Văn hóa

Kích hoạt nguồn lực cho Hội An - thành phố sáng tạo toàn cầu

QUỐC TUẤN 18/06/2024 10:00

Kích hoạt sự sáng tạo trên kho tàng nguồn lực văn hóa là yếu tố then chốt để Hội An thực sự trở thành một thành phố sáng tạo toàn cầu.

Trẻ em trải nghiệm nghề làm mộc Kim Bồng. Ảnh: Q.T
Trẻ em địa phương trải nghiệm nghề làm mộc Kim Bồng. Ảnh: Q.T

Xem văn hóa là “nguồn lực công”

Ngày 31/10/2023, Hội An chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, với sự cân nhắc lựa chọn lĩnh vực cốt lõi của địa phương là nghề thủ công và văn nghệ dân gian để tham gia mạng lưới.

Việc được gia nhập mạng lưới này là cơ hội tốt để TP.Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, tiếp nối truyền thống đã có gốc rễ bền lâu này trong lịch sử thành phố.

Đồng thời tiếp tục thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại, dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn con người và các nguồn tài nguyên khác.

Văn hóa sáng tạo là nguồn lực để Hội An phát triển bền vững. Ở đó, các nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian - những giá trị phi vật thể quý báu làm nên bản sắc và niềm tự hào của người dân nơi đây được gìn giữ, trao truyền, phục hồi.

Đồng thời “biến di sản thành tài sản”, bằng tài năng, trí tuệ và tư duy rộng mở đã phát huy “sự sáng tạo” để tạo nên các giá trị mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội thảo chính sách, nguồn lực xây dựng và phát triển Hội An thành phố sáng tạo toàn cầu diễn ra ngày 14/6 vừa qua. Ảnh: Q.T

Văn hóa sáng tạo trên nền di sản của cộng đồng cư dân Hội An đã đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như: bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái…

Bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa - xã hội (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội), nói: “Con người hiện đã nhận ra vai trò quan trọng của vốn văn hóa để thúc đẩy đô thị trở nên đáng sống. Cần xem văn hóa như là một công sản của nhân loại, một “nguồn lực công” cho việc phát triển đô thị”.

Tiếp sức cho sự sáng tạo

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, các quan điểm và phương châm hành động của địa phương là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù, văn hóa và văn minh.

Bảo tồn và phát huy nghề thủ công và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng đến thành phố sáng tạo để phát triển du lịch phải gắn với việc tăng cường sinh kế và cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương.

Tiếp tục đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách, vừa thân thiện với môi trường, tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của thương hiệu điểm đến du lịch Hội An.

Bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, Hội An cần đặt ưu tiên chính sách vào chuyển đổi số, hình thành cơ sở dữ liệu và thiết lập hệ thống bảo vệ quyền tác giả.

Thông qua đó đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường ảnh hưởng, mở rộng thị trường; xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu về các thiết chế văn hóa, loại hình sáng tạo trong đó có thủ công và nghệ thuật dân gian.

Mục đích tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về công nghiệp văn hóa nói chung và dữ liệu phục vụ việc tham gia hiệu quả vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; lập bản đồ các lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo, định kỳ cập nhật dữ liệu, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia và quốc tế.

20230512_153436.jpg
Những thợ trẻ tâm huyết với nghề gốm Thanh Hà. Ảnh: Q.T

Theo PGS-TS.Đỗ Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia), thành phố sáng tạo không phải tự nhiên hay là một quá trình hoàn toàn ngẫu nhiên mà có.

Thành phố sáng tạo cần dựa trên nhiều yếu tố cấu thành nền tảng và sự tương tác giữa các yếu tố như quy hoạch và tầm nhìn, trong đó có vai trò của chính quyền địa phương và các bên liên quan, nghiên cứu phát triển, nuôi dưỡng vốn con người, sử dụng và phát huy hợp lý cơ sở hạ tầng đô thị cũng như tạo ra sự tin cậy và đồng thuận giữa các bên liên quan…

“Mặc dù không có một công thức dễ dàng nào về chính sách, nhưng nếu như các thành tố nêu trên được xây dựng và kích hoạt một cách phù hợp, thành phố sáng tạo Hội An có thể đáp ứng các khía cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đô thị cũng như các vấn đề dài hạn liên quan đến đổi mới và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho các thách thức đô thị đương đại. Từ đó đóng góp cho sự phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm của thành phố” - bà Thủy nói.

Thống kê cho thấy, ngành công nghiệp văn hóa của Hội An đóng góp 5,2% tổng giá trị sản phẩm của Hội An năm 2019 và tỷ lệ này đạt 6,2% vào năm 2022.

TP.Hội An hiện có 658 cơ sở, 1.710 hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Trong đó có hơn 3 nghìn lao động và 700 diễn viên, nhạc công, thu nhập bình quân từ 250 - 350 USD/lao động/tháng.

Lực lượng nòng cốt hơn 200 nghệ nhân, thợ thủ công giỏi, biên kịch… chia thành các đội, nhóm, câu lạc bộ đảm trách các hoạt động thường xuyên của thành phố và hỗ trợ các cộng đồng, trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kích hoạt nguồn lực cho Hội An - thành phố sáng tạo toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO