Y tế

Khẩn trương ngăn chặn bệnh bạch hầu

LÊ QUÂN 20/07/2024 11:17

(QNO) - Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn, không để bệnh bạch hầu lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh là yêu cầu đặt ra hiện nay.

e49646ef8d8c28d2719d.jpg
Bắt đầu từ 1/8, chương trình TCMR sẽ bổ sung tiêm thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi. Ảnh: L.Q

Rà soát công tác tiêm chủng

Thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 1/8, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia sẽ bổ sung tiêm thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi.

Cụ thể, trước đây, trong chương trình TCMR, vắc xin có chứa thành phần bạch hầu đã được triển khai tiêm với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi.

Đến nay, căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và theo xu hướng quốc tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024 bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi và bắt đầu triển khai từ ngày 1/8 này.

Như vậy, Việt Nam sẽ triển khai tiêm 5 liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, nhằm tạo miễn dịch lâu dài và cần thiết cho trẻ em trong các độ tuổi quan trọng.

Được biết, việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985. Trên thế giới, tính đến nay đã có hơn 100 quốc gia triển khai tiêm ít nhất 5 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván cho trẻ.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) cho biết, vắc xin phòng bệnh bạch hầu gồm 2 thành phần: chất kháng độc tố bạch hầu, có thể chống lại nhiễm trùng đang hoạt động và độc tố bạch hầu bất hoạt giúp kích thích cơ thể sản sinh kháng thể.

Đặc biệt, có thể kết hợp độc tố bất hoạt của bạch hầu, ho gà, uốn ván trong 1 sản phẩm (DPT) mà tạo ra các phản ứng miễn dịch bảo vệ chống lại cả 3 bệnh. Vắc xin phòng bệnh hiệu quả cùng với chiến dịch tiêm chủng thành công đã đẩy lùi bệnh bạch hầu ở nhiều quốc gia. Tại Mỹ, bệnh bạch hầu gần như hoàn toàn biến mất.

Trên địa bàn Quảng Nam, ngành y tế phối hợp các địa phương thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong TCMR nếu vắc xin được tiêm không đúng lịch. Năm 2023 đến nay, Quảng Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Chủ động phòng bệnh

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu ngành y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát phát hiện bệnh, đặc biệt rà soát về tình hình tiêm chủng vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây.

8df52823e540401e1951.jpg
Từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.Q

Cùng với ngành y tế, ngành giáo dục đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong trường học về các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Các trường học tổ chức theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên và thông báo ngay cho cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý.

Cơ sở y tế cần tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Đối với các địa phương, bên cạnh vận động người dân thực hiện phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng, đặc biệt rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ các vắc xin có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vét.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần thiết phải đảm bảo tất cả trẻ, kể cả trẻ vãng lai trên địa bàn đều được tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới - nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế - để tránh việc trẻ bị mắc bệnh do tiêm vắc xin muộn hoặc không được tiêm vắc xin.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể.

Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đồng thời đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương ngăn chặn bệnh bạch hầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO