Kiên trì mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản

LÊ QUÂN 12/09/2019 10:51

Hành trình sau khi được UNESCO công nhận Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới, từ các cấp chính quyền cho đến người dân đều nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, từ những thành tựu đã đạt được, Quảng Nam sẽ tiếp tục đưa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản trở thành động lực để phát triển địa phương.

Đô thị cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đô thị cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

* Kể từ khi Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới đến nay, Quảng Nam đã thực hiện những giải pháp cốt yếu nào để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh.Ảnh: L.Q

Ông Lê Văn Thanh: Có thể nói, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, tạo nên sự đồng bộ và tính lan tỏa xã hội rộng lớn, được sự đồng tình ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong thời gian qua, Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, nhóm giải pháp quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, từ ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định đến các quyết định, đề án, kế hoạch... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa, tạo ra hành lang pháp lý hoàn chỉnh đảm bảo và thúc đẩy công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo là giải pháp về con người với quan điểm con người là “chủ thể sáng tạo văn hóa” để bảo tồn và phát triển văn hóa, giúp văn hóa trường tồn với thời gian. Những năm qua, từ tỉnh đến các địa phương đều chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật làm công tác bảo tồn di sản. Tại Khu đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã từng bước hoàn thiện bộ máy chuyên trách về quản lý, bảo tồn di sản với đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên ngành, có sự trải nghiệm thông qua việc thực hiện các dự án tu bổ di tích trong suốt 20 năm qua, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định quy hoạch là đòn bẩy cho sự phát triển. Chính vì vậy, trong những năm qua Quảng Nam rất chú trọng công tác xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch. Hội An và Mỹ Sơn đều đã có quy hoạch tổng thể cũng như kế hoạch quản lý di sản chặt chẽ và cụ thể theo hướng dẫn của Bộ VHTT&DL cũng như khuyến nghị của UNESCO. Các quy hoạch, kế hoạch này giúp cho việc bảo tồn tu bổ di tích, dù thực hiện ở những thời điểm khác nhau, vẫn luôn đảm bảo tính chân xác và sự nhất quán theo định hướng chung đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các cấp địa phương có giải pháp bảo vệ cảnh quan môi trường và giảm áp lực lên di tích, từ Hội An với chủ trương mở rộng không gian đô thị ra các vùng phụ cận theo hướng hình thành các khu vực du lịch sinh thái, du lịch làng nghề để giãn lượng khách ra bên ngoài khu phố cổ. Hay Mỹ Sơn cũng đã hình thành một lộ trình tham quan mới với lối vào và lối ra tách biệt nhau, qua đó tạo điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các khu tháp và giảm được áp lực khách đối với di tích vào những giờ cao điểm. Chưa kể, việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về di sản luôn được đề cao, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về di sản và bảo tồn di sản, cùng với tác động của cả hệ thống chính trị, đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

*  Từ sự đồng thuận này đã mang lại rất nhiều thành tựu phát triển về kinh tế của Quảng Nam, đặc biệt tại 2 vùng đất di sản. Vậy trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ làm gì để tận dụng tối đa lợi thế di sản này?

Ông Lê Văn Thanh: Có thể nói, Hội An đã trở thành thương hiệu, một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, thật sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đồng thời tăng thêm  nguồn lực để bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích. Tỉ trọng cơ cấu kinh tế của nhóm ngành dịch vụ - du lịch - thương mại năm 2017 chiếm hơn 69%. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 40 triệu đồng/năm. Trong khi đó, tại Mỹ Sơn, việc xác định du lịch cộng đồng là một trong ba trụ cột chính trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Lượng khách tham quan tăng đều hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 1999, khách tham quan chỉ vài trăm lượt, đến năm 2018 số lượng khách đạt được gần 399.657 lượt, doanh thu đạt 62,170 tỷ đồng. Đối tượng khách ngày càng đa dạng, thị trường khách ngày càng mở rộng. Lượng khách du lịch đến với Hội An và Mỹ Sơn luôn vượt so với chỉ tiêu hằng năm, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, thực hiện chính sách phúc lợi xã hội, tạo nguồn lực đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản, góp phần thực hiện thắng lợi  Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27.12.2016 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về phát triển Du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.  

Cho nên chúng tôi xác định, việc đầu tiên là môi trường di sản phải làm sao cho thật sạch đẹp. Cả môi trường xã hội cũng cần phải tiệm tiến như vậy. Người dân ở khu di sản cần phải có ý thức bảo tồn, mến khách, biết ứng xử với di sản, với khách du lịch. Thêm một điều nữa, Quảng Nam tiếp tục quảng bá các giá trị di sản, có những đầu tư cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Quảng Nam. Hiện nay, tỉnh đã có nhiều chính sách, nghị quyết của HĐND để tiếp tục đầu tư cho câu chuyện này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi càng phát triển du lịch thì tác động ngược lại của con người đối với di sản cũng rất lớn. Giữa thu hút khách du lịch và bảo tồn luôn luôn có mâu thuẫn. Chính vì vậy, làm sao để giải quyết được mâu thuẫn đấy, nghĩa là phải tiếp tục thực hiện các công tác bảo tồn, giữ gìn nguyên những nét chân xác của di sản. Khi khách đến nhiều thì tác động đến di sản lớn hơn nên chúng ta phải biết cách để phân luồng, hướng dẫn du khách để giảm đi sự ảnh hưởng. Cái này thì các chính sách từ Trung ương đến địa phương đã nói khá rõ ràng. Trong thời gian tới chúng ta sẽ thực hiện thật tốt để làm sao vừa bảo tồn vừa giúp cho khách du lịch hiểu hơn để cùng chung tay bảo vệ di sản.

* Trong tương lai, để giữ gìn bản sắc và tiếp tục phát huy giá trị di sản, theo ông, cần nâng cao vai trò của người dân như thế nào?

Ông Lê Văn Thanh: Từ Hội An, Mỹ Sơn đến Cù Lao Chàm, người dân giữ vai trò hết sức quan trọng. Họ chính là chủ nhân của di sản, cho nên cần phải tuyên truyền để người dân có ý thức  và quyết tâm tự mình bảo vệ di sản của mình. Đồng thời cũng phải cho họ thấy được quyền lợi của mình khi cùng chung tay bảo vệ di sản. Phải tạo điều kiện cho người dân có được lợi ích ở đây. Có nghĩa là họ vừa bảo tồn, nhưng có thu nhập từ chính sự bảo tồn di sản này. Người dân được kinh doanh, được phục vụ khách du lịch nhưng phải ở trong mức độ giới hạn. Khai thác di sản nhưng phải bảo tồn được di sản. Đối với phố cổ Hội An - đây là một di sản rất đặc biệt trên thế giới. Tức là trong di sản có người sinh sống. Và chính con người làm nên hồn cốt của đô thị cổ. Đây chính là điều cần phải phát huy. Trách nhiệm của chính quyền Quảng Nam là phải tổ chức, thực hiện tốt các đề án quy hoạch tại 3 khu vực này. Với riêng Hội An, hiện nay địa phương đang làm quy hoạch để xác định chỗ nào cần phải bảo tồn một cách nghiêm ngặt, chỗ nào có thể mở rộng hơn để phát triển du lịch, dịch vụ. Đây cũng chính là cách để người dân cùng chung tay với chính quyền bảo tồn di sản ở mức độ tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiên trì mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO