Không thể giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công

TRỊNH DŨNG 01/12/2023 09:30

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 không thể nào giải ngân hết, khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm nhưng hiện tại chỉ giải ngân được hơn 51,9%.

Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” sẽ kết thúc vào 31/12/2023 nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: T.D
Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” sẽ kết thúc vào 31/12/2023 nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: T.D

Dang dở nhiều công trình

Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, quốc lộ 1, quốc lộ 14H sau 4 năm đầu tư dang dở vì thiếu đất đắp đã tái tục thi công suốt mấy tháng qua. Hai cây cầu bắc qua sông Bà Rén đã có thể kết nối tạm bằng đường dẫn nhỏ hẹp. Tuy nhiên, các chủ thầu thi công không thể xác định được thời gian hoàn thành dự án.

Khoảng 2km bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của sự chuyển đổi theo dự án kè chống xói lở khẩn cấp (210 tỷ đồng), trừ những hốc cát sâu hoắm bên cạnh móng, tường các khu du lịch nứt toác, đổ sụp, liên tục bị sóng đánh tả tơi mỗi ngày.

Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (chủ đầu tư) nói, mới ký hợp đồng xây lắp. Từ nay đến cuối năm sẽ đúc khối Haro, một số hạng mục khác. Không thể triển khai thi công đồng loạt hạng mục đê ngầm, hút cát... vì đang mùa mưa bão. Không thể tiêu hết vốn nên chủ đầu tư đã xin kéo dài thời hạn giải ngân vốn sang năm 2024.

Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước tái khởi động nhưng chưa biết bao giờ hoàn thành. Ảnh: T.D
Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước tái khởi động nhưng chưa biết bao giờ hoàn thành. Ảnh: T.D

Chủ đầu tư 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng “bất lực” trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân. Không có dự án nào của chương trình này khởi công (trừ dự án kè sông Nước Là, Nam Trà My, nhưng cũng không thể tiêu hết vốn).

Sẽ có khá nhiều vốn trong số 614 tỷ đồng của chương trình này “buộc” phải kéo dài kế hoạch giải ngân sang năm sau! Ngay cả dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn kết thúc vào 31/12/2023 vẫn không thể nào hoàn thành đúng kế hoạch. Khối lượng thực hiện đến nay chỉ đạt 63%/tổng mức đầu tư...

Các dự án trên có thể “đại diện” cho hàng trăm dự án đầu tư công lớn nhỏ đang gặp khó, không thể đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân theo kế hoạch. Số liệu giải ngân thống kê từ Kho bạc Nhà nước Quảng Nam (tính đến ngày 24/11/2023) cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) chỉ đạt 51,9%/tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh (đạt gần 5.204,5 tỷ đồng). Trong đó, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt 50,6% (hơn 4.328,6 tỷ đồng), còn kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 cũng chỉ giải ngân đạt 59,4% (hơn 875,8 tỷ đồng)!

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, các chủ đầu tư viện dẫn lý do giải ngân yếu do thiếu mặt bằng, phân bổ kế hoạch vốn chậm, khan hiếm nguồn vật liệu. Không ít dự án đã không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án thiết kế cho phù hợp với thực tế.

Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn chậm, báo cáo đánh giá tác động môi trường phức tạp, ảnh hưởng tiến độ dự án. Ngoài ra, cũng không loại trừ cả việc chủ đầu tư thiếu quyết liệt, sâu sát dự án, thiếu phát huy.

Việc chuẩn bị thủ tục dự án mới chậm, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần, thẩm định, tư vấn còn chậm, thủ tục đầu tư, thành quyết toán vốn đầu tư dự án còn vướng mắc. Một số chủ đầu tư, nhà thầu yếu năng lực...

Không thể tiêu hết vốn

Theo kế hoạch, đến hết quý IV/2023 sẽ phải giải ngân vốn đầu tư công hơn 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đạt 100%) và đến hết ngày 31/01/2024 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Chính quyền tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư không đẩy hoàn toàn trách nhiệm, phải có phương án hữu hiệu hỗ trợ cụ thể chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng.

