Văn hóa

Khi người Quảng vinh danh mỳ Quảng

THỤY BẤT NHI 12/08/2024 16:37

(QNO) - Sáng 12/8/2024, đồng loạt báo chí địa phương đưa thông tin mỳ Quảng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2327 (ngày 9/8/2024) của Bộ VH-TT&DL. Vậy là, sau hơn một năm đề nghị, Quảng Nam đã có thêm một di sản văn hóa với niềm tự hào, hạnh phúc vỡ òa.

to mi quang 2
Mỳ Quảng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ Tam Kỳ, một đồng nghiệp lâu năm điện ngược ra và thông tin với kiểu nói “lật đời” quen thuộc: “Cái món ăn dở ẹt đó mà cũng thành di sản rồi mi”.

Nghe đã muốn bật cười, bởi điệu bộ ngúng nguẩy ngang tàng mà con người xứ Quảng quen thể hiện, nó tràn trề trong giọng nói và điệu cười tưng tửng đó, cách “chê bai” không ai giống được nhưng thực sự là tự hào và hớn hở.

Có thể nói, mỗi người dân, mỗi vùng đất, thậm chí đến tận một cái xóm bé xíu xiu, cũng luôn có những niềm tự hào, lạc quan tôn vinh đến bất hủ, về món ăn, thức uống, thậm chí là thói lười biếng nào đó chỉ riêng có. Nét văn hóa bản địa, qua từng chi tiết, từng “mẩu vụn” đời sống ấy, mà tồn tại và thăng hoa hết đời này qua đời khác.

Người Quảng Nam lại là một trong những “xứ dân kỳ quặc” nhất, khi chuyên môn nói ngược, “nói lộn nói lại” về chính những gì mình yêu thích, mình tự hào. Bất cứ cái gì khiến họ vui sướng tận đáy lòng, rưng rưng nước mắt, cũng có thể trở thành câu chuyện tiếu lâm, cách pha trò hề hước làm người khác bật cười, bật cười để rồi cảm động, để rồi cúi đầu ngợi khen.

Như tô mỳ Quảng, món ăn dân dã có thể nhìn thấy ở bất cứ ngóc ngách nào của đời sống người dân xứ Quảng, dù ngay bản địa hay tít mù xa tận cao nguyên và hải đảo. Ở những góc chợ, ngõ phố nào đó, người ta nhìn thấy cái bảng hiệu “Mỳ Quảng” đặt ra, là sẽ thấy ngay một “ông Quảng Nam” nghênh nghênh mộc mạc, giọng nói cà rỡn khôi hài với gương mặt tỉnh bơ như không có gì lạ; một bà cụ, bà chị “Kuảng Nôm” nói từng câu trọ trẹ làm phát hoảng người khác mà bật cười thân ái đến lạ lùng.

Tô mỳ Quảng, bởi thế cũng như con người Quảng, ở đâu cũng giữ nguyên cái hồn cốt thô mộc giản đơn, kiểu gì cũng dung nạp được và cách nào chế biến cũng… ăn được, “không chết được mô mi”. Mỗi tô mỳ, là một biến thể trong vô vàn lựa chọn đậm chất dân dã, với rau lá tự nhiên, với tô chén tưởng như tùy tiện, và hương vị thức ăn đậm đà Trung bộ, chạm vào là đã thấy cả một không gian cuộc sống dí dỏm yêu thương.

nghe nhan mi quang
Nghệ nhân mỳ Quảng.

Mỳ Quảng, được nhiều nhà nghiên cứu, các nghệ nhân sách vở, mô tả trong một lịch sử hình thành nhiều năm, rất nhiều năm trong lịch sử khai hoang khẩn đất từ phía nam đèo Hải Vân vào, theo bước chân những đoàn quân chinh phạt xứ Chiêm, rồi bám rễ chan hòa cùng đất và người để thành da thành thịt.

Tô mỳ là chứng nhân cho những giai đoạn gian khó nhất của đời người cơ cực, vỡ đất để mong tìm miếng ăn, với những nồi nước nhưn đầu tiên có thịt cá tôm cua gì đều bỏ vào, sao cho thật mặn, để dễ trộn nhầu với rau, với lá… thành món ăn đầy bụng, no ruột mà làm tiếp.

Sợi mỳ Quảng, là cái bánh tráng phơi còn chưa khô, tính dành cho những ngày mưa lúc đói, nhưng hiện hữu đương có là không còn gì để ăn, nên vơ lấy, xé ra mà trộn với nước nhưn cho qua bữa.

Dần dà, người dân thuần túy, những người mẹ, người vợ đảm đang đã chế biến, tinh tế hơn ở từng nồi nước nhưn, từng nhúm rau sống, từng lá mỳ được cán đầy…

Bao nhiêu mồ hôi công sức, bao nhiêu yêu thương chăm chút, đã đong đầy trong từng chút nâng niu ấy mà thành một món ăn, để người chồng người cha sau ngày dài vất vả, quay về có một bữa ăn no.

Mỳ Quảng, vì vậy có gì nấu đó, là một trong các thức ăn được chế biến tùy nhiên đa dạng nhất, gà vịt cũng có, heo bò cũng xong mà nếu chỉ là sợi mỳ lá chấm nước tương thôi cũng được.

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Tân (Huế), một người “thích đi ăn” tự nhận mình có duyên với nhiều món ăn truyền thống, của nhiều vùng đất, nhận xét rằng mỳ Quảng là một khối đa dạng, biến hóa khôn lường của các kiểu nguyên liệu dân gian, để rồi qua bàn tay khéo léo, tư duy độc đáo và nhất là cái tình thiết tha ở trong con người xứ Quảng, trong người phụ nữ Quảng Nam, trở thành mỹ vị dân gian, trở thành biểu trưng của chăm nom và thương mến.

Người Quảng đã thử đếm có bao nhiêu loại mỳ Quảng được tạo nên trong dòng chảy mấy trăm năm rồi, nhưng đến nay vẫn đang còn đếm, vẫn đang còn được người Quảng “cãi nhau” rằng gọi là mỳ hay mì…

Thời khắc hân hoan của người dân xứ Quảng khi món ăn bao đời của họ được lọt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, thật sự đáng ghi nhận, vẫn không phải từ sự tôn vinh ồn ào nào, mà là… cãi nhau, là qua cách thông tin trái khoáy trêu chọc không ngừng.

Phía sau những rổn rảng đó, là cõi lòng nhảy múa tưng bừng của những gì ước ao mong muốn, hy vọng sáng danh ẩm thực quê hương, là nước mắt bất chợt trào ra vì nhớ đến mẹ mình chiều nào nhóm bếp, ba mình trưa nào từ đồng về ngồi tréo ngoe ngay ngạch cửa mà ăn vội vàng tô mỳ cho kịp đã nư cái đói cồn cào.

Rằng mỳ Quảng hay bún bò Huế, rằng bánh hỏi xứ Nẫu hay tô don Trà Khúc, đều là dấu ấn trăm năm xương máu cha ông mà đúc kết nên hình, mà thấm đượm trong lòng mỗi người khi đoái nhớ về quê hương. Để người Quảng hôm nay, ngay giữa quê nhà lại nhắc đến quê nhà, và tận những nơi rất xa, lại tự hào gắp đũa trộn đều nhúm rau cùng nước mắm “rin” nhưn my, hồ hởi nói tếu lâm, hồ hởi khoe, đã có thêm một di sản trong lòng.

Quảng Nam vinh danh mỳ Quảng, hay mỗi con người Quảng Nam tự hào về ẩm thực quê hương, lại là dịp để tình nghĩa chan hòa lan tỏa, để mỗi người tự nhiên nói lại chuyện đã qua, và ao ước sẽ có thêm nhiều nữa, dấu ấn cuộc đời, dấu ấn tình người, với mỗi nơi đặt chân đến, đều chan hòa hai chữ yêu thương!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi người Quảng vinh danh mỳ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO