Ở thôn Mỹ Sơn (xã Tam Anh Nam, Núi Thành) người dân vẫn duy trì nghề truyền thống khai thác đá ong. Sản phẩm này được thị trường đón nhận để làm vật liệu xây dựng nhà ở, chùa, miếu, tường rào, cổng ngõ…
Theo nghiên cứu của những nhà địa chất học, ở xã Tam Anh Nam có những vỉa đá ong từ lâu đời, tồn tại cùng quá trình kiến tạo của vỏ trái đất. Đá ong ở thôn Mỹ Sơn được đánh giá rất chất lượng nên được dùng để xây dựng nhiều công trình.
Sở dĩ người ta gọi là đá ong vì đá có bề mặt xù xì, vết lõm đều nhìn giống như bề mặt của những tổ ong. Đá ong ở Mỹ Sơn được người dân khai thác sau một quá trình thăm dò, tìm hiểu bằng những kinh nghiệm gia truyền. Gạch đá ong ở đây không phải nung, đá ong thông thường có trọng lượng lớn và rắn chắc hơn gạch nung.
Ông Phạm Luật (tổ 3, thôn Mỹ Sơn) cho biết, khai thác đá ong là nghề truyền từ đời này sang đời khác. Tổ khai thác đá ong của ông Luật gồm 3 thành viên. Sau khi tìm kiếm vỉa đá ong, ông Luật cùng 2 người thợ bắt đầu công đoạn đào sâu xuống đất để chọn những tảng đá ong chất lượng rồi dùng máy cắt, sau đó dùng xà beng nỉa ta từng viên lớn, nhỏ khác nhau.
Ông Luật cho biết, trung bình mỗi ngày tổ của ông khai thác được 100 viên đá ong lớn, bán mỗi viên giá 80 nghìn đồng. Ông Luật chia cho mỗi lao động gần 1 triệu đồng/ ngày.
“Nghề này có thu nhập không đến nỗi nào nhưng rất hiếm người làm bởi người thợ phải làm việc vất vả, đào bới, cắt đá ong mệt nhọc, thậm chí cát bụi đầy người, lấm lem. Tôi bán đá ong cho một thương nhân ở Tam Nghĩa (Núi Thành). Ông này bán lại đá ong để người ta xây dựng các công trình” - ông Luật nói.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn - cán bộ phụ trách địa chính của UBND xã Tam Anh Nam cho biết, khai thác đá ong là nghề truyền thống của người dân thôn Mỹ Sơn. Trước đây hầu như nhà nào cũng đào đá ong để làm nhà và bán cho thương lái.
Đến nay nghề này chỉ còn 3 tổ (mỗi tổ 3 lao động) do nghề này vất vả. Nghề khai thác đá ong là cách người dân tận dụng tài nguyên độc đáo, không ảnh hưởng đến môi trường nên được khuyến khích để ổn định sinh kế.
“Thợ đào đá ong phải là những người đàn ông khỏe mạnh và có con mắt thẩm mỹ để ước tính kích thước đá ong khai thác hợp lý. Khi mang đá ong lên khỏi vỉa, thợ phải gọt, tạo dáng cho đá vuông vức, cân đối, thẳng và bắt mắt. Nghề này cũng lắm công phu” - ông Nhẫn nói.
Cuộc sống ngày càng phát triển, các loại vật liệu xây dựng ngày càng nhiều, thế nhưng đá ong xù xì, thô ráp vẫn là lựa chọn cho các công trình, nhất là các chùa chiền, cổng ngõ các khu nghỉ dưỡng lớn. Nhà xây bằng đá ong thì rất mát về mùa hạ và ấm áp vào mùa đông. Trong ký ức của nhiều người, đá ong gắn với các giá trị văn hóa truyền thống.