Thậm chí đưa ra quyết định sẽ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân; nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm... khi không thể đạt tiến độ kế hoạch giải ngân. Các chủ đầu tư, chính quyền địa phương các cấp đều cam kết sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023.

Tính đến ngày 15/11/2023, chính quyền và cơ quan quản lý đã điều chuyển hơn 465,362 tỷ đồng (ngân sách tỉnh gần 237 tỷ đồng và ngân sách Trung ương hơn 228 tỷ đồng). Tuy nhiên, động tác kỹ thuật này (năm nào cũng được thực hiện), chỉ để giải tỏa áp lực về chỉ tiêu tỷ lệ giải ngân, nhưng chắc chắn không thể nào giải ngân được 100% kế hoạch vốn.

Hiện tại, tỷ lệ giải ngân quá thấp, lại đứng trước muôn trùng khó khăn về thủ tục, cơ chế và chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2023, thì có thể hiểu ngay là nền kinh tế khó có thể hấp thụ hết vốn đầu tư. Các địa phương có lượng vốn đầu tư ít vẫn không đạt kế hoạch giải ngân, các ban quản lý đầu tư chuyên nghiệp có số vốn lớn cũng không thể giải ngân đúng tiến độ.

Nhiều dự án giải ngân dưới 20%, nhiều dự án không giải ngân được đồng nào. Chưa kể, còn đến hơn 451 tỷ đồng trong kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 vẫn chưa được phân bổ! Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính nói, tất cả đều cam kết giải ngân 100%, nhưng làm sao có thể được khi hiện nhiều nguồn vốn vẫn chưa được phân bổ. Mà khi được phân bổ thì các thủ tục phải mất đến 4-5 tháng mới hoàn tất.

Theo tính toán của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tỷ lệ giải ngân 100% vốn kế hoạch đầu tư công chỉ là một quyết tâm chính trị, không thể nào thực hiện được. Lịch sử giải ngân cho thấy không thể nào đạt tỷ lệ 100%.

Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay, chỉ cần đạt đến tỷ lệ giải ngân 85% cũng đã là con số khả quan. Tuy nhiên, giải ngân hiện tại quá thấp. Cao nhất năm nay cũng chỉ khoảng 70%!

Nhiêu dự án đầu tư công đã phải “đứng bánh”, từ các dự án trọng điểm đến các dự án khác nhau đều không thể tiến hành đầu tư hay giải ngân đúng như kế hoạch đề ra. Nếu như kế hoạch vốn năm 2023 có thể kéo dài sang năm sau thì kế hoạch vốn năm 2022 đã kết thúc. Sẽ có nhiều vốn bị trả.

Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề: Tại sao vẫn không quy được trách nhiệm giải ngân thấp thuộc về ai? Có thể cơ chế, chính sách chồng chéo... nhưng phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý, địa phương, chủ đầu tư. Không thể cứ đổ thừa cơ chế và các nguyên nhân đã nêu vốn không lạ gì với chuyện đầu tư các năm qua!

Có thể thấy, bồi thường, giải phóng mặt bằng là “nút thắt” hàng đầu khiến tỷ lệ giải ngân thấp. Tuy nhiên, cho dù bất cứ lý do gì, khó có thể chấp nhận khi tình trạng này đã trở thành thông lệ. Cần có cách tiếp cận mới về các khoản đầu tư công, đặt ra các quy định về “trần trách nhiệm” cụ thể cho các chủ đầu tư.

Ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nói, vốn kéo dài năm 2022 dự kiến cũng sẽ đạt 70%; số còn lại (30% tương đương 400 tỷ đồng) sẽ bị “mất”. Nguồn lực đã khó, mà không giải ngân được thì sự vụ này có ai chịu trách nhiệm không?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không thể giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO