Thế giới

Xu hướng mua sắm của Gen Z

NAM VIỆT 06/07/2024 07:45

Nghiên cứu mới đây của KPMG - công ty kiểm toán tài chính hàng đầu thế giới tiết lộ, tác động lớn đến quyết định mua sắm của Gen Z (thế hệ Z), đặc biệt tại vực châu Á - Thái Bình Dương, là mạng xã hội, nhất là TikTok và thần tượng.

The Nation
Gen Z thay đổi thói quen mua sắm trong thời đại số. Ảnh: The Nation

Theo KPMG, Gen Z (người được sinh ra trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2012) ở châu Á - Thái Bình Dương chú ý đến thần tượng và người có ảnh hưởng khi quyết định mua sắm. Gen Z cũng là thế hệ đầu tiên lớn lên với internet và các thiết bị kỹ thuật số trở thành một phần cuộc sống hằng ngày của họ.

Báo cáo của KPMG: “Khi các thế hệ trước thường trực tiếp đến cửa hàng bách hóa hoặc trung tâm mua sắm để chi tiền cho những món đồ cơ bản hoặc thử phong cách mới, thì Gen Z đang tìm kiếm các xu hướng trực tuyến, theo dõi các thần tượng, người có ảnh hưởng cũng như mong muốn mặc những bộ quần áo giống nhau”.

Xu hướng này gia tăng nhờ sự phát triển các nền tảng thương mại xã hội như TikTok và Instagram - nơi các đề xuất của người có ảnh hưởng đóng một vai trò rất quan trọng.

Khảo sát của KPMG tại khu vực cho thấy thương mại trên mạng xã hội và thương mại phát trực tiếp được Gen Z xếp hạng khá cao. Thương mại trên mạng xã hội là hình thức công nghệ bán lẻ phổ biến nhất, đặc biệt ở Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Irwan Djaja - đối tác và Trưởng bộ phận cố vấn của KPMG Indonesia, nói: “Sự kết hợp giữa truyền thông xã hội và thương mại điện tử thu hút Gen Z bởi phù hợp với đặc tính của họ”. Do đó, các thương hiệu đang đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng và nhấn mạnh vào các nền tảng thương mại xã hội để phục vụ Gen Z, tạo lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này.

Theo các nhà phân tích của KPMG, hoạt động kinh doanh của TikTok mạnh mẽ ở châu Á, thu hút các doanh nghiệp quảng cáo, sử dụng người có ảnh hưởng và người tư vấn quan điểm chính (KOL) cũng như phân phát quảng cáo để hướng người xem quay lại trang web của doanh nghiệp.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á - nơi có hàng triệu người dành 10 giờ mỗi tuần trên mạng xã hội và đối với họ, người có ảnh hưởng chiếm vị trí tối cao. Dù vẫn còn là một thị trường thương mại điện tử non trẻ nhưng 31% người bán hàng trực tuyến ở Đông Nam Á đã cách mạng hóa xu hướng này.

Các mạng xã hội phát trực tiếp theo lịch trình thường xuyên để thu hút cả người xem trung thành và khách hàng mới. Sau đó, người bán hoặc người có ảnh hưởng đối tác trưng bày các mặt hàng trước camera. Sự tương tác này kích thích người mua sắm ở Đông Nam Á. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử, giải trí và phong cách sống tạo ra xu hướng “giải trí mua sắm”.

Ưu đãi giảm giá, giới thiệu sản phẩm theo yêu cầu, câu trả lời theo thời gian thực và khám phá sản phẩm là một số điều khiến việc bán hàng trực tiếp trở nên đáng giá đối với Gen Z.

Mua sắm trên mạng xã hội là một thị trường lớn và đang phát triển nhanh chóng. Theo ước tính của Statista, năm 2023, thị trường này trị giá 570 tỷ USD và được dự đoán sẽ có giá trị hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2028.

Tương tự, nghiên cứu mới từ Sprout Social cho thấy gần một nửa số người tiêu dùng cho biết, họ mua hàng hằng ngày trên mạng xã hội vì nội dung mà người có ảnh hưởng đăng lên.

Rõ ràng, đối với các thương hiệu, người có ảnh hưởng là đối tác khả thi để khai thác lòng tin của người tiêu dùng, đặc biệt với thế hệ Gen Z. Những chiến lược quảng bá, kể cả trong và ngoài mạng xã hội, sẽ thu được lợi ích vô cùng lớn nếu đặt người có ảnh hưởng làm trọng tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xu hướng mua sắm của Gen Z
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO