Chiều qua 1.8, tại Tắc Pỏ (Nam Trà My), Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với huyện Nam Trà My liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển và quản lý, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng chủ trì; cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Trước năm 2015, ngoài trại sâm giống tại Tắc Ngo với diện tích 3ha do UBND huyện quản lý và trại dược liệu với tổng diện tích 10ha do Sở NN&PTNT quản lý, sâm Ngọc Linh được nhân dân nuôi trồng tại 3 xã Trà Linh, Trà Cang và Trà Nam, với 110 hộ trên diện tích gần 65ha. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030” nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đến nay, Nam Trà My đã phát triển trồng sâm tại 7/10 xã; bảo tồn được khoảng 100ha cây sâm Ngọc Linh tại 50 chốt, tương đương 2 triệu cây sâm và phát triển vùng nguyên liệu sâm diện tích hơn 1.600ha với hơn 1.200 hộ tham gia. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn các tổ chức tín dụng cho người dân vay trồng sâm lên đến hơn 100 tỷ đồng; sản lượng hàng năm tăng 5 - 7 tấn, có giá trị khoảng 300 - 420 tỷ đồng.
Nam Trà My kiến nghị, bên cạnh sớm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, máy móc phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh, tỉnh cần kiến nghị Bộ GTVT đưa tuyến quốc lộ 40B vào danh mục ưu tiên đầu tư nhằm phát triển sâm Ngọc Linh và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, sản xuất dược liệu tập trung; hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 mô hình dược liệu và du lịch, tạo điều kiện cho người dân phát triển vùng dược liệu gắn với du lịch và xây dựng Vườn bảo tồn, phát triển dược liệu quốc gia tại Nam Trà My với diện tích khoảng 200ha.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, giá trị của cây sâm Ngọc Linh không chỉ ở quy mô địa phương mà đã lan tỏa đến cả nước và thế giới. Từ sâm, đã giải quyết được bài toán khó về phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch và văn hóa. Vì thế, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị các đại biểu tập trung bàn bạc sâu vào 4 vấn đề trọng tâm liên quan đến việc quản lý chất lượng giống sâm Ngọc Linh, chất lượng củ sâm, dịch bệnh cây sâm và an ninh trật tự tại vùng sâm. Đồng thời, giao lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan của tỉnh góp ý kiến tham mưu, nhằm giải quyết khó khăn cho Nam Trà My, cũng như tìm hướng tốt nhất trong công tác bảo tồn, phát triển và quản lý, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh hiện nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng nhấn mạnh, cùng với việc nâng cao tuyên truyền vận động, tăng cường quản lý, cần tiếp tục huy động doanh nghiệp tham gia trong việc tạo giống sâm đạt chất lượng, cũng như tạo điều kiện cho người dân trở thành hạt nhân trong việc trồng và phát triển sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ hạt giống, cây giống sâm nhằm đảm bảo chất lượng hạt giống và có chế tài xử lý những hộ dân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trồng và buôn bán giống sâm ngoại lai, không đảm bảo chất lượng...