(Xuân Ất Tỵ) - Kinh tế - xã hội năm 2024 của huyện Nam Giang tiếp tục khởi sắc, khi toàn bộ 19 chỉ tiêu đặt ra đã về đích thành công (có 12 chỉ tiêu vượt). Thành công này là tiền đề, tạo động lực để huyện miền núi Nam Giang hoàn thành các mục tiêu của năm 2025.
Con số biết nói
Phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Nam Giang chú trọng đầu tư vào ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản, nhất là cây có hạt, cây ăn quả, vì vậy năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt tăng so với năm 2023.
Cạnh đó, huyện triển khai được 25 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; điển hình là dự án cấp bò, hươu sao, heo cỏ với 1.777 con, cho 725 hộ hưởng lợi.
Thực hiện bằng nhiều giải pháp, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản đạt khoảng 355 tỷ đồng (đạt 109,13% kế hoạch), tăng 12,2% so với năm 2023. Xây dựng nông thôn mới có thêm những tín hiệu vui, khi qua thẩm định có 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Tà Bhing, xã La Dêê).
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông A Viết Sơn cho biết, địa phương đã chỉ đạo tăng cường, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. Do đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì và phát huy, tác động tích cực và góp phần giữ ổn định kinh tế.
Theo thống kê, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2024 khoảng 4.213 tỷ đồng (đạt 116,45% kế hoạch), tăng 26,25 % so với năm 2023.
Thương mại - dịch vụ chuyển biến tích cực. Huyện tổ chức thành công 2 đợt “Phiên chợ đêm” có hơn 72 gian hàng trong và ngoài Nam Giang tham gia, với hơn 500 mặt hàng, sản phẩm được trưng bày đã thu hút khách du lịch, người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Cuối năm 2024, tổng giá giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại đạt 738 tỷ đồng (đạt 108,21% kế hoạch), tăng 21,38 % so với năm 2023.
Một chỉ tiêu vượt đáng chú ý là thu ngân sách Nhà nước. UBND huyện cho biết, tổng thu nội địa năm 2024 hơn 357 tỷ đồng, đạt 110% dự toán huyện giao, tăng 4,24% so với năm 2023.
Là địa phương miền núi, Nam Giang rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2024, các ngành chức năng đã tổ chức 115 cuộc họp thôn với 6.264 lượt người tham gia, triển khai 290 đợt tuyên truyền lưu động và tuyên truyền trên sóng truyền hình, sóng đài truyền thanh xã, huyện.
Tổ chức cho hơn 5.584 hộ gia đình ký cam kết về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Chưa kể, các địa phương cấp xã ra quân, trồng 498,24ha rừng (đạt 166,08%).
Chăm lo cho công tác giảm nghèo, Nam Giang đã lồng ghép nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm, đào tạo nghề, trao sinh kế và nhiều chính sách, hỗ trợ quan trọng khác. Năm 2024, toàn huyện có 693 hộ thoát nghèo. Theo chỉ tiêu tỉnh giao, Nam Giang vượt 333 hộ (đạt 192,5%); vượt 303 hộ so với Nghị quyết HĐND huyện giao (đạt 177,6%).
Triển khai theo các quyết định và nghị quyết trung ương và tỉnh, năm qua toàn huyện xóa được 787 nhà tạm, nhà dột nát (xây mới 757 nhà, sửa chữa 30 nhà). Đáng chú ý, địa phương tuyên truyền, vận động kinh phí hơn 2 tỷ đồng nhằm hỗ trợ xóa nhà tạm và dự kiến sẽ phân bổ làm 33 nhà.
Phấn đấu tăng trưởng cao hơn
Về nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng năm 2025, ông A Viết Sơn cho biết, trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Giang lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra và phát huy kết quả của năm 2024, huyện phấn đấu năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành đạt các chỉ tiêu của nghị quyết đại hội.
Trước hết, Nam Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá. Trong đó, huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư phát triển nông- lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Kịp thời áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện và các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân.
Đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa nền hành chính. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xem công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Để làm các công trình, dự án đúng thời gian, đưa vào sử dụng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội và các mục tiêu quan trọng khác, ông A Viết Sơn chia sẻ, huyện chú trọng chỉ đạo quản lý các nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Tiếp tục kêu gọi đầu tư tại cụm công nghiệp thôn Hoa.
Cạnh đó, huyện ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làng quê đáng sống cùng ẩm thực độc đáo trong phát triển du lịch bền vững, tạo nguồn thu nhập cho người dân.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Nam Giang sẽ ưu tiên nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2; đẩy mạnh xóa mù chữ. Tăng cường bác sĩ về tuyến xã; đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết phục vụ khám chữa bệnh.
Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thanh, truyền hình và quản lý nhà nước về văn hóa, dịch vụ văn hóa; đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh; đồng thời thực hiện tốt công tác đối ngoại với huyện Đắc Chưng và huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào).
Năm 2025, huyện Nam Giang phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản 377 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng đạt 4.924 tỷ đồng; dịch vụ - thương mại 852 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo, trồng cây hằng năm 6.015ha. Tổng thu nội địa trên địa bàn 282,7 tỷ đồng. Giảm 457 hộ nghèo, tương ứng giảm 6%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục các bậc học THCS, tiểu học, mầm non đạt 100%; xây dựng mới 1 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Phấn đấu 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới...