Khổ vì hồ sơ địa chính cũ

ĐOÀN ĐẠO 09/06/2014 09:30

Việc biến động thực địa trong khi hồ sơ địa chính thì cũ kỹ đã khiến nhiều địa phương khó có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho cá nhân, tổ chức đúng thời hạn.

Các địa phương đang gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có biến động thực địa.
Các địa phương đang gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có biến động thực địa.

Khó trả hồ sơ đúng hạn

Ông Phạm Minh Tài - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường (TN-MT) kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bắc Trà My cho biết: “Khi chúng tôi đo thực địa để phục vụ việc cấp giấy CNQSDĐ, nhất là để đổi mới, cấp lại, thì đến 90% số trường hợp có sai lệch, biến động về ranh giới, hình thế... Điều này đã gây tốn kém khá nhiều thời gian trong việc xử lý hồ sơ đất đai”. Theo ông Tài, khi hồ sơ xảy ra biến động, cán bộ phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý thông tin biến động: xác định lại ranh giới, mốc và các thông tin liên quan khác. Ở miền núi việc này mất khá nhiều thời gian khi có trường hợp đi cả ngày mới đến nơi, có trường hợp không thể liên lạc được với chủ thửa đất khi cần. Cũng có lúc cán bộ đến kiểm tra thông tin hoặc đo đạc thì chủ thửa đất hoặc các hộ giáp ranh tứ cận với thửa đất cần đo không có mặt nên không làm việc được. “Dù theo quy trình cải cách hành chính thủ tục đất đai, trong vòng 14 ngày trả kết quả cho công dân, tổ chức, nhưng khi có biến động giữa thực địa và hồ sơ địa chính thì việc xử lý, chỉnh lý có khi kéo dài thêm đến 10 ngày vẫn chưa xong. Năm 2013, chúng tôi tiếp nhận 592 hồ sơ đất đai thì phải trễ hẹn 69 hồ sơ cũng vì nguyên nhân trên” - ông Tài cho biết.

Tương tự, tại Tiên Phước việc cấp giấy CNQSDĐ cũng gặp khó với hồ sơ địa chính cũ. “Các trình tự thủ tục theo cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc, không rườm rà hay nhũng nhiễu. Nhưng khi có biến động thì gần như làm lại hồ sơ cấp mới vậy, phải tốn khá nhiều thời gian từ khâu xác định mốc đo, đo đạc lại, làm việc với các hộ giáp ranh tứ cận, kiểm tra, đối chiếu lại thông tin trong hồ sơ địa chính… Vì vậy, việc trễ hạn là không thể tránh khỏi” - ông Tôn Thất Thám, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tiên Phước cho hay.

Ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Sở TN-MT cho rằng, các địa phương Tiên Phước, Bắc Trà My không phải là trường hợp cá biệt mà gần như các huyện, thành phố ở Quảng Nam đều “đau đầu” khi giải quyết hồ sơ đất đai là phải tốn kém thời gian chỉnh lý vì có biến động. Nguyên nhân chính là các địa phương phần lớn vẫn sử dụng bản đồ địa chính đã đo đạc theo Chỉ thị 299, Nghị định 60 và 64 của Chính phủ trước kia. “Thời điểm đó, máy móc thô sơ và theo phương pháp đo tọa độ giả định nên thiếu chính xác. Hiện nay, giá trị thông tin của bản đồ địa chính trước đây gần như chỉ còn ở mức tham khảo vì độ tin cậy thông tin không cao, không thể khai thác sâu vào quá trình lập hồ sơ ban đầu khi giải quyết cấp giấy CNQSDĐ” - ông Ba nói.

Khắc phục “điểm nghẽn”

Cũng theo ông Ba, trong thực tế, nhiều thửa đất có biến động nhưng thời gian dài các địa phương chưa bổ sung, chỉnh lý kịp các thông tin biến động và liên quan vào hồ sơ địa chính. Việc này buộc cơ quan chức năng mất thêm thời gian để tiến hành thẩm tra, xác minh lại, nên hệ lụy khó tránh khỏi là thời gian xét duyệt hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ cho người dân kéo dài thêm.

Ông Phạm Minh Tài (phải) - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Bắc Trà My cho rằng, hồ sơ địa chính cũ cũng là một yếu tố gây khó khăn cho công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ông Phạm Minh Tài (phải) - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Bắc Trà My cho rằng, hồ sơ địa chính cũ cũng là một yếu tố gây khó khăn cho công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai.

“Với những trường hợp có thay đổi, biến động chúng tôi đều đề nghị chủ hộ tự kiểm tra, xác định lại ranh giới để tự xử lý nếu có tranh chấp. Sau đó, cán bộ địa chính mới tiến hành đo thực địa nhằm tiết kiệm thời gian trong quá trình xử lý hồ sơ. Đồng thời việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và cán bộ địa chính các xã, thị trấn trong quá trình kiểm tra lại thông tin địa chính thì mọi việc sẽ thuận tiện, nhanh chóng hơn” - ông Tôn Thất Thám chia sẻ giải pháp ứng phó ở địa phương mình. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Tài cho rằng: “Người dân sẽ tự thỏa thuận, thống nhất với các hộ có quyền lợi liên quan trước, cán bộ mới thực hiện khâu trích đo độc lập. Sau khi đã thống nhất, chúng tôi in kết quả đo đạc ra cho các bên xem lại, ký biên bản”.

Tuy nhiên, giải pháp của các địa phương chỉ mang tính tạm thời chứ chưa thể gọi là căn cơ. Ông Lưu Văn Ba cho biết, Sở TN-MT đang thực hiện dự án Tổng thể về đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh. Việc thực hiện thí điểm tại TP.Tam Kỳ, Núi Thành sẽ dứt điểm vào năm 2015 và dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2020. Khi đã có được dữ liệu thông tin khai thác vào quá trình giải quyết hồ sơ, mọi việc sẽ nhanh hơn, hạn chế việc giao trả hồ sơ trễ hẹn. Ông Ba còn cho hay, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 43/NĐ-CP (ngày 15.5.2014) về quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai, trong đó cũng quy định về việc triển khai xây dựng Văn phòng đăng ký đất đai trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở TN-MT và các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN-MT các huyện, thành phố. “Khi đó mọi hoạt động ở các chi nhánh ở cấp huyện, thành phố đều nằm dưới sự quản lý, điều hành của Văn phòng đăng ký đất đai. Việc hợp nhất này sẽ giúp Văn phòng đăng ký đất đai kiểm soát quy trình thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai ở các chi nhánh một cách kỹ lưỡng, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Đồng thời khi các chi nhánh gặp khó, chúng tôi cũng có thể “chi viện” lực lượng cán bộ để cùng xử lý các vấn đề” - ông Ba nói.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khổ vì hồ sơ địa chính cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO