Phải chăng, khi sự tiện lợi lên ngôi, giá trị tinh thần của bữa cơm gia đình cũng dần bị lãng quên, đặc biệt với những gia đình ở phố?
Những ngày này, căn bếp nhà chị Lương không còn ấm áp như trước. Chị kể, buổi trưa bố mẹ ăn ở chỗ làm, các con ăn ở trường. Tối về, nếu có hứng, chị nấu một nồi cơm nhỏ cho hai vợ chồng. Hai đứa con chị, bây giờ, lại quen với cách gọi đồ ăn qua ứng dụng. Không loại trừ những bữa chúng chê cơm mẹ nấu. “Không ngon bằng đồ mua” - con gái lớn của chị có lần bảo thế.
Hồi đầu, chị Lương tủi thân lắm. Cũng những đứa trẻ ấy, ngày trước đi học về, vừa tới nhà đã ríu rít hỏi: “Mẹ ơi, tối nay ăn gì?”. Vậy mà giờ đây, chị cảm giác mình như một người mẹ “hết thời”, không còn quan trọng trong những bữa ăn của con.
Con gái lớn chị bao biện: “Các bạn con cũng thế mà mẹ, đứa nào chẳng gọi đồ qua app. Đồ ăn trên đó ngon hơn nhà mình tự làm nhiều, lại tiện và rẻ hơn nữa”.
Với gen Z - thế hệ sinh ra trong sự bùng nổ công nghệ, ưu tiên tiện lợi là điều dễ hiểu. Sự tiện lợi của các ứng dụng giao đồ ăn, kết hợp với khẩu vị đa dạng và hấp dẫn của những món ăn được quảng cáo bắt mắt, đã làm mờ đi giá trị của bữa cơm gia đình trong mắt những người trẻ. Hơn thế, lối sống hiện đại bận rộn khiến thời gian nấu nướng và quây quần bên bàn ăn dần trở thành “xa xỉ” với nhiều gia đình ở đô thị.
Những bà mẹ tuổi đời ở thế hệ 8X có lẽ sẽ cảm thấy nỗi buồn khó tả. Bao nhiêu năm trời, họ đã dành hết tâm huyết vào từng bữa ăn, từng món ăn. Nhưng giờ đây, những bữa ăn gia đình thường ít được bọn trẻ ưa chuộng. Giữ gìn bữa cơm gia đình không còn dễ dàng trong thời đại công nghệ, nhưng đó vẫn là một trong những giá trị đẹp mà không ít cha mẹ mong muốn truyền giữ lại cho các con.
Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là việc lựa chọn một suất ăn, mà còn là biểu hiện sâu sắc của sự chuyển dịch văn hóa trong thế hệ trẻ. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên cùng công nghệ - thời điểm chỉ cần một vài thao tác chạm trên màn hình điện thoại là có ngay một suất ăn đa dạng và hấp dẫn.
Chưa kể, với nhiều bạn trẻ ngày nay, gọi đồ ăn qua ứng dụng không chỉ là lựa chọn tiện lợi, mà họ nghĩ đó là một trải nghiệm văn hóa. Họ được tiếp xúc với những nền ẩm thực đa dạng, từ món Hàn, Nhật cho đến ẩm thực đường phố, pizza Ý hay burger Mỹ.
Chưa hết, lựa chọn đó có lẽ còn là một sự khẳng định bản thân của họ. Việc chọn một thực đơn riêng của mình, thoát khỏi khuôn mẫu “cơm nhà” truyền thống, là cách gen Z muốn thể hiện sự độc lập và cá tính. Mỗi suất ăn được giao đến không chỉ là thức ăn, mà còn là “một tuyên ngôn nhỏ” về phong cách sống riêng.
Nhưng phải chăng, khi sự tiện lợi lên ngôi, giá trị tinh thần của bữa cơm gia đình cũng dần bị lãng quên?