Nhân sự, bài toán khó của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp

NGUYỄN BÃO QUỐC 07/06/2021 06:53

Thị trường lao động đang có rất nhiều biến động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp.

Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tam Kỳ chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. (ảnh chụp trước tháng 4.2021).
Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tam Kỳ chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. (ảnh chụp trước tháng 4.2021).

Sau nhiều lần tuyển dụng, phỏng vấn vẫn không thể tìm được nhân sự phù hợp cho vị trí nhân viên kinh doanh của công ty, một giám đốc công ty là thành viên trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp TP.Tam Kỳ chia sẻ: “Doanh nghiệp của tôi đã đầu tư rất nhiều vào quy trình tuyển dụng nhân sự, riêng tôi đã trực tiếp phỏng vấn và tuyển chọn nhưng thực sự vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp. Nhiều bạn sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn chưa thực sự biết mình cần gì và sẽ làm gì cho tương lai, cuộc đời của mình”.

Nhân sự phù hợp là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Người sáng lập công ty có thể bắt đầu doanh nghiệp một mình, nhưng không thể xây dựng và phát triển công ty một mình. Bởi “không ai giỏi tất cả” và mỗi người cũng chỉ có quỹ thời gian 24h một ngày nên không thể làm hết mọi việc được.

Trên suốt hành trình xây dựng doanh nghiệp, người sáng lập doanh nghiệp phải tuyển dụng cộng sự, nhân viên đi cùng, vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Ngân sách tài chính thì hạn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, môi trường làm việc tùy thuộc vào hoàn cảnh... Vậy, làm sao để tuyển dụng đúng người, đúng việc và giữ họ ở lại với mình?

Người trẻ,họ cần gì?

Nguồn lao động chính của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu nằm ở thế hệ gen Y (sinh năm 1980 - 1995) và gen Z (1996 - 2010). Sau một số khảo sát, những yếu tố sau đây được người lao động lựa chọn: công việc ổn định, chế độ phúc lợi hấp dẫn; lương cao, thu nhập tốt; cơ hội thăng tiến trong công việc; môi trường làm việc năng động, trẻ trung, văn phòng đẹp; cơ hội được học tập và đào tạo; cơ hội được cống hiến và gắn bó lâu dài. Vậy người trẻ hiện nay thiếu gì? Thiếu kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, đàm phán, bán hàng…); thụ động và thiếu tính sáng tạo; thiếu tinh thần cống hiến (đây gần như là thực trạng chung, thích đứng núi này trông núi nọ); ngại khó ngại khổ, thiếu tính chịu thương chịu khó; thiếu mục tiêu và lý tưởng sống; thiếu kỹ năng xử lý đa vấn đề; lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ giải trí; thiếu tinh thần học hỏi, nâng cao năng lực. 

Những công ty khởi nghiệp, đặc biệt là những mô hình khởi nghiệp non trẻ không có vốn lớn và không có sự hậu thuẫn về tài chính, giai đoạn từ 1 - 3 năm đầu với rất nhiều chi phí từ thiết kế sản phẩm, quảng cáo, bán hàng, marketing… thì chịu rất nhiều áp lực trong tuyển dụng nhân sự.

Với nguồn ngân sách hạn hẹp ban đầu và phải cân đối chi tiêu sát sao nên sẽ không tránh khỏi tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa kịp hoàn thiện mọi việc đã phải chạy đua bán hàng để mong muốn thu hồi vốn, hoặc có tiền quay vòng để trang trải chi phí, vì vậy doanh nghiệp khó có thể có chế độ đãi ngộ, phúc lợi cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp lớn để thu hút lao động giỏi về với mình.

Tâm lý chung của rất nhiều lao động trẻ hiện nay là thích làm việc ở những công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia hay những công ty lớn vì họ có văn phòng to đẹp, đông người, nhiều hoạt động giải trí, chế độ đãi ngộ và phúc lợi tốt… Điều này khó có thể có ngay ở những công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) ở giai đoạn đầu với rất nhiều thứ cần phải cân đối một cách hợp lý.

Những công ty khởi nghiệp, công ty SMEs, hệ thống quản trị vận hành còn non yếu và phải liên tục thay đổi mô hình kinh doanh trong suốt quá trình phát triển, vừa làm vừa sửa sai nên yêu cầu đội ngũ cán bộ cần phải nhanh nhạy và thích nghi rất cao với sự thay đổi. Tuy nhiên, đa phần người lao động đều không thích sự thay đổi, ngại thay đổi, đó cũng là một rào cản lớn.

Chọn người phù hợp

Với những khó khăn chồng chất như vậy, thực trạng nguồn nhân lực nêu trên, doanh nghiệp khởi nghiệp làm gì để tồn tại, để thu hút nhân sự đến và làm việc với mình? Đó là câu hỏi vô cùng nan giải của các doanh nghiệp không chỉ là khởi nghiệp, mà còn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thị trường lao động đang phân hóa rất rõ rệt giữa những lao động giỏi, có năng lực và những lao động bình thường khác. Điều quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp là phải chịu khó đãi cát tìm vàng, đừng tìm người giỏi mà hãy tìm người phù hợp rồi đào tạo để họ phát triển thêm.

Ông bà hay nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, điều này cũng được vận dụng trong công tác “dụng nhân” rất tốt, hãy biết ta cần gì và tìm người phù hợp đủ đáp ứng thứ ta cần.  Trong tam giác năng lực (A-S-K), yếu tố thái độ (ATTITUDE) luôn được đánh giá quan trọng nhất để đánh giá năng lực. Nếu như thiếu và yếu ở yếu tố này, những yếu tố khác sẽ bị ảnh hưởng. Hãy chọn những người phù hợp với doanh nghiệp và cho họ cơ hội phát triển để cống hiến và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Người tuyển dụng lao động phải biết đồng cảm với nhân sự, cộng sự, khi họ gia nhập một môi trường mới với văn hóa mới, mình phải là người vừa động viên vừa mang tính định hướng để nhân sự kịp thời nắm bắt công việc và xem công ty như gia đình thứ 2 của họ. Người sáng lập, chủ doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống quản trị (bao gồm hệ thống chiến lược và hệ thống quy trình vận hành) bài bản.

Công ty khởi nghiệp không thể chọn hình thức lương cao để thu hút nhân lực, bởi nếu làm vậy bạn sẽ chết trước khi thành công. Hãy suy nghĩ đến nhiều yếu tố khác mà người lao động cần như: cơ hội cống hiến, học hỏi, lộ trình thăng tiến để giữ những chức vụ quan trọng, sự quan tâm dẫn dắt của người lãnh đạo…

Tóm lại, quy trình tuyển – dạy – dùng – giữ - sa thải nhân sự của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là một bài toán không dễ giải với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tỉnh táo lựa chọn giải pháp phù hợp với mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân sự, bài toán khó của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO