Tỷ lệ bình quân chung cả nước về phòng học và nhà công vụ giáo viên được kiên cố hóa là hơn 86% nhưng Quảng Nam chưa đến 74%. Thực tế này đòi hỏi tỉnh và địa phương cần có giải pháp mạnh mẽ trong đầu tư nguồn lực để đạt mục tiêu 100% kiên cố hóa vào năm 2030 mà Bộ GD-ĐT đề ra.
Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa thấp
Theo đánh giá của Bộ GDĐT, trong 10 năm 2013 - 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học và nhà công vụ giáo viên đã có bước phát triển đáng kể nhờ vào sự đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, việc xã hội hóa góp phần không nhỏ vào kiên cố hóa (KCH) trường lớp học và nhà công vụ giáo viên. Đến năm 2023, cả nước có gần 39 nghìn cơ sở giáo dục phổ thông với hơn 628,5 nghìn phòng học công lập, tỷ lệ KCH đạt hơn 86,6% (tăng 20,7% so với năm 2013).
Đối với công tác xã hội hóa, trong 10 năm qua đã có hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ khoảng 33 nghìn tỷ đồng, đầu tư KCH 36 nghìn phòng học và 1.300 phòng công vụ giáo viên.
Riêng Quảng Nam, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, sau 10 năm tỷ lệ KCH cũng tăng lên đáng kể, từ 58,7% (với hơn 5.300 phòng) trong tổng số hơn 9.000 phòng học cách đây 10 năm, đến nay cả tỉnh tăng lên hơn 78% (với 8.884 phòng) trong tổng số 11.375 phòng học các cấp. Số phòng công vụ cho giáo viên tăng lên từ 717 lên 826 phòng với tỷ lệ KCH khoảng 57%.
Tuy nhiên, có thể thấy, tỷ lệ 78% được KCH của Quảng Nam (cao hơn con số theo báo cáo của Bộ GDĐT là hơn 4%) vẫn thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước 86,6%.
Trong đó, ngoại trừ bậc THPT Quảng Nam có phần nhỉnh hơn, còn lại các bậc học khác đều có khoảng cách thấp khá so với cả nước (Quảng Nam: mầm non 66%/cả nước 83%, tiểu học 75,3%/83,2%, còn THCS 88,6%/94,9%).
Đáng chú ý, Quảng Nam cũng là địa phương có tỷ lệ phòng học KCH thấp nhất trong số các địa phương khu vực miền Trung, chỉ cao hơn một vài tỉnh Tây nguyên.
Nhu cầu rất lớn
Một cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, những năm qua kinh tế - xã hội phát triển và Quảng Nam tự hào là tỉnh đóng góp ngân sách cho Trung ương.
Tuy nhiên, đi đến nhiều địa phương trên cả nước mới thấy, cơ sở vật chất trường lớp của Quảng Nam thua kém và Quảng Nam đầu tư cho giáo dục không tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua báo cáo tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác KCH trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023 càng cho thấy rõ sự chênh lệch giữa Quảng Nam so với bình quân chung cả nước cũng như nhiều địa phương.
Theo một lãnh đạo huyện Quế Sơn, ngân sách đầu tư cho trường học hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu đầu tư quá lớn.
Chẳng hạn, xây dựng trường chuẩn quốc gia yêu cầu phải có nhà đa năng, song nguồn kinh phí đầu tư mỗi nhà đa năng lên đến vài tỷ đồng, quá sức đối với địa phương. Do đó, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện chậm nhưng khó có giải pháp khắc phục.
Bộ GD-ĐT xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cả nước hoàn thành KCH 100% phòng học và đủ phòng công vụ cho giáo viên. Để thực hiện mục tiêu này, nhu cầu bổ sung hơn 75 nghìn phòng học và KCH trường lớp học, nhà công vụ giáo viên cả nước.
Riêng Quảng Nam nhu cầu trong giai đoạn tới là hơn 2.400 phòng, trong đó nhiều nhất là bậc tiểu học 1.353 phòng, mầm non 865, cấp THCS và THPT chưa đến 100 phòng mỗi bậc học, còn nhà công vụ 295 phòng.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT đề xuất giải pháp thời gian tới ưu tiên bố trí nguồn ngân sách xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đảm bảo dạy học theo quy định tại Thông tư 20 Bộ GD-ĐT.
Đồng thời, tiếp tục tập trung đầu tư đồng bộ nhà đa năng, công trình vệ sinh, sân trường theo hướng thân thiện, đảm bảo xanh, sạch đẹp. Bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách, cần đẩy mạnh huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Giai đoạn 2013 - 2023, cả tỉnh đã huy động nguồn xã hội hóa được hơn 290 tỷ đồng với 103 dự án, trong đó một số doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Công thương Việt Nam…, góp phần đầu tư xây dựng nhiều phòng học, nhà công vụ ở các địa phương miền núi.