Công khai kết quả kiểm tra, giám sát (KT-GS), thi hành kỷ luật Đảng trong giai đoạn 2021 - 2025... là ý kiến chung được đề xuất tại hội thảo chuyên đề trực tuyến vào sáng 7.10, do Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tổ chức.
Nhìn thẳng sự thật
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đề án về “Tăng cường công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025” được chuẩn bị công phu, chu đáo, mạnh dạn nhìn nhận các hạn chế, khuyết điểm ở nhiệm kỳ vừa qua.
Từ thực tiễn địa phương, ông Đoàn Văn Tùng - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đúng mức về yêu cầu của công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng; có nơi còn khoán trắng cho UBKT, coi đây là nhiệm vụ của UBKT, dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, chưa kịp thời.
Giai đoạn 2010 - 2020, UBKT các cấp đã kiểm tra 1.037 tổ chức đảng và 3.020 lượt đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết luận có 748/1.037 tổ chức đảng và 2.761/3.020 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Trong đó, có 67 tổ chức đảng và 1.117 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, các tổ chức đảng và đảng viên còn lại có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, đã được kiểm điểm, yêu cầu khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Đồng thời, UBKT Tỉnh ủy kiểm tra, phát hiện số tiền hơn 89 tỷ đồng thực hiện không đúng quy định, đã kiến nghị các tổ chức, cá nhân liên quan thu hồi, chấn chỉnh và khắc phục hậu quả, đồng thời xử lý kỷ luật 7 đảng viên; chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra, làm rõ.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa mạnh dạn, thẳng thắn trong đấu tranh với khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên thuộc thẩm quyền quản lý. Còn tình trạng bao che, nể nang, ngại va chạm, sợ ảnh hưởng thành tích, dĩ hòa vi quý trong họp kiểm điểm đảng viên vi phạm và bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật.
“Trong khi đó, đảng viên vi phạm không thành khẩn, tự giác nhận khuyết điểm, tìm mọi cách để che giấu khuyết điểm, sai phạm của mình, đối phó, cản trở, thiếu hợp tác trong quá trình làm việc gây khó khăn trong công tác thẩm tra xác minh nội dung vi phạm” - ông Tùng nói.
Theo ông Phan Văn Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước, số lượng, chất lượng, hiệu quả KT-GS của nhiều cấp ủy còn thấp, các vụ việc thường được phát hiện bởi quần chúng nhân dân, đảng viên hoặc các cơ quan thông tin đại chúng. Trong khi đó, cấp ủy chậm phát hiện các sai phạm để chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
“Trong thi hành kỷ luật, nhất là kỷ luật đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, một số cấp ủy có biểu hiện bao che, bảo vệ cho nhau, hoặc “núp bóng trách nhiệm tập thể”, nên kỷ cương, kỷ luật của Đảng không nghiêm” - ông Dương phát biểu.
Góp ý vào 8 nhóm giải pháp của đề án, Thượng tá Nguyễn Trí Tài - Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị, cần nhấn mạnh công tác giáo dục tư tưởng, truyền thông để cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về công tác KT-GS của Đảng.
Bởi vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả đồng chí giữ cương vị cao hiểu chưa đầy đủ về vị trí, vài trò, chức năng, nhiệm vụ về công tác KT-GS cũng như chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT các cấp.
Vẫn còn có cách nghĩ phiến diện đối với công tác KT-GS chỉ là công tác kỷ luật Đảng nên rất nặng nề khi được kiểm tra, giám sát và có cái nhìn “ít thiện cảm” với nhiệm vụ này và những người làm công tác kiểm tra Đảng.
Xử lý nghiêm, công khai kết quả
Theo nhiều ý kiến thảo luận, việc công khai kết quả KT-GS và thi hành kỷ luật Đảng của một số cấp ủy, UBKT Đảng ủy thực hiện chưa tốt. Do tư tưởng công tác KT-GS là công việc nội bộ Đảng nên kết quả kiểm tra, xử lý không được công khai cho nhân dân, cán bộ, đảng viên biết, làm giảm hiệu quả của công tác KT-GS; nhất là đối với những vụ việc, lĩnh vực bức xúc, dư luận quan tâm.
Ông Phan Văn Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước nêu quan điểm: “Công khai kết quả KT-GS, kỷ luật Đảng không phải là bôi xấu, hạ thấp uy tín của tổ chức đảng, đảng viên, không phải để Đảng ta yếu đi. Công khai là để tự phê bình và phê bình, để đảng viên tự soi rọi mình, tu dưỡng, rèn luyện, tránh “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”.
Công khai cũng là cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Đồng thời chú trọng giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra, nhất là việc khắc phục hậu quả, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên được KT-GS”.
Tiếp thu ý kiến góp ý vào đề án, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phan Thái Bình khẳng định, công tác KT-GS giai đoạn 2021 - 2025 có mục tiêu xuyên suốt là ngăn ngừa sai phạm, phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm minh, kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
“Cùng với tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác KT-GS, việc công khai kết quả KT-GS, xử lý kỷ luật của Đảng cũng nhằm mang tính tuyên truyền; đồng thời để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa sai phạm, tạo hiệu ứng ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác KT-GS của Đảng bộ tỉnh nói riêng” - ông Bình nói.
Công tác KT-GS phải đi trước một bước
Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng nội dung đề án, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, UBKT Tỉnh ủy nghiên cứu cập nhật thêm một số văn bản mới của Trung ương vừa ban hành để làm sâu sắc hơn nội hàm đề án. Qua đó, góp phần thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn công tác KT-GS của Đảng bộ tỉnh ở giai đoạn 2021 - 2025.
Một trong những mục tiêu quan trọng, manh tính quyết định là chỉ tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ, không để cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng bị hụt hẫng, chắp vá, chậm trễ như đã nhìn nhận.
Thể hiện bản lĩnh, sự sắc bén của công tác KT-GS, UBKT các cấp cần đặt ra mục tiêu 100% tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm phải được kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của Điều lệ Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, lâu nay, chúng ta làm công tác KT-GS thường tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực đạo đức, lối sống, vi phạm về công tác dân số, đoàn kết nội bộ, công tác cán bộ. Công tác KT-GS trên lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản “ít đi trước”, mà khi cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm rồi thì UBKT mới vào cuộc kiểm tra, xử lý kỷ luật.
Vậy nên, thời gian tới, công tác KT-GS của Đảng phải được tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, như đất đai, tài nguyên lâm khoáng sản, đầu tư công... Hằng năm chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT đặt nhiệm vụ này ra để thực hiện hiệu quả.