Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp là con đường duy nhất để nông nghiệp khẳng định giá trị của mình. Nội hàm vấn đề này khá rộng, nhưng đích đến vẫn là xanh hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Ở đây, chỉ nói đến vai trò của cán bộ khuyến nông trong hướng dẫn nông dân tham gia quá trình sản xuất sạch.
Lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn cho rằng, vai trò của khuyến nông bây giờ quá mờ nhạt. Khuyến nông được xác định là đơn vị sự nghiệp, nhưng thực tế có làm sự nghiệp để có thu đâu, mà suốt ngày chạy theo quản lý nhà nước.
Về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Phạm Thành Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn cho biết: “Không có cái gì riêng về chuyển đổi số trong khuyến nông, mà chỉ có chung chung. Còn mô hình quản lý của khuyến nông xuống cơ sở thì có.
Tại các xã, có tổ khuyến nông cộng đồng tại các thôn. Mỗi xã cũng có khuyến nông xã. Đẻ ra mô hình, nhưng không có kinh phí hoạt động. Không có ai chịu rách nhiệm nhà nước về khuyến nông cơ sở, trước đây có ban nông lâm, nay đã bỏ. Cán bộ nông nghiệp xã bây giờ là bán chuyên trách”.
Chuyển đổi số, nếu có là thiết lập trên zalo, faebook với các địa phương về thông tin nông nghiệp, chứ chưa số hóa bất kỳ quy trình nào, bởi rất khó về phương tiện, con người. “Chúng tôi chỉ mới tuyên truyền chính sách, mới dừng ở khuyến nông sản xuất chứ chưa phải khuyến nông thị trường” - ông Ngô Văn Tân - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn nói.
Về câu chuyện khuyến nông đã làm gì trong thực tế, ví dụ là mô hình nào đó, ông Chung nói: “Có, nhưng lắm khi yêu cầu nói rõ ràng là khuyến nông làm phải không, thì đúng mà không đúng, vì ví dụ chúng tôi đang làm mô hình nhà lưới dở dang, đúng dịp hội nông dân làm báo cáo chi đó, ổng đưa vô, thành của ổng”. “Vậy có phối hợp không?”. “Trước đây thì có, nay không còn”.
Cái khó nhất hiện nay của khuyến nông khi triển khai “thực chiến” là gì? Ông Chung nói: “Quỹ đất! Nhìn đâu cũng thấy quy hoạch đô thị. Đất tư nhân thì đừng mơ. Lẽ ra phải có quỹ đất cho phát triển nông nghiệp xanh mà Nhà nước nắm.
Tại Điện Bàn hiện chỉ có cánh đồng lúa giống ở Điện Phước, Điện Hòa. Chúng tôi không tổ chức được là vì thế, đâu dễ tìm ra quỹ đất lớn để thực hiện”. Nhiều nơi khác, thiếu hẳn cán bộ có trình độ công nghệ cao nông nghiệp. Đây chính là điểm nghẽn không nhỏ. Máy móc tốt, chủ trương hay mà không có người làm, thì cũng… đắp mền.
Đã qua rồi cái thời mặc định ý nghĩ: không có mấy ông khuyến nông thì tới mùa cũng gặt, cũng thu lúa. Bây giờ, nếu không có kỹ thuật, thì đừng mơ làm nông nghiệp xanh. Kỹ thuật cơ sở, chính là cán bộ khuyến nông.
Theo quy định lương mới thì ngành thú y, bảo vệ thực vật được tăng 10% phụ cấp nghề, chứ khuyến nông thì không, trong khi 3 ngành này là chung một cơ quan là trung tâm kỹ thuật nông nghiệp.
Nói như thế để thấy Nhà nước không hề coi trọng cánh tay kỹ thuật khi muốn đưa chủ trương lớn về cơ sở để nó thành hiện thực. Ông Ngô Văn Tân kể: “Chúng tôi làm mô hình giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày, Nhà nước hỗ trợ 50%, nông dân chịu 50%. Làm cho nông dân hưởng đó, mà năn nỉ vận động hết hơi họ mới nghe theo, chịu làm, còn mình ôm hết kỹ thuật”.
Đừng nói rằng bây giờ muốn chi lên mạng có hết, vậy hỏi có bao nhiêu nông dân lên mạng học và áp dụng đúng? Cầm tay chỉ việc còn lắm người làm không xong!