủ điều kiện giải ngân và nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp.
Đối với chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, theo số liệu báo cáo của địa phương đến ngày 30/7 đã giải ngân vốn năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024 là 44,1/177,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25%. Nguồn vốn năm 2024 từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đã giải ngân được 146,5/632,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,2%.
Nỗ lực tìm kiếm đầu ra ngân sách
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận sơ suất của các đơn vị, địa phương trong quá trình giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG và phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương phải nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho ngân sách để thực hiện các chương trình MTQG được chất lượng và hiệu quả.
Cụ thể, đối với nguồn vốn về chương trình giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH làm việc với các địa phương Tiên Phước, Nam Trà My, Đông Giang để khẩn trương tham mưu kế hoạch giao vốn. Sở LĐ-TB&XH cũng nhanh chóng làm việc với Sở Xây dựng, rà soát nguồn vốn xây nhà giảm nghèo để đề xuất phân bổ nguồn vốn, chậm nhất ngày 23/8 phải có báo cáo gửi UBND tỉnh. Đồng thời, đơn vị này cũng trình ngay kế hoạch phân bổ nguồn cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và Trường Cao đẳng Quảng Nam để thực hiện đúng tiến độ các hạng mục theo kế hoạch.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo quyết toán 3 công trình đã thi công xong và đặt mốc thời gian cho 5 công trình đang lập hồ sơ ở Tây Giang, chậm nhất là 30/8 phải có mã số để triển khai công trình. Đồng thời, đề nghị Ban Dân tộc tỉnh làm việc với các địa phương về nguồn vốn 66 tỷ đồng ở huyện chưa phân bổ, phải báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh vào 23/8 và sau đó 10 ngày phải có kế hoạch phân bổ nguồn vốn này.
Về nguồn vốn chương trình MTQG về nông thôn mới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh lưu ý việc hỗ trợ huyện Tiên Phước hướng dẫn quy trình, các bước cụ thể để địa phương triển khai các hạng mục như kế hoạch đề ra trước đó.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cũng đề nghị Trường Cao đẳng Quảng Nam gấp rút chuẩn bị hồ sơ để lựa chọn nhà thầu, đảm bảo theo đúng quy định, nếu không giải ngân hết nguồn vốn phải chịu trách nhiệm; Sở Tài chính tập trung phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tìm cách phân bổ 97 tỷ đồng trong tổng nguồn sự nghiệp 287 tỷ; đề nghị Kho bạc Nhà nước thường xuyên báo cáo về tiến độ phân bổ nguồn, tiến độ giải ngân các nguồn vốn lên UBND tỉnh.
"Đến thời điểm này, tất cả các đơn vị, địa phương phải nỗ lực thực hiện các hạng mục trong chương trình MTQG cho kịp tiến độ. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phải phân bổ nhân lực xuống từng địa phương để đôn đốc vấn đề giải ngân, theo hình thức chi tiết, cụ thể và thường xuyên có báo cáo gửi UBND tỉnh để nắm tình hình. Bây giờ không đề cập đến vấn đề chuyển trả nguồn vốn nữa, không thể đổ lỗi cho khó khăn, tồn tại mà phải nỗ lực thực hiện" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.