Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đăng ký đánh giá năm 2022: Chú trọng khai thác giá trị bản địa

VINH ANH 27/10/2022 08:23

Năm nay, Hội đồng đánh giá, công nhận, khuyến khích dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phải mất 4 ngày làm việc để tổ chức đánh giá, tư vấn cho hơn 120 ý tưởng, dự án đăng ký tham gia.

Tác giả thuyết trình ý tưởng, dự án KN trước Hội đồng đánh giá, công nhận, khuyến khích dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: VINH ANH
Tác giả thuyết trình ý tưởng, dự án KN trước Hội đồng đánh giá, công nhận, khuyến khích dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: VINH ANH

Dự án của phụ nữ áp đảo

Trong các ngày 21, 22 và 25, 26/10 tại Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh diễn ra các buổi đánh giá ý tưởng, dự án khởi nghiệp (KN) năm 2022 do Ban điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh tổ chức.

Theo danh sách đăng ký, năm nay có 124 ý tưởng, dự án KN gửi tham gia đánh giá. Đáng lưu ý, trong những ý tưởng, dự án KN tham gia đánh giá thì tác giả là nữ chiếm phần nhiều. Đặc biệt, khá nhiều gương mặt nữ quen thuộc đã xuất hiện trong phong trào KN Quảng Nam thời gian qua.

Sẽ tổ chức đánh giá từ cấp huyện

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc thi Ý tưởng KN sáng tạo tỉnh trong những năm đến, ông Phạm Ngọc Sinh cho biết Ban điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh sẽ thảo luận, xem xét đến việc tổ chức vòng đánh giá, sơ loại từ cấp huyện; đồng thời công tác đào tạo, tập huấn để hoàn thiện dự án KN sẽ tiếp tục được quan tâm nhằm chọn những ý tưởng, dự án KN tiêu biểu nhất tham gia đánh giá cấp tỉnh. Hiện nay các địa phương có tổ chức sơ loại tuy nhiên chưa thực sự chặt chẽ khiến nhiều dự án chưa đạt chất lượng.

Sau thời gian vắng bóng, chị Nguyễn Thị Mẫn Vy (Cơ sở sản xuất Mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy, TP.Hội An) khiến nhiều người bất ngờ khi xuất hiện tại buổi đánh giá ý tưởng, dự án KN năm 2022 với sản phẩm hoàn toàn mới: “Men tỏi đen”.

Chị Vy chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã đánh sập những dự án KN tâm huyết về mỹ phẩm thiên nhiên, kinh doanh cà phê… khiến chị bị stress trong một thời gian dài.

Nhưng cũng trong đại dịch, chị đã “bén duyên” với một sản phẩm hoàn toàn mới kết hợp từ tỏi Lý Sơn, quật Hội An và mật ong rừng. Sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm cân, phù hợp cho cả trẻ em, phụ nữ sau sinh, người lớn tuổi...

“Sản phẩm tỏi đen thị trường có nhiều nhưng “Men tỏi đen” thì rất hiếm. Đó là lý do tôi quyết định đưa sản phẩm đến với cuộc thi KN của tỉnh nhằm giới thiệu, hướng tới bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm” - chị Vy cho biết.

Bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) là một trong những tác giả nữ lớn tuổi nhất có sản phẩm KN dự thi. Bà Tiến kể, năm 2020 đã tham gia dự thi sản phẩm “Bột ngũ cốc Cô Một”, năm nay được sự động viên của địa phương nên tiếp tục đăng ký sản phẩm “Trà gừng hòa tan”. Cả hai sản phẩm đến nay đã được công nhận OCOP 3 sao.

Bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) thuyết trình dự án khởi nghiệp “Trà gừng hòa tan“.
Bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) thuyết trình dự án khởi nghiệp “Trà gừng hòa tan“.

“Hiện nay sản phẩm “Trà gừng hòa tan” tiêu thụ khá tốt nhưng khả năng sản xuất chưa đủ đáp ứng. Tôi mong qua cuộc thi giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đồng thời tìm kiếm sự tư vấn và nguồn lực hỗ trợ để mở rộng sản xuất, lan tỏa sản phẩm trong thời gian đến” - bà Tiến chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhìn nhận, tinh thần KN nói chung và trong phụ nữ nói riêng đã thực sự lan tỏa rộng khắp. Điều này được minh chứng qua số lượng ý tưởng, dự án KN tham gia đăng ký năm 2022, phần lớn do phụ nữ là tác giả và xuất hiện rộng khắp các địa phương từ đồng bằng đến thành thị. Từ đó cũng cho thấy công tác KN được các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Ngày càng có nhiều gương phụ nữ trẻ KN; nhiều sản phẩm sáng tạo được đầu tư tốt để tham gia dự thi, đánh giá.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Sau gần 5 năm thử sức trên con đường lập nghiệp, KN, năm nay, anh Lâm Phụng Điệp (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) quyết định đưa sản phẩm đăng ký dự thi KN cấp tỉnh.

Theo đuổi mô hình chăn nuôi, kinh doanh gà ác lấy thịt và trứng, đến nay a Điệp đã gặt hái được những thành công. Không dừng ở việc cung cấp thịt gà ác truyền thống, anh đã sáng tạo ra sản phẩm “Gà ác tiềm thuốc bắc, hạt sen”. Sản phẩm được chế biến, đóng gói cẩn thận, mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Anh Lâm Phụng Điệp (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) thuyết trình dự án “Gà ác tiềm thuốc bắc, hạt sen”.
Anh Lâm Phụng Điệp (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) thuyết trình dự án “Gà ác tiềm thuốc bắc, hạt sen”.

Anh Điệp chia sẻ: “Tôi bắt tay KN khá lâu nhưng chưa tự tin để tham gia một cuộc KN nào. Đến với cuộc thi KN của tỉnh năm nay tôi mong muốn giới thiệu với mọi người về một sản phẩm tâm huyết của bản thân và cho quê hương Bình Phục”.

Trong khi đó, mang đến cuộc thi với ý tưởng khá mới lạ trong lĩnh vực du lịch - “Phát triển con người qua du lịch tâm thức”, chị Huỳnh Thị Hoài Thanh (TP.Hội An) chia sẻ: “Tôi không mong giải thưởng mà chỉ hy vọng mọi người khi hỏi những tour du lịch ấn tượng ở Hội An thì sẽ nhớ tới “Cô Thanh Jasmine - Private Tour”.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cho biết, mặc dù đã qua bước sàng lọc ở địa phương, tuy nhiên số lượng ý tưởng, dự án đăng ký tham gia năm 2022 khá lớn. Đặc biệt xuất hiện nhiều ý tưởng, dự án của các bạn người dân tộc thiểu số. Tất cả điều đó cho thấy tinh thần và văn hóa KN của Quảng Nam lan tỏa rộng trong xã hội.

“Về chất lượng, các ý tưởng, dự án tham gia đánh giá năm nay khá đều nhưng ở tầm trung bình; tỷ lệ các dự án đột phá thấp hơn năm ngoái. Điều này không bất ngờ, do tính chất trải rộng, tuy nhiên rất quý là các dự án đều biết khai thác giá trị bản địa; nhiều bạn KN trên sản phẩm truyền thống gia tộc nhưng có sự đổi mới về mô hình kinh doanh. Đó là sự thành công!” - ông Sinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đăng ký đánh giá năm 2022: Chú trọng khai thác giá trị bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO