Nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã nỗ lực khắc phục ô nhiễm, song áp lực hiện nay là kiểm soát nguồn nước thải, khí thải từ các nhà máy công nghiệp, cơ sở sản xuất.
Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, xác định công tác bảo vệ môi trường được chú trọng ngay từ khâu quyết định thu hút đầu tư, đơn vị thẩm định chặt chẽ việc phê duyệt hồ sơ về môi trường, cấp giấy phép về xả thải đảm bảo.
Với các dự án, lĩnh vực đầu tư có nguy cơ, tiềm ẩn tác động lớn về môi trường, trước khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đều phải có phương án đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường.
Giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hành chính 1.334 trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Cùng thời gian này, UBND tỉnh ban hành 27 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 27 đơn vị doanh nghiệp với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và môi trường thông tin, đến nay có 5/7 KCN đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online kết nối truyền dữ liệu quan trắc về sở theo dõi, giám sát. Tất cả cơ sở hoạt động tại các KCN có phát sinh nước thải đều được thu gom, xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn tiếp nhận và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của KCC.
Toàn tỉnh có 22/54 CCN đang hoạt động có hồ sơ về môi trường (chiếm tỷ lệ hơn 40%). Thời gian qua, nhiều địa phương tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm nặng.
Trong số 25 cơ sở gây ô nhiễm nặng thuộc diện theo dõi thì có 24 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để, được đưa ra khỏi danh sách theo dõi; chỉ còn Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chưa hoàn thành việc lập thủ tục đưa ra khỏi danh sách. “Đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”- bà Hạnh nói.
Thách thức hiện nay là ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp do nước thải, khí thải là nguồn ô nhiễm lớn nhất đối với môi trường. Thêm vào đó, hoạt động khai thác, chế biến vàng trái phép ở khu vực thượng nguồn gây tàn phá rừng và có thể dẫn đến trôi trượt đất, hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, tình trạng nuôi trồng thủy sản ở hạ lưu các sông thuộc hệ thống sông Tam Kỳ, khu vực phía nam sông Trường Giang thuộc huyện Núi Thành và khai thác nước ngầm không được kiểm soát luôn làm cho chất lượng nguồn nước ở một số chỉ số hóa suy giảm, vượt giới hạn cho phép.